Lý Hoàng Nam, tại sao phải là Top 100 ATP?

17/07/2015 05:33 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Có mặt trong Top 200 ATP có thể là khả thi nhưng phải có mặt trong Top 100 về sau này thì Hoàng Nam mới có thể sống bằng nghề tennis đúng nghĩa.

Chức vô địch đôi nam trẻ của Hoàng Nam ở Wimbledon có lẽ là một cú hích để đơn vị chủ quản của tay vợt 18 tuổi này, Becamex quyết định sẽ đầu tư mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu là lọt vào Top 200 ATP (bảng xếp hạng của các tay vợt chuyên nghiệp nam).

Thời điểm để hoàn thành mục tiêu đó có lẽ là khi Lý Hoàng Nam 23-24 tuổi, bởi ông Lê Quốc Cường, Tổng thư ký Liên đoàn quần vợt Bình Dương, cho rằng giai đoạn đầu tư cho Nam tới đây là 5 năm.

Top 200 ATP hiện tại quy tụ những tay vợt có cả những người không quá nổi danh như Daniel Nguyễn (một người Mỹ gốc Việt), Jimmy Wang (Đài Loan – TQ), hay Yuki Bhambri (người Ấn Độ từng vô địch Grand Slam đơn trẻ), Somdev Devvaman (Ấn Độ, từng xuất hiện ở nội dung đơn nam nhiều giải Grand Slam khác nhau), và nhiều tay vợt tên tuổi nay sa sút vì chấn thương hoặc tuổi tác như Ryan Harrison, Almagro, Tobias Kamke, Jugern Melzer…

Với một tập hợp các tay vợt như thế thì lọt vào Top 200 ATP đã là một thách thức không hề nhỏ với Hoàng Nam.

Nó đòi hỏi Hoàng Nam phải có sự thăng tiến và ổn định rất lớn mà Hoàng Nam so với những tay vợt cùng tuổi thì có những bất lợi không nhỏ do anh đến với tennis khá muộn (thay vì 5-6 tuổi).

Trong số 4 tay vợt đứng trên sân đánh trận đôi nam trẻ Wimbledon thì Hoàng Nam là người duy nhất ở tuổi 18 vẫn còn tập trung vào các giải trẻ của ITF, trong khi cả đồng đội Sumit Nagal lẫn các đối thủ Sakira Antilla (Nhật Bản) và Opelka (Mỹ) trong suốt thời gian vừa qua đều đã tập trung thi đấu ở hệ thống giải Men’s Futures.

Nhưng, để trở thành một tay vợt chuyên nghiệp có thể sống và làm giàu bằng sự nghiệp vác vợt đi thi đấu trên khắp thế giới trong quãng thời gian khoảng 10 tháng mỗi năm thì Hoàng Nam cần phải có mặt trong top 100 thế giới.

Lý Hoàng Nam thần tượng Djokovic, nhưng tấm gương thực sự với anh là Nishikori.

Damir Dumzur, người Bosnia, cao 1m75 (như Hoàng Nam), hiện 23 tuổi (Hoàng Nam sẽ bằng tuổi này sau 5 năm nữa), vừa mới nhảy vào Top 100 hiện đã kiếm được cả thảy khoảng 520.000 USD, tương đương với khoảng 10 tỉ đồng, một số tiền dự tính sẽ ngốn của Becamex để đầu tư cho Nam trong 5 năm tới. Dumzur chính là kẻ bại trận trước Federer ở nội dung đơn nam, vòng 1 Wimbledon.

Như vậy, nếu trừ các khoản thuế, chi phí (Wimbledon đánh thuế gần 50% tiền thưởng của các tay vợt), thì xuất hiện trong Top 100 ở thời điểm 23 tuổi chưa hẳn đã sinh lời.

Nhưng sự tích luỹ ở các năm tiếp theo thì có thể giúp Hoàng Nam khi ấy trở thành người Việt Nam đầu tiên làm giàu được từ tiền thưởng thuần tuý.

Tất nhiên là còn cơ hội từ tài trợ quảng cáo, nhưng nếu xét ở phạm vi toàn cầu thì các thương hiệu lớn chỉ thường dồn cho Top 50.

Và cũng cần phải tính đến một thực tế nữa là các giải Grand Slam hiện tại thường trao quyền tham dự đương nhiên cho khoảng 105-110 tay vợt đầu tiên trên BXH.  

Nhưng, nếu gác việc đánh giá là Lý Hoàng Nam có thể phát triển và tiến xa như thế nào thì việc đặt mục tiêu vào Top 200 ở thời điểm hiện tại là hợp lý.

Nishikori, tay vợt số 1 châu Á, đã từng lọt vào Top 5 thế giới, thì trước kia cũng chỉ đặt ra mục tiêu là đứng thứ 45. Cách nay chừng 7 năm, người ta cũng coi đó là một thách thức lớn, nhưng sống trong môi trường chuyên nghiệp với những HLV hàng đầu thế giới thì Nishikori đã vươn lên mạnh mẽ.

Lý Hoàng Nam thần tượng Djokovic, nhưng tấm gương thực sự với anh là Nishikori.

Lý Hoàng Nam vừa trở lại với vị trí 12 trẻ thế giới sau thành tích vô địch đôi nam trẻ Wimbledon. Đây cũng chính là giải đấu (trong số 6 giải) giúp Nam có được nhiều điểm nhất, 270 điểm.


Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm