'Bóng ma' chi phí ám ảnh chiếc trực thăng chở tổng thống Mỹ

11/05/2014 02:22 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Quốc phòng Mỹ vừa quyết định trao hợp đồng phát triển một trong những chiếc trực thăng đắt nhất hành tinh, chỉ dành riêng để phục vụ các tổng thống của nước này, cho công ty Sikorsky. Tuy nhiên đã có những e ngại chương trình này sẽ sụp đổ vì vấn đề chi phí.

Bên cạnh những chiếc chuyên cơ cánh cố định mang tên Air Force One, máy bay trực thăng chuyên phục vụ tổng thống Mỹ mang tên Marine One đã có một lịch sử khá dài.

Những chiếc Marine One cổ lỗ

Tổng thống Mỹ đầu tiên bay lượn thường xuyên bằng trực thăng chuyên dụng là Dwight Eisenhower. Ông thường phải mất 2 giờ đồng hồ để đi từ nhà nghỉ mùa hè tại Rhode Island tới Nhà Trắng, do nơi này không có sân bay để chiếc Air Force One đỗ xuống.

Tổng thống muốn có một phương tiện giúp ông di chuyển nhanh và Lính thủy đánh bộ Mỹ đã điều tới một chiếc Sikorsky UH-34 Seahorse phục vụ ông. Mẫu máy bay đầu tiên thiếu hẳn các yếu tố tiện nghi thường thấy trong các mẫu trực thăng phục vụ tổng thống sau này, như điều hòa và nhà vệ sinh.

Sau khi Eisenhower dùng trực thăng thường xuyên, Vườn phía Nam của Nhà Trắng được thiết kế làm điểm đỗ trực thăng tổng thống chính thức. Cho tới tận năm 1976, Lính thủy đánh bộ Mỹ vẫn chia sẻ trách nhiệm chuyên chở tổng thống với Lục quân. Các trực thăng của Lục quân được gọi là Army One, trong khi trực thăng của Lính thủy đánh bộ là Marine One.

Mẫu trực thăng được sử dụng ban đầu là Sikorsky VH-3A về sau được thay bằng Sikorsky VH-3D và VH-60N. Tới năm 2009, có tổng cộng 11 chiếc VH-3D và 8 chiếc VH-60N nằm trong phi đội máy bay trực thăng phục vụ riêng tổng thống. Lực lượng này chưa từng gặp bất kỳ tai nạn nào trong thời gian hoạt động.

Vấn đề nằm ở chỗ mẫu VH-3D, dựa trên mẫu Sea King của Sikorsky, đã bị quân đội Mỹ loại bỏ vào những năm 1990. Những chiếc còn bay ra đời vào năm 1975, khiến chúng chỉ trẻ hơn Tổng thống Barack Obama có 14 năm.

Chết yểu vì chi phí

Năm 2002, chính quyền Mỹ đã đề xuất kế hoạch thay những chiếc VH-3D bằng một mẫu trực thăng mới, hiện đại hơn. Theo sau các vụ khủng bố 11/9, do lo ngại về nguy cơ tổng thống có thể bị đe dọa tính mạng, người ta muốn có một phương tiện vừa hiện đại, vừa an toàn.

Năm 2005, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng một đội đấu thầu thuộc các tập đoàn Lockheed Martin và AgustaWestland đã giành được hợp đồng chế tạo 28 chiếc trực thăng mang tên VH-71 Kestrel (chữ V chỉ “phương tiện vận tải chở người quan trọng - VIP).

Mô phỏng hình ảnh chiếc Marine One mới của Sikorsky

Vào thời điểm hợp đồng được ký kết, chi phí ước tính của chương trình là 6,5 tỷ USD, tức 232 triệu USD mỗi chiếc, gồm cả phí nghiên cứu phát triển.

Thật không may, chương trình Kestrel nhanh chóng vượt tầm kiểm soát, có chi phí quá lớn do những yêu cầu khắt khe của chương trình, bên cạnh "các ý kiến hay" khác được bổ sung sau này.

Để trở thành một chiếc trực thăng Marine One không phải chuyện dễ dàng. Chiếc máy bay phải đủ nhỏ để hạ cánh được xuống Vườn phía Nam Nhà Trắng, nhưng cũng đủ lớn để mang được 14 người và cả tấn thiết bị đi một quãng đường dài 450km. Chiếc trực thăng phải được bọc thép, với kính lái và thân máy bay chống được đạn súng bắn thẳng.

Trực thăng của tổng thống cũng phải được trang bị nhiều biện pháp phòng vệ để chống lại việc bị tập kích bằng tên lửa dẫn đường. Nó phải chống được sóng điện từ hình thành từ một vụ nổ hạt nhân, vốn có thể nướng chín các thiết bị điện tử và khiến trực thăng rớt khỏi bầu trời.

Hệ thống liên lạc an toàn phải được trang bị. Marine One phải có khả năng gửi và nhận thông tin liên lạc được bảo mật, có thể tổ chức hội đàm video được bảo vật với các lãnh đạo thế giới và quân đội Mỹ, gồm những người phụ trách lực lượng hạt nhân của Mỹ.

Cuối cùng, trực thăng của tổng thống phải có nhà vệ sinh.

Quá nhiều yêu cầu đã đặt lên vai chương trình Kestrel, tới mức các nhà phát triển quyết định rằng nó sẽ cần các động cơ mới, hộp số mới, cơ cấu truyền động mới để nâng được đủ thứ hàng hóa đi kèm, chưa kể vị tổng thống nặng tới gần 90kg.

Chương trình trở nên đắt đỏ tới mức mỗi chiếc trực thăng có giá khoảng 400 triệu USD trong năm 2009, vượt qua cả chi phí sản xuất Air Force One. Ngay cả ông Obama đã tỏ ra tức giận trước việc chương trình có chi phí quá lớn. "Chiếc trực thăng tôi đang dùng là hoàn hảo đối với tôi" - ông tuyên bố.

Kết quả là chương trình  bị hủy bỏ vào năm 2009, với 3 tỷ USD đã kịp bốc hơi.

Vẫn quá sức đắt đỏ

Nay đề xuất chế tạo Marine One lại được khơi lại. Báo chí Mỹ nói rằng mỗi chiếc máy bay trực thăng thuộc chương trình mới sẽ có giá ít nhất 400 triệu USD, tức không hề rẻ nếu so với chương trình Kestrel đã chết yểu. Toàn bộ dự án nhằm chế tạo ít nhất 23 chiếc trực thăng sẽ khiến dân Mỹ tốn từ 10 - 17 tỷ USD tiền thuế.

Hợp đồng lần này trao cho nhà thầu Mỹ Sikorsky. Không giống chương trình trước, chương trình mới gồm nhiều phần và giai đoạn đầu có giá chỉ 1,24 tỷ USD. Quân đội Mỹ sẽ nhận bàn giao 2 chiếc trực thăng thử nghiệm, dựa trên mẫu Sikorsky S-92, vào năm 2015. Thêm 21 chiếc trực thăng nữa sẽ được bàn giao sau.

Có một câu hỏi đặt ra là vì sao người Mỹ phải mua quá nhiều trực thăng tới vậy chỉ để phục vụ một tổng thống? Câu trả lời là Marine One thường bay trong một đội gồm các máy bay "chim mồi", nhằm giảm thiểu rủi ro. Khi cần thiết người ta có thể sử dụng tới 5 chiếc loại Marine One và chỉ 1 trong số đó chở theo tổng thống.

Ngoài ra việc dùng nhiều trực thăng là yêu cầu bắt buộc khi tổng thống cần di chuyển dọc theo Washington. Người ta sẽ điều trực thăng tới chờ ở các chặng trong hành trình để đảm bảo ông không phải chờ đợi.

Yêu cầu là vậy nhưng chỉ thời gian mới có thể trả lời liệu Sikorsky có giảm bớt chi phí và bàn giao trực thăng đúng hẹn hay không. Có một điều rõ ràng là Tổng thống Barack Obama chắc chắn sẽ không bao giờ được đặt chân lên mẫu Marine One mới. Đội trực thăng chuyên phục vụ tổng thống mới sẽ chỉ đi vào phục vụ hoàn chỉnh trong năm 2022, rất lâu sau khi Obama rời nhiệm sở.

Để tiện so sánh, chi phí tối đa của dự án chế tạo Marine One (17 tỷ USD) đủ để quân đội 3 nước Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển chi tiêu quốc phòng trong vòng 1 năm (ngân sách quốc phòng thường niên của 3 nước cộng lại là 16,9 tỷ USD).


Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm