100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Cơ Thạch: 'Kiến trúc sư' của nền Ngoại giao Việt Nam hiện đại

13/05/2021 20:26 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà ngoại giao kiệt xuất và nhà lãnh đạo có tầm nhìn đột phá. Những ý tưởng, quyết sách và sự chỉ đạo của đồng chí để lại nhiều bài học sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng nền ngoại giao hiện đại trong thời kỳ mới.

Độc giả đồng tình và phản biện nhà ngoại giao 'hiến kế' xóa nạn tắc đường

Độc giả đồng tình và phản biện nhà ngoại giao 'hiến kế' xóa nạn tắc đường

Sau bài Nhà ngoại giao 'hiến kế' xóa nạn tắc đường Hà Nội, báo Thể thao & Văn hóa đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ của độc giả.

Nhà ngoại giao tài ba, uyên bác, sáng tạo

Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch sinh ngày 15/5/1921 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trải qua quá trình rèn luyện, trưởng thành trong đấu tranh cách mạng và lao tù, đồng chí đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm sâu sắc, phong phú, luôn tìm tòi, sáng tạo để vượt lên nhiều khó khăn, thử thách. Từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, như Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), Bộ trưởng Ngoại giao, đồng chí đã ghi dấu sâu đậm ở giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thời hiện đại.

Chú thích ảnh
Ông Trần Trọng Toàn (hàng sau) và Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong một cuộc họp ở New Delhi nhân dịp Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Ấn Độ năm 1983

Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch khởi đầu sự nghiệp ngoại giao trên cương vị Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao (năm 1954). Năm 1956, đồng chí được cử sang Ấn Độ làm Tổng Lãnh sự đầu tiên của Việt Nam (lúc đó quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ mới ở mức Tổng lãnh sự). Đây là một vị trí rất quan trọng vì Ấn Độ là một nước lớn và đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế về việc thi hành Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương.

Mặc dù vào một môi trường hoàn toàn xa lạ, nhưng nhớ lời dạy của Bác Hồ là “sang bên đó, chú thấy họ làm thế nào thì bắt chước mà làm”!, đồng chí đã “bắt chước”, học hỏi kinh nghiệm của Sứ quán các nước XHCN tại New Delhi và cách làm việc của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nên chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí đã bắt tay vào công việc như một nhà ngoại giao thực thụ.

Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, trong đó đón thành công chuyến thăm lần đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ (tháng 2/1958), tạo nền tảng cơ bản cho quan hệ hai nước và thúc đẩy Ấn Độ tiếp tục ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Về nước năm 1959, năm 1960, đồng chí được đề bạt lên Thứ trưởng phụ trách đối ngoại. Năm 1962, đồng chí được cử làm Quyền Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị Geneva về Lào. Đây là lần đầu tiên đồng chí tiếp xúc với hoạt động đa phương nhưng đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ rất xuất sắc đến mức Luật sư Trần Công Tường, thành viên Đoàn Việt Nam tại Hội nghị, một Tiến sĩ Luật học tại Đại học Sorbone (Pháp) phải thốt lên rằng “phải tặng Bằng Tiến sĩ Luật quốc tế cho đồng chí”!

Kinh nghiệm tích lũy được tại Hội nghị Geneva về Lào đã được đồng chí Nguyễn Cơ Thạch phát huy vai trò là người tham mưu chủ chốt cho đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris 1968-1973. Với tư cách là trợ lý cho Cố vấn Lê Đức Thọ, đồng chí đã thể hiện là một nhà ngoại giao tài ba, khôn khéo, sắc sảo trên bàn đàm phán, đưa ra những nhận định, những ý kiến xác đáng làm cho đối phương phải nể trọng.

Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã từng nói rằng, ở Paris, Nguyễn Cơ Thạch chính là người khiến ông e ngại nhất của phái đoàn Việt Nam, vì kỹ năng đàm phán xuất sắc. Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết năm 1973 là thắng lợi to lớn của ngành ngoại giao Việt Nam, trong đó có đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch.

 "Người phá băng" và kiến tạo

Năm 1980, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch được cử giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong bối cảnh đất nước sau chiến tranh khó khăn tứ bề. Trong bối cảnh đó, ông chủ trì tham mưu và tổ chức thực hiện tốt đường lối của Đại hội Đảng lần thứ V (1982) nhằm phá thế bao vây cấm vận, tạo điều kiện hòa bình ổn định để phát triển đất nước.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp Ngoại trưởng Mỹ James Baker tại New York, ngày 29/9/1990. (Ảnh tư liệu)

Chính trong giai đoạn này, ông lãnh đạo ngành Ngoại giao chủ động triển khai hàng loạt sáng kiến ngoại giao, từng bước làm thất bại âm mưu bao vây, cô lập Việt Nam và cải thiện quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế. Đáng chú ý, ông cùng lãnh đạo Bộ chuẩn bị và trình Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết 13 ngày 20/8/1988 về “nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới” - một mốc quan trọng trong đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Nghị quyết nhấn mạnh chủ trương "thêm bạn bớt thù", đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Nghị quyết cũng chỉ ra những nhiệm vụ cấp bách của ngành Ngoại giao, trong đó quan trọng nhất là giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á, bình thường hoá quan hệ với Mỹ...

Những chiến dịch đấu tranh dồn dập, chủ động, mạnh mẽ của Ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết dứt điểm vấn đề Campuchia (1991), bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (tháng 11/1991), cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á và gia nhập ASEAN (tháng 7/1995), Mỹ bãi bỏ cấm vận (tháng 2-1994) và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam (tháng 7/1995). 

Điểm nổi bật ở Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là sự kết hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn giữa việc quán triệt tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng cũng như tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh với việc cụ thể hóa trong tổ chức thực hiện; giữa tính kiên định về nguyên tắc với tính năng động, sáng tạo và tinh thần đổi mới dựa vào hoàn cảnh, nhiệm vụ cụ thể của đất nước nói chung và của ngành Ngoại giao nói riêng.

Ông đã truyền cho cán bộ ngoại giao tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, bền bỉ, tận tụy, dám nghĩ, dám làm với tinh thần trách nhiệm lớn lao, tính khẩn trương cao độ và tinh thần tấn công liên tục.

Người khởi xướng việc đổi mới công tác xây dựng ngành Ngoại giao

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người đi tiên phong và kịp thời khắc phục những hạn chế của công tác xây dựng ngành ngoại giao, ngay khi đất nước vừa ra khỏi chiến tranh và phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Những chủ trương bao gồm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, gấp rút bồi dưỡng, đào tạo cán bộ về chuyên môn và ngoại ngữ, chú trọng đội ngũ cán bộ quản lý, cải tiến tổ chức bộ máy và phương pháp làm việc... đã được triển khai rất thành công.

Trong đó, cơ chế Tập sự cấp Vụ từ năm 1978 và Tập sự cấp Bộ từ năm 1983 được coi là cơ chế hoàn toàn mới mẻ lúc bấy giờ, khi triển khai đã rất thành công, tạo cơ hội cho những cán bộ ngoại giao trẻ có năng lực được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của Bộ. Phát huy nhiều sáng kiến của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, Bộ Ngoại giao không ngừng hoàn thiện và đến nay đã có cơ chế tương đối hoàn chỉnh về công tác cán bộ; trong đó cơ chế đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý đã được một số cơ quan khác nghiên cứu tham khảo, áp dụng.

Để tăng cường nghiên cứu chiến lược, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch kiến nghị lập các đơn vị chuyên về tổng hợp, nghiên cứu (Vụ Tổng hợp đối ngoại, Vụ các vấn đề chung, Viện Quan hệ quốc tế) theo ba hướng: chuyên sâu, cơ bản và tổng hợp những vấn đề lớn toàn cầu. Đặc biệt, đồng chí đưa công tác ngoại giao phục vụ kinh tế thành nhiệm vụ trọng tâm của từng đơn vị trong và ngoài nước. Đồng thời, đồng chí đã chỉ đạo xác định biên chế bộ máy trên cơ sở nhiệm vụ của toàn ngành và từng đơn vị; thực hiện quản lý công việc của Bộ theo chương trình và sản phẩm “đầu vào”, “đầu ra”, đảm bảo công tác thông tin kịp thời.

Đồng chí là tấm gương sáng về tinh thần không ngừng học tập, trau đồi kiến thức, say mê nghiên cứu. Đồng chí thường nhắc nhở các đồng nghiệp, thế hệ kế cận trong ngành ngoại giao: nghề của chúng ta có đối tượng là cả thế giới bao la bên ngoài, thế giới đó muôn màu muôn vẻ, luôn biến động khôn lường; nếu lười học, lười mở rộng kiến thức, lười động não thì chúng ta không thể theo kịp với phát triển của khách quan, không thể có đủ khả năng làm tròn nhiệm vụ với dân với nước. Những dấu ấn khó quên của đồng chí, phong cách ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là bài học, là kinh nghiệm quý báu đối với tầng lớp kế cận và với cả thế hệ trẻ sau này.

Nghiêm khắc và đòi hỏi cao trong công việc, nhưng trong cuộc sống, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch là người giản dị, thanh bạch, tình nghĩa, hết lòng quan tâm giúp đỡ mọi người. Trong trí nhớ và ấn tượng của nhiều đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè trong nước và quốc tế và cả những đối thủ trên mặt trận ngoài giao, bên cạnh một nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tài ba, nhạy bén, sắc sảo và sáng tạo còn có một người anh, người bạn, người đồng chí với trái tim chân thành, tính cách cởi mở, hòa đồng và gần gũi.

Ông Nguyễn Đình Bin - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao đánh giá đồng chí Nguyễn Cơ Thạch là nhà lãnh đạo tài năng toàn diện. Tấm gương sáng toàn diện của người tư lệnh ngành Nguyễn Cơ Thạch “nhà ngoại giao tài ba kiệt xuất, uyên bác, nhạy bén, sắc sảo, sáng tạo, bậc thầy trong nghiên cứu, tham mưu chiến lược và tác chiến” là kim chỉ nam để ông Bin soi vào và phấn đấu trở thành một nhà ngoại giao kỳ cựu của Bộ Ngoại giao.

Còn với nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là nhà lãnh đạo tầm chiến lược nhưng lại rất gần gũi, giản dị. “Một huyền thoại, một tấm gương sống, một nhà ngoại giao kiểu mẫu, bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược, phong cách ứng xử đàng hoàng, tinh tế - tất cả đều có trong nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”.                                                                                                    

    Diệp Ninh - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm