Báo Malaysia: Tên lửa đối không, pháo 30mm bắn rơi MH17

08/08/2014 07:22 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Giả thuyết máy bay chiến đấu bắn hạ chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 thuộc hãng Malaysia Airlines vừa được khơi lại trong một bài viết của tờ New Straits Times (Malaysia), dẫn nguồn các chuyên gia Mỹ.

Trong bài viết đăng trên trang web chính thức hôm 6/8, New Straits Time (NST) nói rằng "các nhà phân tích tình báo ở Mỹ đã ra kết luận MH17 bị bắn hạ bởi tên lửa không đối không" và chính quyền Ukraine có dính líu tới việc này.

Các tay súng ly khai không có lỗi?

NST không nêu chi tiết về "nguồn tin tình báo Mỹ" này, chỉ nói rằng kết luận đã củng cố cho một hướng giả thuyết đánh giá chiếc Boeing 777-200 bị bắn hỏng bởi một quả tên lửa không đối không, trước khi bị kết liễu bằng một tràng đạn pháo từ một chiếc máy bay chiến đấu. Trong cuộc xung đột ở Đông Ukraine, quân đội Ukraine là bên duy nhất sử dụng máy bay chiến đấu.


Nguyên nhân khiến MH17 bị rơi hiện vẫn còn gây tranh cãi

NST cho biết trong một bài báo viết ngày 3/8, mang tựa đề “Thay đổi kịch bản bắn hạ Chuyến bay số 17", phóng viên Robert Parry của hãng tin AP cũng nói rằng "một số nguồn tin tình báo Mỹ đã kết luận các tay súng ly khai và Nga nhiều khả năng không có lỗi trong vụ rơi MH17 và quân đội chính quyền Ukraine mới là bên phải chịu trách nhiệm". Bài viết đã được tải lên GlobalResearch, một tổ chức truyền thông và nghiên cứu độc lập.

Bài viết của Parry nói rằng bất chấp việc chính quyền Mỹ đánh giá Nga đã vận chuyển cho các chiến binh ly khai một hệ thống tên lửa đối không BUK-M1, họ lại không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để ủng hộ cho tuyên bố của mình.

Trang tin Ria Novosti của Nga nói rằng nếu giả thuyết mới là đúng, khả năng MH17 trúng tên lửa SAM sẽ bị loại bỏ. "Một quả tên lửa BUK-M1, với đầu đạn nặng 70kg, là đủ để bắn hạ một chiếc máy bay chở khách mà không cần phải dùng thêm đạn pháo" - Ria Novosti dẫn nguồn chuyên gia cho biết.
Parry còn dẫn một cuộc phỏng vấn của Tập đoàn phát thanh truyền hình Canada (CBC) trong ngày 29/7 với Michael Bociurkiw, điều tra viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã tới hiện trường vụ rơi MH17, để cho thấy tên lửa BUK không phải vũ khí bắn hạ MH17. Bociurkiw cùng một cộng sự khác là các giám sát viên quốc tế đầu tiên tới điểm rơi MH17 ở Donetsk, Đông Ukraine.

Bằng chứng MH17 trúng đạn pháo máy bay

Trong cuộc phỏng vấn với CBC, ông nói: "Có 2 hoặc 3 mảnh thân máy bay chứa dấu vết giống như bị bắn bằng súng máy, một loại súng máy rất, rất mạnh". Parry đánh giá lời nói của Bociurkiw là "chứng cứ mạnh mẽ, có giá trị" và chưa bị tác động gì.

Trò chuyện với Parry, phi công hãng hàng không Lufthansa đã về hưu là Peter Haisenko cũng nghiêng về giả thuyết chiếc máy bay bị pháo máy bay bắn hạ. “Anh có thể thấy các vết đạn xuyên vào và đi ra ở khoang lái. Có những lỗ nhỏ, tròn và sạch, cho thấy vết đạn xuyên vào thân máy bay dường như do pháo 30 mm gây ra. Phần rìa của các lỗ đạn xuyên ra khác (cũng ở khoang lái) , lớn hơn và hơi bị rách, với nhiều chấm vụn kim loại, dường như cũng do cùng một đầu đạn (30mm) tạo ra" - ông nói.


Mảnh vỡ khoang lái MH17 chi chít các lỗ thủng

Theo Haisenko, để có các lỗ đạn xuyên vào và xuyên ra trên cùng một mảng thân máy bay, người ta sẽ phải cần tới 2 chiếc máy bay bắn từ 2 hướng. Đây là chi tiết quan trọng bởi không một quả tên lửa đối không hoặc mảnh vỡ nào bắn vào máy bay có thể tạo lỗ xuyên vào khoang lái máy bay từ cả hai bên trái và phải.

“Đó phải là một tràng đạn bắn từ cả hai bên và khiến chiếc máy bay rơi xuống. Đó là phát hiện chính của Haisenko. Anh không thể có một loạt đạn bắn vào thân trái máy bay và tạo thành 2 hướng xuyên, trừ phi chúng được bắn từ 2 hướng khác nhau" - Parry nói.

Ukraine vẫn khẳng định MH17 trúng tên lửa SAM

Trong thông báo do Đại sứ quán Ukraine (ở Malaysia) đưa ra hôm 5/8, phía Kiev đã bác bỏ thông tin nói rằng các máy bay chiến đấu của nước này đang ở trên không vào thời điểm MH17 bị bắn hạ. Thông báo của đại sứ quán được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga khẳng định cơ quan điều khiển không lưu Nga phát hiện thấy hoạt động của Không quân Ukraine trong khu vực MH17 bị bắn rơi, vào cái ngày định mệnh đó.

Đại sứ quán đã bác bỏ thông tin của phía Nga, nói rằng  Ukraine đang tập trung đảm bảo việc tổ chức một cuộc điều tra quốc tế toàn diện, minh bạch và không thiên vị để làm rõ thảm kịch. “Chúng tôi có bằng chứng rằng chiếc máy bay đã bị bắn hạ bởi những kẻ khủng bố đó... nhờ một hệ thống tên lửa đối không (SAM) BUK-M1. Thông tin này đã được xác nhận bởi tình báo của chúng tôi, qua các cuộc trao đổi điện thoại bị ngăn chặn và ảnh chụp vệ tinh. Cùng thời điểm, quân đội Ukraine chưa từng sử dụng quả tên lửa đối không nào kể từ khi chiến dịch chống khủng bố diễn ra vào đầu tháng 4"- thông báo nêu rõ.

Tường Linh (Theo NST)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm