Đoản khúc World Cup: Sau tất cả anh vẫn sẽ còn em...

03/07/2014 16:55 GMT+7 | Tứ kết

(Thethaovanhoa.vn) - Đôi mắt anh mênh mông nỗi buồn, chao chát và cay đắng, không phải vì kém cỏi, không phải vì đã không gắng hết sức, mà bởi, định mệnh đã an bài kết cục là như vậy... Khi trái bóng, tưởng chừng như một đứa trẻ cũng có thể đưa vào khung gỗ lại từ chân Chris Wondolowski bay lên không trung. Giấc mơ Mỹ, giấc mơ của Klinsmann và giấc mơ của tôi, đã theo trái bóng đó bay về nơi vô định.

1. Máy quay cận cảnh, khuôn mặt anh sững sờ, không thể tin nổi vì sao bàn thắng không thành, bình luận viên, tôi và nhiều người - có lẽ bao gồm cả anh đều nghĩ, anh đã ước, khi đó anh ở trên sân và số 18 huyền thoại của “Die Mannschaft” sẽ không bao giờ bở lỡ cơ hội mười mươi như thế.

Trong một bài báo, có tiết lộ rằng, Klinsi đã đề nghị các tuyển thủ đổi vé từ Brazil về Mỹ vào ngày 14/7 - có nghĩa là sau trận chung kết. Klinsi không hề tham vọng, cũng không ảo tưởng, anh tự tin vào các học trò, tự tin trong đánh giá các đối thủ, cũng như tôi luôn tin anh. Triết lý “ông già bao giờ cũng đúng” là chưa bao giờ thay đổi.

Trời Salvador hôm đó như tôi cầu nguyện không mưa, cũng không nắng. Nó đẹp nhất có thể ở khí hậu Nam Mỹ khắc nghiệt cho đội bóng xứ sở cờ hoa có thể thi đấu sòng phẳng với các chàng trai châu Âu, mà về kỹ năng, về truyền thống... túc cầu đều hơn họ. Nhưng thần may mắn hôm đó ngoảnh mặt với anh... Ừ thì bảo tôi mù quáng, tôi thiên vị, tôi cảm tính... nhưng tôi nghĩ rằng, đội quân của Klinsi xứng đáng có mặt ở tứ kết hơn sau những gì đã thể hiện ở trận cầu đó. Và tuyển Mỹ mới là một đối trọng cân xứng với “Albicelestes” - đội quân xanh trắng đã trầy trật để có chiếc vé đi vào tứ kết. Chiếc vé ấy, Klinsi và học trò cũng đã có thể có, nếu như Wondolowski  đừng quá vô duyên đến vậy...

2. Klinsi, ánh mắt anh lúc đó, làm sao tôi quên nổi, nó y như cách đây 20 năm, trên đất Mỹ mùa Hè 1994. Có thể chính anh, cũng chẳng còn nhớ đâu Klinsi, nhưng tôi, thì không bao giờ quên sự ám ảnh, đau đớn và day dứt đó. Nhưng, hơn tất cả, tôi luôn muốn có dịp để gặp anh, dù chỉ là đi ngang qua và nói thật khẽ: Danke, Klinsi. Bởi khi tôi bất lực nhất trước những biến cố đời mình, chính ánh mắt của anh, những bước chạy không hề mệt mỏi, không bao giờ buông xuôi đã luôn bên tôi, nhắc nhở tôi phải biết bỏ qua buồn đau, gian khó để đứng thẳng và bước tới.

Quả bóng thì tròn, sân cỏ thì xanh, ước vọng con người là vô tận... Nhưng không phải quả bóng nào cũng lăn vào lưới, thảm cỏ xanh nào cũng biểu trưng  cho hy vọng, và ước mơ nào cũng thành hiện thực. Brazil khi đó là chiều, hoàng hôn còn chưa tới, bầu trời đầy nắng, nhưng nụ cười của anh không tỏa sáng để vượt qua không gian, thời gian đến với tôi. Lệ không rơi, chỉ long lanh nơi khóe mắt, khi tiếng còi hết cuộc đấu vang lên.

Nỗi buồn nhân lên khi chỉ trước đó vài giờ đồng hồ, tôi cũng đã phải chia tay Ottmar Hitzfeld khi Thụy Sĩ thúc thủ ở những giây cuối cùng với Argentina. “Người muôn năm cũ” của Bayern đó sau đây có lẽ sẽ ẩn khuất nơi nào mà có thể rằng tôi sẽ chẳng còn bao giờ biết gì, nghe gì, đọc gì về ông nữa. May mắn thay, Klinsi còn tiếp tục dẫn dắt tuyển Mỹ đến 2018, sẽ còn một mùa World Cup nữa để tôi được nhìn thấy anh, thấy nụ cười của anh...

3. Hôm nay, Đoản khúc này chỉ dành riêng cho anh, Klinsi-thiên thần tóc vàng, người mà có quá nhiều đàn bà trên thế giới “phát điên” lên vì anh, mâu thuẫn nhau cũng vì anh. Dù anh, thực tế chỉ là một bóng hình vô cùng “ảo” - như một cảm tác Tobiat... tưởng tưởng nào đó, nhưng nếu người đàn bà nào không có trong hành trang quá khứ-hiện tại-tương lai thì đều là quá bất hạnh.

Như câu thơ viết cho anh cách đây hơn hai thập kỷ chỉ là một câu chuyện:

Em là kẻ gọi đò xế trưa

Đi quá sớm và trở về trễ muộn

Bị thiêu cháy bởi nắng miền hoang mạc

Một ảo ảnh nước nguồn cũng thắp niềm tin.

Và lúc đó anh ở trong tim

Đôi mắt biết cười lấp lánh...

Thì giờ đây, sau hơn 20 năm của người đàn bà chọn nghiệp thơ ca, nghiệp viết cho mình chợt hiểu rằng Định mệnh đã sắp đặt cho một Klinsi xuất hiện trên đời như một Tobiat bằng xương bằng thịt, dù chẳng bao giờ hội ngộ cho cô bé rồi người đàn bà làm thơ ở cách anh nhiều đại dương, nhiều lục địa... làm chỗ dựa tinh thần cho mình. Đó không phải tình yêu nam nữ-tình yêu như định nghĩa của mọi loại từ điển trên đời, để mà:

“Sau tất cả anh sẽ vẫn còn em

Dẫu anh chưa từng biết có em đâu đó

Trái đất chục tỷ người, em - một niềm yêu bé nhỏ

Ở ngoài lề mọi thứ của đời anh

Đó chưa bao giờ được định nghĩa là yêu

Nhưng là  chung mọi nỗi đau, mọi niềm Hạnh phúc

Dù anh chẳng cần, anh chưa từng biết đến

Sau tất cả rồi, anh sẽ mãi còn có em...

Đoàn Ngọc Thu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm