Cơn say máu sau các vụ cắt đầu của IS

05/09/2014 07:17 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đoạn video bắt đầu bằng một con dao, một chiếc áo cam, một con người với một cái tên Steven Sotloff. Sau khi Sotloff đọc xong thông điệp gửi tới nước Mỹ, người đàn ông 31 tuổi này lập tức bị cắt đầu.

Màn cắt đầu Sotloff, chỉ 2 tuần sau vụ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sát hại phóng viên tự do James Foley với phương thức tương tự, cho thấy cắt đầu đang là lá bài chủ đạo của IS.

Hàng loạt vụ cắt đầu

Chỉ riêng tuần trước, IS đã cắt đầu một người đàn ông người Kurd, trước khi làm điều tương tự với một quân nhân Lebanon. Các màn cắt đầu này đều tàn bạo và đáng kinh hãi, nhưng cũng khiến người ta đặt ra câu hỏi: chúng có động cơ chính trị gì trong đó không?

“Chặt đầu một con tin Mỹ, bị trói và đang quỳ gối, sẽ khó có thể khiến Mỹ đứng ngoài Trung Đông” – cựu phóng viên chiến trường Dexter Filkins viết trên tờ New Yorker – “Thực vậy, các lãnh đạo IS sẽ không thể khiến người Mỹ ném bom nếu họ gửi video tới Tổng thống Barack Obama, thách thức ông làm thế. Nhưng từ đây lại có một câu hỏi lớn hơn được đặt ra. Những gã đó hy vọng sẽ thu được gì khi thực hiện hành động cắt đầu đầu?”


2 nhà báo Mỹ là Steven Sotloff (trái) và James Foley đã bị IS cắt đầu

Cần biết rằng các mục tiêu của chủ nghĩa khủng bố thường rất rõ ràng. “Mục đích của chủ nghĩa khủng bố là gieo rắc sự sợ hãi vào con tim của đối phương để chiến thắng về mặt chính trị” - Timothy R. Furnish, tác giả bài viết “Chặt đầu nhân danh Hồi giáo” đăng trên tờ Middle East Quarterly nhận xét. Các vụ cắt đầu trước đây, diễn ra nhiều trong cuộc chiến Iraq, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Al Qaeda Abu Musab al-Zarqawi, đều có sự tính toán lạnh lùng nằm ở sau. Khi đó, các tay súng thánh chiến sử dụng chiến thuật này vì nhiều lý do, gồm việc đòi tiền chuộc, chặn dòng đầu tư nước ngoài, làm giảm uy tín của quá trình chuyển quyền ở Iraq, tuyển mộ người ủng hộ mới…  Cắt đầu giống như một công cụ tuyên truyền, giúp phô trương sức mạnh của hoạt động thánh chiến với những người ủng hộ tiềm năng trong cộng đồng Hồi giáo toàn cầu.

Một động cơ: khát máu

Nhưng những lý do này không đủ để lý giải cho hành động của IS. Nếu là để gieo rắc nỗi sợ hãi và gia tăng áp lực cho người Mỹ thì IS đã lầm. Sau khi đoạn video cắt đầu Sotloff được tung ra, một số người trong Quốc hội Mỹ đã kêu gọi can thiệp quân sự nhiều hơn tại Iraq. Cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành cũng thấy phản ứng tương tự đang hình thành trong công chúng Mỹ. Có thể thấy việc chặt đầu không mang tới thắng lợi chính trị mà là sự tức giận.

Vậy các chiến binh chặt đầu Sotloff để làm gì? “Sau khi xem đoạn video mô tả các khoảnh khắc cuối của Steven Sotloff, người ta sẽ dễ nghĩ rằng mục tiêu của việc thành lập một nhà nước Hồi giáo có lẽ không quan trọng bằng việc giết người” - Filkins viết – “Với những kẻ gia nhập (IS), đặc biệt là gã đàn ông đeo mặt nạ nói tiếng Anh và cầm dao trong đoạn video, giết chóc có lẽ là lý do duy nhất để gia nhập IS”.


Hình ảnh trích ra từ đoạn video rùng rợn mô tả vụ cắt đầu Sotloff

Quả thực, hoạt động chặt đầu diễn ra quá nhiều, quá man rợ trong IS khiến người ta tin rằng sự khát máu là lời giải thích duy nhất cho hiện tượng này. Theo Washington Post, các chiến binh nước ngoài trong IS đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc thực hiện các hành động bạo lực gây sốc như cắt đầu. Nhiều kẻ trong số đó là những tên tội phạm thuần túy, có vấn đề về thần kinh.

Khaled Sharrouf, tay súng thánh chiến người gốc Australia, là hiện tượng điển hình. Theo các bức ảnh Sharrouf tải lên mạng xã hội thì gã đã chặt đầu rất nhiều người. Có lần gã còn cho con trai cầm một cái đầu người bị chặt đứt, chụp ảnh đứa trẻ rồi tung lên mạng.

Sharrouf vốn là kẻ không lạ gì với bạo lực. Hồi năm 2005, gã từng bị cảnh sát Australia bắt giữ vì định thực hiện một âm mưu khủng bố. Bản đánh giá tinh thần của cảnh sát Australia thực hiện sau đó kết luận: “Mấy năm qua, Sharrouf đã thể hiện nhiều triệu chứng tâm thần. Sharrouf cũng bị chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt”.

Peter Neumann, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cực đoan hóa quốc tế, cho tờ Washington Post biết rằng các chiến binh nước ngoài nằm trong nhóm những kẻ ác độc nhất trong IS. “Chúng tham chiến với động cơ ý thức hệ lớn nhất, làm những điều mà người địa phương không bao giờ thực hiện” – ông nói.

Bạo lực sẽ dẫn tới thất bại

Tuy nhiên sự tàn bạo có cái giá của nó. Người dân địa phương và các tay súng thánh chiến khác đã dần kinh sợ trước tình trạng bạo lực mà các chiến binh ngoại quốc mang tới. “Họ giết người nhân danh Hồi giáo, nhưng Hồi giáo không phải vậy” – một chiến binh nói với Washington Post. Ban đầu anh này hoan nghênh sự giúp đỡ của các chiến binh nước ngoài, nhưng giờ thì khinh ghét họ. Anh nói rằng các nạn nhân của những tay súng nước ngoài này thường là người vô tội và chính các chiến binh chống đối.

Theo tổ chức tư vấn tình báo Soufan Group, bởi khả năng kiểm soát lãnh thổ mới chiếm được của IS còn yếu, việc tiếp tục thực hiện các hành vi bạo lực sẽ khiến tổ chức này trở nên dễ tổn thương. Danh sách kẻ thù của IS dài thêm cùng các hành động bạo lực của họ. “Các đoạn video gần đây mô tả việc sát hại hàng trăm người Syria và việc chặt đầu một người lính Lebanon theo Hồi giáo Sunni đã mang tới tác động tiêu cực thay vì tích cực” – Soufan đánh giá.

Hậu quả của việc gây bạo lực liên tục là điều mà trùm khủng bố quá cố Osama Bin Laden đã nhận ra. Trước khi bị giết hồi năm 2011, những tháng cuối đời của Bin Laden đầy ảo tưởng và sự tiếc nuối. Ông này sợ rằng “những người anh em” Hồi giáo đã thực hiện quá nhiều hành vi bạo lực khó chấp nhận, qua đó khiến nhiều người chống lại Al Qaeda.

Bin Laden thậm chí còn muốn đổi tên Al Qaeda để thoát khỏi quá khứ xấu xa. “Hãy thu lấy bài học từ các sai lầm của họ” – Bin Laden từng viết trong một lá thư trước khi bị giết – “(Bạo lực quá mức) có thể dẫn chúng ta tới vài trận thắng, nhưng cuối cùng sẽ làm chúng ta thua cả cuộc chiến”.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm