Thủ lĩnh WikiLeaks thua trong cuộc chiến dẫn độ

03/11/2011 11:06 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Julian Assange, sáng lập viên trang web chuyên tiết lộ tin mật WikiLeaks, vừa bị toà phúc thẩm Anh quốc bác đơn chống lệnh dẫn độ do Thuỵ Điển đưa ra, qua đó khiến ông có khả năng sẽ phải nói lời giã biệt với đảo quốc sương mù. Tuy nhiên giới phân tích nói rằng việc Assange bị đưa về Thuỵ Điển chưa chắc đã là tin xấu với ông.

Ngày 2/11, toà Thượng thẩm London đã giữ nguyên phán quyết của toà Sơ thẩm về việc cho phép dẫn độ Julian Assange sang Thuỵ Điển để xét xử vì tội hiếp dâm và tấn công tình dục hai phụ nữ ở đây.

1-0 cho Thuỵ Điển

Các thẩm phán của toà Thượng thẩm thấy rằng lệnh bắt Assange đã được ban hành và thi hành một cách chuẩn xác. Ngoài ra đề nghị dẫn độ của Thuỵ Điển là đúng luật và phù hợp với một vụ án vốn chỉ tập trung vào các "tội danh tấn công tình dục nghiêm trọng".

Assange, 40 tuổi, trông hoàn toàn bình thản khi nghe phán quyết. Đứng trước Toà Thượng thẩm Anh quốc sau phiên xử, ông nói rằng tiến trình xử lý và các kết luận của toà chỉ mang tính kỹ thuật thuần tuý. Ông cũng kêu gọi người ủng hộ ghé thăm trang web của mình để biết điều gì thực sự đang diễn ra liên quan tới phiên toà.

Assange đã gần như bị giam lỏng kể từ tháng 12 năm ngoái, khi một thẩm phán cho phép ông được tạm trả tự do, nhưng phải giao nộp hộ chiếu, đeo thiết bị theo dõi điện tử, chấp nhận không ra ngoài theo giờ giới nghiêm và phải báo cáo với cảnh sát mỗi ngày. Kể từ đó ông đã sống trong một toà lâu đài 10 phòng ngủ của một người ủng hộ giàu có.


Thủ lĩnh WikiLeaks Julian Assange trong phiên xử phúc thẩm diễn ra hôm 2/11

Cá nhân Assange luôn khẳng định mình quan hệ tình dục tự nguyện với 2 phụ nữ Thuỵ Điển. Các luật sư của ông thì cho rằng cáo buộc hiếp dâm mang động cơ chính trị và việc dẫn độ sang Thuỵ Điển chỉ là tiền đề trước khi ông bị dẫn độ sang Mỹ để xét xử, vì đã đăng tải hàng trăm ngàn trang tài liệu, văn kiện mật của Bộ Ngoại giao Mỹ. Họ nói rằng việc bị xét xử ở Mỹ có thể đẩy Assange tới cái án tử hình.

Các luật sư của Assange cũng nói rằng ngay cả khi cáo buộc từ phía Thuỵ Điển đưa ra là sự thực, rằng Assange cố tình không dùng bao cao su khi quan hệ và ông còn tìm cách quan hệ với một phụ nữ khi cô đang ngủ, thì chúng vẫn không phải là hành động cấu thành tội phạm theo luật Anh. Nguyên nhân do luật Thuỵ Điển có định nghĩa quá rộng về tội hiếp dâm.

Nhưng cơ quan công tố Anh cho biết họ đang hành động nhân danh một thẩm phán của Thuỵ Điển. Ngoài ra họ cũng chỉ ra rằng những cáo buộc từ phía Thuỵ Điển có đủ độ nghiêm trọng, bởi chúng nói rằng Assange dùng vũ lực với các nạn nhân. Được biết một trong 2 phụ nữ trên đã cáo buộc Assange dùng sức nặng cơ thể để đè cô ta xuống khi quan hệ tình dục.

Vị thủ lĩnh đặc biệt

Có thể nói những diễn biến liên quan tới Assange được toàn cầu chú ý, ngoài việc ông là thủ lĩnh WikiLeaks, còn xuất phát từ nguyên nhân ông có đời tư vô cùng đặc biệt. Cha mẹ Assange gặp nhau trong một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Australia và Assange chào đời đã mang trong mình tư tưởng "nổi loạn" ấy của những người phản chiến.

Khi còn nhỏ, Assange theo học tại 37 ngôi trường khác nhau, sống cuộc đời thường xuyên nay đây mai đó do cha mẹ điều hành một xưởng diễn kịch lưu động. Có tin nói năm 17 tuổi Assange từng bỏ nhà ra đi và sống cuộc đời của dân "đi bụi" ở Melbourne.

Lên đại học, Assange nghiên cứu chuyên sâu về ngành toán và vật lý. Nhưng thực sự niềm đam mê lớn nhất của ông lại là máy tính và Internet. Những năm còn là thanh niên, Assange đã là thành viên của một nhóm hacker nhiều tham vọng, từng đột nhập vào tài khoản thư điện tử thuộc về những nhân vật giàu có, nhiều ảnh hưởng nhằm moi thông tin mật của họ. Dù bị nhà chức trách bắt giữ và phạt tiền, nhưng cảm giác phanh phui được bí mật người khác muốn che đậy vẫn còn đọng lại trong tâm trí Assange.

Năm 2007, Assange thành lập WikiLeaks, một trang web tự mô tả mình là "từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia không bị kiểm duyệt của những tài liệu và phân tích mật bị rò rỉ". Assange tuyển một đội ngũ cộng tác viên để giúp trang web hoạt động. Ông làm việc liên tục, ngủ ít, đôi khi còn quên cả ăn. Ông luôn bảo vệ nguồn tin của mình rất chặt chẽ, không bao giờ tiết lộ nó từ đâu tới.

"Mọi người nên hiểu rằng WikiLeaks đã chứng minh mình là nguồn tin đáng tin cậy nhất nhất từng tồn tại tới nay bởi chúng tôi chỉ xuất bản các thông tin và phân tích gốc, dựa trên nguồn tin gốc mà thôi" - Assange nói với CNN - "Các tổ chức khác, với chỉ một vài ngoại lệ, hầu như cung cấp tin tức không có đủ độ tin cậy bằng"

Từng bước, WikiLeaks đã lớn mạnh, nó xuất bản vô khối tài liệu cáo buộc các hành vi sai trái của nhiều chính phủ và công ty lớn.

WikiLeaks trở nên nổi tiếng toàn cầu sau khi xuất bản một đoạn video mật ghi lại cảnh trực thăng vũ trang Mỹ tấn công giết hại nhiều dân thường ở Iraq, gồm cả 2 phóng viên Reuters không vũ trang. Tiếp đó là các thông tin mật về cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và cuối cùng là các văn kiện ngoại giao mật thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong bối cảnh WikiLeaks tăng cường ảnh hưởng, Assange vẫn là nhân vật bí hiểm đứng trong bóng tối, ít khi chường mặt ra báo giới. Ông chỉ thực sự bị chú ý nhiều sau vụ bê bối hiếp dâm ở Thuỵ Điển.

Được dẫn độ là may mắn cho Assange?

Mặc dù Assange bị toà Phúc thẩm London bác đơn chống dẫn độ, một số nhà phân tích đã cho rằng đó chưa chắc là sự kiện bất lợi với ông.

Douglas McNabb, một luật sư thuộc công ty tư vấn luật McNabb nói rằng khi Assange ở Anh, Mỹ còn dễ dàng dẫn độ ông về nước, hơn là khi ông ở Thuỵ Điển. McNabb chỉ ra rằng Anh đã thông qua Luật dẫn độ 2003, vốn được triển khai theo sau vụ khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ. Đạo luật gây tranh cãi này cho phép Mỹ có đặc quyền tìm bắt và hoàn tất thủ tục dẫn độ tù nhân từ Anh trong một khoảng thời gian ngắn hơn bình thường. Chính đạo luật này đang được Mỹ sử dụng để tìm kiếm việc dẫn độ tay hacker người Anh Gary McKinnon, kẻ đã bạo gan đột nhập vào hệ thống máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Frank Rubino, một luật sư quốc tế nổi tiếng khác từng bào chữa cho nghi phạm vụ đánh bom Lockerbie Abdelbasset Al-Megrahi, cũng có chung quan điểm với McNabb. Ông cho biết nếu Thuỵ Điển không coi các cáo buộc mà Mỹ đưa ra là vi phạm pháp luật, theo quy định của luật Thuỵ Điển, họ sẽ không tiến hành dẫn độ Assange.

Được biết Assange và đội ngũ bào chữa của ông đang cân nhắc các lựa chọn còn lại. Nếu muốn kháng án lần nữa lên Toà án Tối cao, Assange phải ứng minh rằng luận điểm của mình có ý nghĩa quan trọng. Nếu bị toà Tối cao bác đơn kháng án cuối cùng, ông sẽ bị dẫn độ sang Thuỵ Điển trong vòng 10 ngày.

Tường Linh (Theo Der Spiegel)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm