Chuyên án phá tổ chức tín dụng đen lớn hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố

29/11/2018 14:34 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 29/11, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Công an thông báo kết quả ban đầu chuyên án triệt phá tổ chức tín dụng đen hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó có Thanh Hóa.

Cảnh giác với “tín dụng đen”

Cảnh giác với “tín dụng đen”

UBND TP Hà Nội chỉ đạo các ngành chức năng của thành phố hướng dẫn nhân dân thận trọng với hoạt động huy động vốn bất hợp pháp.

Đây là chuyên án phá tổ chức tín dụng đen lớn nhất trên toàn quốc từ trước đến nay do Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp điều tra. Tổng tổng số tiền mà tổ chức tín dụng đen này đã giao dịch lên đến trên 510 tỷ đồng.

Tổ chức tín dụng đen này do đối tượng Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1988, thường trú tại phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp với Nguyễn Cao Thắng (sinh năm 1984, thường trú tại Phường 15, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) mở Công ty tài chính Nam Long, để hoạt động tín dụng đen. Tuy nhiên công ty này không có đăng ký kinh doanh. Thắng là người chịu trách nhiệm huy động vốn, còn Thành làm giám đốc chỉ đạo toàn bộ hoạt động của bộ máy.

Sau một thời gian hoạt động, công ty này đã mở 26 chi nhánh ở 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc (mỗi chi nhánh phụ trách 2-5 tỉnh, thành phố ) do 1 người quản lý. Công ty này cũng xây dựng các "giáo trình" xử lý nợ, "giáo án" thẩm định và phân loại khách hàng, đưa ra các cách xử lý tình huống đòi nợ khi gặp khách hàng chống trả, tấn công. Riêng đối với nhân viên, công ty còn lập nên hệ thống các văn bản quy định nội bộ, quy chế kỷ luật hà khắc, ràng buộc nhân viên với công ty như phạt từ 50 đến 100 triệu đồng nếu phá hợp đồng, tự chặt ngón tay nếu vi phạm quy chế.

Chú thích ảnh
7 kẻ cầm đầu băng nhóm tín dụng đen Nam Long bị bắt giữ. Ảnh: Internet

Theo thống kê sơ bộ đã có 200 khách hàng vay lãi tại 26 khu vực ở 63 tỉnh, thành. Cụ thể trường hợp ông Điền Quốc T ở Khánh Hòa vay của Công ty tài chính Nam Long 700 triệu đồng trong 10 ngày, lãi suất 28.571 đồng/1 triệu đồng/ngày (lãi 1.043%/năm). Nhưng thực tế ông T chỉ được nhận 500 triệu đồng và phải nộp thêm 7 triệu đồng phí ngoài hợp đồng,  bị thu thêm 3-5 triệu đồng tiền đi lại cho các đối tượng cho vay.

Hay trường hợp ông Trần Văn K ở thành phố Cà Mau vay 3 gói trong đó 2 gói 500 triệu đồng và 1 gói 300 triệu đồng của Công ty tài chính Nam Long, thời hạn trả là 41 ngày với lãi suất là 18,7 triệu đồng/ngày và phí ngoài hợp đồng phải trả là 20 triệu đồng, bị phạt do chậm nộp tiền trên 18,7 triệu đồng. Hoặc trường hợp chị Triệu Thị D ở Cao Lộc, Lạng Sơn vay 100 triệu đồng trong 50 ngày, thỏa thuận 10 ngày phải trả 25 triệu đồng, phí ngoài hợp đồng là 7 triệu đồng và trừ lãi gốc 10 ngày đầu, nên thực tế chị D chỉ được nhận 68 triệu đồng. Sau lần chị D trả lãi và gốc lần thứ 3 nhưng thiếu 10 triệu, Công ty Nam Long đã cử 11 người siết nợ và bắt 21 con lợn thịt, trong đó có 5 con lợn rừng nặng 60-70 kg, 21 con dê.

Cũng theo kết quả điều tra của lực lượng Công an Thanh Hóa, anh Nguyễn Văn Minh là nhân viên của Công ty tài chính Nam Long đã bị đánh chết tại Thanh Hóa do Minh thu tiền nợ của khách hàng nhưng không nộp lại cho công ty. Công an Thanh Hóa đã quyết định khởi tố hình sự về tội cố ý gây thương tích, giữ người trái pháp luật, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự và khởi tố 9 bị can trong tổ chức tội phạm trên do Nguyễn Đức Thành là đối tượng chủ mưu, cầm đầu tổ chức. Hiện Công an Thanh Hóa đang tạm giam 4 tháng đối với 7 đối tượng trong đó có Nguyễn Đức Thành và truy nã 2 bị can là Nguyễn Cao Thắng và Trần Hồng Phong.

Vụ việc đang được các lực lượng chức năng tiếp tục điều tra xử lý.

TTXVN/Trịnh Duy Hưng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm