Cựu Tổng thống Pháp bị tù treo vì lao động “ma”

16/12/2011 10:30 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Một tòa án Pháp hôm 15/12 đã ra phán quyết rằng cựu Tổng thống Jacques Chirac đã phạm tội biển thủ công quỹ để có vốn chi tiêu cho đảng của ông. Sự kiện này được đánh giá có thể làm "trầy xước" hình ảnh hết sức đẹp đẽ mà ông Chirac đã gây dựng được trong lòng cử tri Pháp bấy lâu nay.

Theo hãng tin AFP, ông Jacques Chirac, 79 tuổi, bị cho là đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm và biển thủ công quỹ trong giai đoạn 1990 - 1995, khi ông lập hàng loạt các chỗ làm "ma" được hưởng lương lúc còn là thị trưởng Paris.

Tổng cộng có 19 lao động “ma” đã được dựng lên, trước khi Chirac tranh cử Tổng thống.

Một sự kiện chưa có tiền lệ

Trong phán quyết, các thẩm phán nói rằng hoạt động phạm tội của Chirac khiến người đóng thuế Paris thiệt hại số tiền tương đương 1,4 triệu euro (1,8 triệu USD). "Jacques Chirac đã lạm dụng sự tín nhiệm vốn được trao cho các quan chức nhà nước với quyền quản lý công quỹ và tài sản chung" - phán quyết có đoạn.

Ông là cựu Tổng thống đầu tiên của Pháp bị xét xử kể từ thời Thế chiến II. Nhưng ông đã không tới dự phiên tòa, sau khi được các bác sĩ chẩn đoán bị mắc chứng mất trí nhớ. Việc Chirac bị kết án là một sự kiện gây bất ngờ. Trước đó, cơ quan công tố đã đề nghị hủy bỏ cáo buộc cho Chirac và 9 bị cáo có liên quan, vì thiếu bằng chứng nói rằng ông cố ý tham nhũng.

Nhưng tòa đã không đồng tình và đánh giá tội lỗi của ông là kết quả của "hoạt động gây quỹ chính trị trái luật kéo dài". Tòa cũng nói rằng họ đã xem xét tuổi tác của Chirac, sức khỏe và vị trí lãnh đạo trước khi quyết định đưa ra án phạt nhẹ nhàng là hai năm tù treo.

Khi hay tin cha bị kết án, cô con gái nuôi gốc Việt của Chirac là Anh Dao Traxel đã phải cố kìm nước mắt. "Công lý đã lên tiếng và phải được tôn trọng. Nhưng thật không may, đó là nỗi đau lớn cho gia đình tôi và cho Jacques Chirac. Tôi nghĩ rằng phán quyết là quá nặng với cha tôi và gia đình của chúng tôi hơn bao giờ hết phải thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ ông, vì sức khỏe trong phần đời còn lại của ông" - bà thổ lộ với báo giới. 

Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã phải lãnh án
tù treo 2 năm vì phạm tội tham nhũng

Chính khách được yêu mến

Chirac sinh tháng 11/1932 tại Paris, trong gia đình một viên chức nhà nước. Lấy cảm hứng từ Tướng Charles de Gaulle, Chirac bắt đầu theo đuổi một sự nghiệp phục vụ dân sự trong thập niên 1950. Trong giai đoạn này, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, bán báo L'Humanité, và tham gia vào các cuộc họp của một chi bộ cộng sản.

Năm 1953, sau khi tốt nghiệp trường Sciences Po trứ danh ở Pháp, ông đã theo học trường mùa Hè của Đại học Harvard trước khi vào Trường quản trị công quốc gia (ENA), nơi đào tạo các nhân viên dân sự cao cấp nhất của Pháp. Sau khi rời ENA, Chirac có thời gian làm một số công việc ở tòa án, trước khi tham gia bộ máy của Thủ tướng Georges Pompidou. Đây cũng là lần đầu tiên ông bước chân vào chính trường.

Giai đoạn đầu của sự nghiệp, ông được gọi là "máy ủi" vì khả năng giải quyết công việc rất hiệu quả. Một nhà ngoại giao giấu tên người Anh đã nhận xét Chirac luôn "bỏ qua các tiểu tiết và đi thẳng tới vấn đề...Nó dễ chịu, dù bạn phải đeo dây an toàn khi làm việc với ông ta".

Trải qua nhiều thăng trầm, kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau, cuối cùng Chirac đã giành ghế Tổng thống Pháp trong cuộc bầu cử hồi năm 1995, nhờ những cam kết cắt giảm thuế và các chương trình kiến tạo việc làm. Ông tiếp tục nắm quyền Tổng thống cho tới tận năm 2007.

Khi Chirac cầm quyền, Chirac luôn cổ súy cho việc giảm thuế, cắt bỏ các biện pháp quản lý giá cả, đưa ra mức hình phạt thật nặng đối với tội ác cũng như nạn khủng bố, tư nhân hóa lĩnh vực kinh doanh thương mại của đất nước. Dưới thời ông, Pháp đã thực hiện nhiều hoạt động quan trọng như chấp nhận sử dụng đồng tiền chung châu Âu và trở thành một trong những nước chống lại mạnh mẽ nhất cuộc chiến của Mỹ ở Iraq.

Sứt mẻ tình cảm

Có thể nói tác động của Chirac với Pháp là rất lớn và những gì ông làm được cũng rất nhiều. Rời nhiệm sở hồi năm 2007 nhưng Chirac vẫn được công chúng yêu mến, thậm chí còn hơn cả khi ông còn đang cầm quyền. Vì lẽ đó, sự việc mới khiến người ta e ngại tình cảm của công chúng dành cho Chirac sẽ bị sứt mẻ ít nhiều. "Điều tôi hy vọng là phán quyết không thay đổi cảm tình sâu đậm mà người Pháp dành cho Jacques Chirac." - luật sư riêng Georges Kiejman của ông tuyên bố.

Các nhà hoạt động chống tham nhũng, lâu nay vẫn ngán ngẩm trước các thỏa thuận ngầm bẩn thỉu trong bộ máy chính trị Pháp, đã hoan nghênh quyết định của tòa án. Jerome Karsenti, luật sư của tổ chức chống tham nhũng Anticor nói rằng sự kiện nên được nhân rộng. "Đây là một thông điệp mạnh mẽ từ tòa, gửi tới mọi chính trị gia. Nó cũng là bằng chứng về một nền dân chủ đã trưởng thành và minh bạch, trong ngày hôm nay đã có thể xét xử một cựu Tổng thống"  - Karsenti nói - "Tôi thấy đây là một quyết định lịch sử và rất quan trọng cho tương lai của nền dân chủ Pháp".

Tường Linh (Theo AP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm