Đừng chỉ biết trông vào Rooney!

15/10/2013 18:30 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Wayne Rooney không hẳn chỉ tỏa sáng trong các trận đấu nhỏ. Nhưng ở những trận đấu lớn thực sự của tuyển Anh, khi áp lực gia tăng một cách khủng khiếp, anh thường im tiếng. Tại sao?

Minh chứng rõ nhất cho luận điểm ấy là thành tích ghi bàn của Rooney ở các giải đấu lớn cấp đội tuyển. World Cup 2006: Tịt ngòi. World Cup 2010: Tịt ngòi. EURO 2012: 1 bàn. EURO 2004: 4 bàn sau 4 trận, rất ấn tượng. Nhưng đấy là giải đấu Rooney bước ra ánh sáng ở tuổi 19, chưa ai để ý nhiều đến anh, nghĩa là áp lực trên vai anh không lớn.


Rooney nhiều lần nhận thẻ đỏ vì không chịu được sức ép

Tại các giải chính thức, tuyển Anh nói chung và Rooney nói riêng thường xuyên không vượt qua được áp lực. Ở EURO 2012, tuyển Anh của Hodgson không được kỳ vọng nhiều vì vừa thay HLV trưởng trước giải, không chịu sức ép thành tích, cũng chỉ vào đến vòng tứ kết. Trước đó, những hô hào thành tích ở World Cup 2006, 2010 và EURO 2004 kết thúc bằng những trận thua tức tưởi. Tuyển Anh thậm chí không qua được vòng loại EURO 2008.

Tam sư không thiếu tài năng trong một thập kỷ qua, nhưng nhiều nguyên nhân khiến họ không chuẩn bị một cách chu đáo cho các giải đấu lớn. Ví dụ như việc Premier League không có kỳ nghỉ Đông, khiến cầu thủ mệt mỏi khi vào kỳ giải chính. Hay việc đội tuyển thiếu HLV giỏi để gắn kết ngôi sao, khiến lối chơi rời rạc.

Riêng về chuyện thể lực và phong độ, Rooney hiểu hơn ai hết. Anh bị chấn thương tại EURO 2004 khi đang có phong độ cao. Rồi anh lại dính chấn thương ngay trước thềm World Cup 2010, trận gặp Bayern Munich tại Champions League. World Cup 2006 thì là một bài học về cách hành xử cho Rooney, khi anh nhận thẻ đỏ trận tứ kết gặp Bồ Đào Nha, vì đạp Ricardo Carvalho và bị đồng đội Ronaldo "chơi xấu". Và hẳn bạn còn nhớ anh từng sút vào chân Dzudovic của tuyển Montenegro tại trận cuối cùng vòng loại EURO 2012, rồi bị treo giò 2 trận khi vào giải. Rooney thường phải trả giá bởi những giây phút bốc đồng như thế.

Hãy cho Rooney điểm tựa

Tuy vậy, nói Rooney chỉ là cầu thủ của những trận đấu nhỏ là không đúng. Ở cấp CLB, 52% số bàn thắng của Rooney tại Champions League được ghi ở những trận knock-Out. Tỉ lệ này thậm chí cao hơn Cristiano Ronaldo (45%) và Leo Messi (46%).


Rooney không thể tự mình quyết định thành bại

Tại tuyển Anh, Rooney chỉ ghi 8 bàn sau 29 trận giao hữu. Nhưng anh ghi đến 15 bàn trong 21 trận vòng loại World Cup và 7 bàn trong 19 trận vòng loại EURO; ghi 16 bàn trong 31 trận sân khách, 16 bàn sau 37 trận sân nhà. Nghĩa là càng gặp sức ép, Rooney đá càng hưng phấn, bởi dĩ nhiên ai cũng hiểu, các trận đấu vòng loại World Cup hay EURO có tính cạnh tranh cao hơn hẳn các trận giao hữu hòa nhã, và đá sân khách, hẳn nhiên là khó khăn hơn chơi ở Wembley.

Sự nghiệp của Rooney đã gặp nhiều sóng gió: Mâu thuẫn với Sir Alex; đòi đến Man City, để rồi bị CĐV Manchester United căm ghét (thậm chí một nhóm CĐV Man United còn đến trước cửa nhà Rooney dọa giết và chửi rủa). Mới nhất, Rooney cũng căng thẳng với HLV David Moyes cả mùa Hè. Nhưng anh đều vượt qua. Vừa trở lại sau chấn thương và những đồn đoán về tương lai, Rooney kiến tạo 2 bàn trận gặp Swansea. Sau đó anh nhanh chóng hòa nhập, và hiện đã ghi 5 bàn sau 8 trận.

Tóm lại, Rooney không hề thiếu sự lỳ lợm ở các trận đấu lớn. Anh không còn nông nổi như tuổi đôi mươi. Anh đã trải qua nhiều sóng gió để vững vàng hơn trước sức ép. Nhưng ở một trận cầu đinh cấp đội tuyển, một cá nhân hiếm khi quyết định được toàn cục. Nếu cỡ Messi hay Cristiano Ronaldo còn mờ nhạt ở những giải đấu lớn trong sự nghiệp, thì có thể tin, thời của những đội bóng một người như Argentina của Maradona năm 1986 đã qua. Rooney không sợ áp lực và không hề bé nhỏ ở những trận đấu lớn. Nhưng tuyển Anh sẽ thất bại, nếu chỉ biết hướng mắt về Rooney.

H.Đ

Trước trận đấu lớn, Rooney làm gì?

Hãy xem Rooney làm gì trước những trận sinh tử, sau tâm sự dưới đây của anh cho Four Four Two:

Ngủ: “Tôi cố ngủ ít nhất 8 tiếng vào buổi đêm, cộng thêm một hoặc hai giờ vào buổi trưa. Để tập luyện tốt, ngủ 8 tiếng là ổn. Tôi không nằm lên giường và cố dỗ giấc ngủ đến. Tôi sẽ đợi cho đến khi tôi mệt, thường khoảng 11, 12 giờ. Nếu bạn không ngủ đủ, hôm sau bạn sẽ mệt và không thể thi đấu tốt".

Tưởng tượng về trận đấu: "Tôi luôn thích tưởng tượng trận đấu vào ban đêm: Tôi sẽ hỏi người phụ trách trang phục về bộ áo đấu chúng tôi mặc. Tôi luôn luôn làm vậy từ khi còn nhỏ. Nó giúp tôi tập luyện từ trong suy nghĩ và thích nghi với tình huống xảy ra vào hôm sau. Tôi nghĩ về nó khi tôi nằm trên giường. Tôi sẽ làm gì nếu quả bóng căng qua vòng cấm? Tôi sẽ di chuyển thế nào để ghi bàn?"

Ăn uống: "Đêm trước trận đấu, tôi sẽ ăn thịt gà, mỳ Ý, cá. Nếu phải đá sớm, tôi cố ăn nhiều nhất có thể, bởi vì bạn rõ ràng không thể ăn quá nhiều vào buổi sáng. Tôi sẽ ăn Coco Pops (một loại ngũ cốc ăn sáng) và chuối vào bữa ăn trước trận sau đó khi chúng tôi vào sân vận động, tôi có thể ăn thêm ngũ cốc".

Thói quen: Vài cầu thủ luôn làm những việc giống nhau trong phòng thay đồ. Tôi thích đạp xe khoảng 15 phút, sau đó căng cơ và thư giãn. Vài cầu thủ thậm chí còn có những thói quen mê tín. Tôi thì không như vậy. Tôi chỉ cố gắng tập trung. Tôi khá thoải mái khi vào phòng thay đồ.

Nghe nhạc: Patrice Evra thích nghe hip-hop Pháp trong phòng thay đồ. Mọi người thường nghe nhạc cùng nhau. Tôi nghĩ như vậy tốt hơn là mỗi người cầm một Ipod.

Một giờ trước trận đấu: Tôi sẽ nạp năng lượng bằng cách uống gì đó trong phòng thay đồ 40 phút trước trận và sau đó khởi động nửa giờ trước trận. Khoảng 10 phút trước trận, tôi trở lại phòng thay đồ, mặc áo, đeo bảo hiểm chân, và sau đó, thi đấu. Một giờ trước trận là khoảng thời gian buồn chán. Bạn chỉ muốn vào sân thi đấu ngay lập tức.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm