Các cường quốc hạt nhân vẫn ôm chặt lấy kho vũ khí chiến lược

15/06/2015 11:49 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tất cả các cường quốc hạt nhân vẫn tiếp tục phát triển các vũ khí hạt nhân mới và hoàn thiện các vũ khí hạt nhân hiện có. Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo năm 2015 của Viện quốc tế nghiên cứu các vấn đề hòa bình Stockholm (SIPRI) được công bố ngày 15/6, trong đó đưa ra đánh giá tình hình mua bán vũ khí, tiến trình giải trừ quân bị và an ninh quốc tế.

Một quan chức của SIPRI nhấn mạnh bất chấp mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với ưu tiên giải trừ hạt nhân, các chương trình hiện đại hóa của các cường quốc hạt nhân cho thấy không một quốc gia nào trong số này có ý định từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình trong tương lai gần.

Theo số liệu của SIPRI, tính đến đầu năm 2015, 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sở hữu 15.850 đơn vị vũ khí hạt nhân, trong đó 4.300 đơn vị đã được triển khai tại các binh chủng và 1.800 đơn vị trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Hải quân Anh thử nghiệm việc phóng tên lửa hạt nhân Trident từ tàu ngầm HMS Vigilant

Cũng theo báo cáo của SIPRI, hiện Mỹ có 7.260 đầu đạn hạt nhân (2.008 đầu đạn đã triển khai, 5.180 đầu đạn dự trữ trong kho), Nga có 7.500 đầu đạn hạt nhân (1.780 đầu đạn đã triển khai, 5.720 đầu đạn dự trữ trong kho), Anh có 215 đầu đạn hạt nhân (150 đã triển khai, 65 trong kho), Pháp có 300 đầu đạn (290 đã triển khai và 10 trong kho), Trung Quốc có 260 đầu đạn (tất cả đều đã triển khai), Ấn Độ có khoảng 90-110 đầu đạn (tất cả đều chưa triển khai), Pakistan có 100-120 đầu đạn (tất cả đều chưa triển khai), Israel có 80 đầu đạn (tất cả đều chưa triển khai).

Theo các số liệu chưa chính xác, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có từ 6-8 đầu đạn hạt nhân. Các đầu đạn hạt nhân đã triển khai khi được lắp vào tên lửa hoặc được bố trí tại các căn cứ tác chiến.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết tổng số binh sĩ gìn giữ hòa bình tham gia các chiến dịch duy trì hòa bình tại các khu vực trên thế giới tiếp tục giảm trong khi số chiến dịch gìn giữ hòa bình gia tăng. Năm 2014 có 62 chiến dịch gìn giữ hòa bình so với 59 trong năm 2013, trong khi số binh sĩ tham gia giảm 20%.

Hiện trọng điểm của các chiến dịch gìn giữ hòa bình là Châu Phi, nơi diễn ra phần lớn các chiến dịch, với số lượng binh sĩ tham gia lớn hơn so với các chiến dịch gìn giữ hòa bình tại các khu vực còn lại của thế giới.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm