Cá chết hàng loạt trên sông Bưởi: không vớt cá chết về ăn, không lấy nước sông tắm rửa

05/05/2016 16:24 GMT+7 | Thế giới

 (Thethaovanhoa.vn) - Tiếp theo hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ lớn nhất thành phố Hải Dương, đến lượt cá chết trên sông Bưởi đoạn chảy qua xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa). Tại đây, cá chết nổi lên mặt nước, trôi dạt vào bờ làm nguồn nước sông bị ô nhiễm, gây lo lắng cho nhiều hộ dân sinh sống hai bên bờ sông.

Ông Lê Huy Dương, Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm cho biết: Vào khoảng 7h ngày 4/5, nhiều người dân ra sông giặt giũ bất ngờ phát phát hiện hàng loạt cá chết nổi trên sông Bưởi. UBND xã đã cử cán bộ địa chính, môi trường và công an xã xuống hiện trường để xác minh.

 

Cá chết trên sông Bưởi ở Thanh Hóa. Ảnh VOV

Qua quan sát bằng mắt thường thấy nước sông chuyển màu xanh đục, nổi bọt, mùi hôi, một lượng lớn cá các loại chết trắng dạt vào bờ. Đây là lần thứ 3 xảy ra hiện tượng cá chết nổi trên sông Bưởi (trước đó vào các năm 2013, 2014). Hiện có 4 thôn gồm: Thôn Biện, thôn Đồi, thôn Thống Nhất, thôn Nghéo đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng này.

 Do 60% hộ dân ở đây sử dụng nước sông nên hiện tượng cá chết đã ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của bà con.

Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra đối với sức khỏe người và gia súc, gia cầm, UBND xã Thạch Lâm đã báo cáo sự việc lên cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo. Xã đã thông báo rộng rãi cho nhân dân không tự ý vớt cá chết về ăn, không lấy nước để tắm rửa sinh hoạt và cho gia súc, gia cầm uống khi cơ quan chức năng chưa có kết quả kiểm tra.

Trước đó, tại Hải Dương, hiện tượng cá chết ở hồ Bạch Đằng thuộc phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương - hồ lớn nhất thành phố - mấy ngày qua và bỗng nhiều bất thường trong sáng 29/4 khiến không khí quanh hồ bị bốc mùi thối, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Tình trạng này báo động mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng nguồn nước ao hồ trong thành phố.


Cá chết dạt vào mép hồ phía đường Đoàn Kết. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Khoảng 9 giờ ngày 29/4, theo quan sát của phóng viên, cá chết phơi trắng bụng nằm rải rác khắp mặt hồ, đặc biệt là mép hồ, nơi giáp với hai tuyến đường Thanh Niên và Đoàn Kết. Lực lượng công nhân của Công ty cổ phần quản lý công trình Đô thị Hải Dương đã có mặt từ sáng sớm, dùng thuyền, vợt, xe thu gom để vớt xác cá đang trong quá trình phân hủy. Hơn 20 công nhân đã được huy động đến để đẩy nhanh quá trình thu gom cá chết.

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Nguyên Vỹ - Giám đốc Công ty Quản lý công trình đô thị Hải Dương cho biết: Ước tính có khoảng 3 tấn cá các loại (nhiều nhất là cá mè, cá rô phi) bị chết trong mấy ngày qua. Những loại cá này được Công ty thả để góp phần dọn dẹp những chất bẩn trong hồ, cải tạo nguồn nước hồ.

Trước tình trạng cá chết nhiều bất thường, trong ngày 29/4, Công ty đã tăng cường công nhân và huy động mọi phương tiện có thể để vớt cá chết. Tuy nhiên, phải mất khoảng 1-2 ngày mới đưa được hết lượng cá chết ra khỏi hồ.


Công nhân của Công ty thu gom cá chết ở Hải Dương. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

 Nhận định bước đầu về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết, ông Vỹ cho rằng có thể do thời tiết thay đổi cộng với mức độ ô nhiễm của nước hồ ngày càng trầm trọng. Hồ Bạch Đằng là nơi tiếp nhận nguồn nước thải sinh hoạt từ các kênh dẫn nước thải trong thành phố đổ về.

Những lần trước, cá chết chỉ xuất hiện rải rác mỗi lần khoảng vài chục cân. Trao đổi về các giải pháp lâu dài, bền vững, ông Vỹ cho biết công ty sẽ đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm lấy mẫu nước kiểm tra, nghiên cứu, quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt của thành phố được đồng bộ.

Nhiều người dân sống xung quanh khu vực hồ phản ánh, vào khoảng thời điểm này những năm trước, khi thời tiết thay đổi thường xảy ra hiện tượng cá chết nhưng số lượng không nhiều như mấy ngày nay. Cá chết nhiều nhất là cá mè. Mùi hôi thối tỏa ra quanh hồ nên người dân không còn dám đến bờ hồ để tập thể dục hay dạo chơi.

 Hồ Bạch Đằng rộng 18 ha, nằm trong khuôn viên công viên Bạch Đằng, góp phần quan trọng trong việc tạo nên cảnh quan đẹp cho thành phố Hải Dương. Từ khi được cải tạo không gian xung quanh, trồng nhiều cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, đây còn là điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thu hút đông đảo nhân dân trong tỉnh đến thưởng thức vào những dịp lễ, Tết. Ngày thường và dịp cuối tuần, khu vực quanh hồ có rất đông người dân đến dạo chơi, rèn luyện sức khỏe, tận hưởng không gian xanh, thoáng mát.

Nếu không sớm có biện pháp kịp thời về bảo vệ môi trường nguồn nước trong hồ thì theo thời gian, từ chỗ là một lá phổi xanh điều hòa không khí, hồ Bạch Đằng có nguy cơ biến thành điểm ô nhiễm ngay giữa lòng thành phố, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân địa phương.

Khiếu Tư - PV (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm