Chiến thắng của Inter: Mourinho & câu chuyện "phản bóng đá"

29/04/2010 18:58 GMT+7 | Champions League

(TT&VH Online) - Chơi trên sân khách với sức nóng từ các khán đài Nou Camp rực lửa, Jose Mourinho đã khôn ngoan sử dụng chiến thuật phòng ngự được ví von là "phản bóng đá" (anti -football). Những tính toán hợp lý đến từng chi tiết của "Người đặc biệt" đã giúp Inter bản lĩnh vượt qua sóng gió trên đất Tây Ban Nha và biến ĐKVĐ Barcelona thành cựu vương của giải đấu danh giá bậc nhất châu Âu.

* "Anti-football" kiểu Mourinho: Nghệ thuật của bóng đá phòng ngự đỉnh cao

Trong một bài viết trước trận đấu Barca - Inter, cây bút thể thao Steve Wilson của tờ Telegraph (Anh) đã sử dụng cụm từ "anti -football" (phản bóng đá) để dự đoán về lối chơi của Inter có thể sẽ sử dụng để đối phó với Barcelona trong trận bán kết lượt về ở Nou Camp. Theo Wilson định nghĩa, "phản bóng đá" có nghĩa là phá bóng nhiều hơn là chơi bóng. Và những dự đoán của anh đã đúng khi Jose Mourinho đã áp dụng triệt để đấu pháp này và có được thành công là Inter đã giành tấm vé vào chơi trận chung kết Champions League sau 38 năm chờ đợi.

Có thể với rất nhiều người, thuật ngữ "phản bóng đá" bị coi là tương đối phản cảm. Song nếu phân tích một cách sâu xa hơn, ý nghĩa của nó không hề mang tính chất tiêu cực và khái niệm "anti -football" chỉ đơn thuần là một tên gọi cho một lối chơi phòng ngự được nâng tầm lên đẳng cấp nghệ thuật (dù chưa sánh ngang với lối đá phòng thủ Catenaccio nổi tiếng của người Ý). Nhắc tới "phản bóng đá", có thể nghĩ ngay đến những pha tiểu xảo, những tình huống câu giờ, những pha phạm lỗi hay cách bố trí phòng ngự theo kiểu "đỗ một chiếc xe bus 2 tầng trước khung thành đối phương". Câu hỏi ở đây: Vậy chiến thuật "anti - fooball" có xấu không?

Mourinho phải là bậc thầy về nghệ thuật phòng ngự - Ảnh AP

Xét trên diện rộng, câu trả lời có thể là có nhưng nếu đặt vào vị thế của Inter, đáp án là hoàn toàn không. Inter bước vào trận bán kết lượt về với lợi thế là chiến thắng 3-1 ở lượt đi. Một kết quả hòa hay thua với cách biệt tối thiểu sẽ là điều kiện đủ để họ vào tới trận chung kết. Vì thế, khi chơi tại Nou Camp, nơi Barca từng có những chiến thắng tưng bừng trước Stuttgart (4-0) hay Arsenal (4-1), trước sức ép của gần 100.000 CĐV, sẽ là  "tự sát" nếu Inter chơi đôi công với đội chủ nhà, nhất là khi đội khách bị mất người khi trận đấu mới đi được 1/3 thời gian. Jose Mourinho quá khôn ngoan để biết mình phải làm gì trong trận đấu có ý nghĩa quyết định này. "Anti -football" đã được sử dụng và mang lại hiệu quả tuyệt đối cho Inter.

* Inter áp dụng "anti -football" như thế nào?

90 phút kịch tính tại Nou Camp, Inter sử dụng tương đối nhiều những tiểu xảo từ phá bóng, giả vờ đau cho đến những pha bóng câu giờ khiến nhiều người cảm thấy rất thô thiển. Song, ở khía cạnh này, Barca cũng chẳng kém nếu không muốn nói là hơn. 4 năm về trước sau khi Messi có pha "ăn vạ" khiến Del Horno của Chelsea bị thẻ đỏ, Mourinho đã mỉa mai "Nou Camp là một sân khấu lớn và một cầu thủ được đào tạo từ nhỏ như cậu ta (Messi) chịu khá nhiều ảnh hưởng của những nghệ sĩ lớn". Ở trận lượt đi ở mùa này, không chỉ riêng Messi mà ngay cả Alves cũng đều đã đóng kịch (tất cả đều không qua mắt được trọng tài). Lượt về, đến lượt Busquet dùng tiểu xảo và pha "ăn vạ" của anh đã khiến cho Motta bị truất quyền thi đấu. Như vậy, có thể khẳng định, tiểu xảo luôn là một phần không thể thiếu trong mỗi trận cầu và mục đích chung cũng là hướng tới kết quả cuối cùng (chiến thắng hoặc thất bại).

Ở góc độ phạm lỗi, có thể nhận thấy rõ trận này Mourinho đã quán triệt tư tưởng với các học trò là tránh những pha bóng quá gần với cầu môn của đội nhà. Vì thế, thông thường những pha phạm lỗi của các cầu thủ Inter đều diễn ra bên ngoài phạm vi 35m và đều là những pha bóng không quá ác ý (cùng lắm chỉ phải nhận thẻ vàng). Có khá nhiều ý kiến cho rằng trận này Inter đã đá quá rát chân, nhưng đây là một điều cần thiết bởi trước lối chơi thiên về kĩ thuật với những chuyên gia cầm bóng hàng đầu của Barca, lối đá rắn là cách duy nhất để có thể hạn chế tối đa sức tấn công của đối thủ.

Việc Inter đem "xe bus 2 tầng" đặt trước khung thành của Cesar cũng là một điều đã được dự báo từ trước. Khi còn dẫn dắt Chelsea, Mourinho vẫn ưa thích lối chơi phòng ngự này khi thi đấu tại Nou Camp. Sự khác biệt duy nhất giữa Chelsea và Inter là khả năng phòng ngự của ĐKVĐ Italia tốt hơn nhiều so với đội bóng nước Anh. Do bị mất người từ khá sớm nên Inter thay chỉ chủ yếu chơi phòng ngự và tìm cách đưa bóng càng xa khung thành càng tốt. Luôn bố trí tới 9 cầu thủ chơi bên phần sân nhà, khoảng trống dành cho Barca là quá ít. Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là dù chơi phòng ngự với số đông nhưng các cầu thủ Inter lại giữ cự ly đội hình khá tốt khi không hề có dấu hiệu dẫm chân lên nhau. Mỗi người chiếm lĩnh một không gian và khi cần thiết thì hỗ trợ bổ sung cho nhau rất hiệu quả. Điều này đã khiến cho "chiếc xe bus 2 tầng" đã gần như bịt kín khung thành của Cesar.

Cần phải nói rằng, chính Barca đã đẩy Inter buộc phải chơi với một thế trận phòng ngực tiêu cực như vậy. Nếu không có chiếc thẻ đỏ có phần oan uổng của Motta, Inter đủ người và họ sẽ chơi với một thế trận phòng ngự phản công. Nhưng do mất người quá sớm và mục tiêu phải bảo vệ thành quả ở lượt đi đã khiến Mourinho chọn giải pháp phòng ngự mà gần như không có phản công. Bởi vậy, Inter chỉ tập trung "phá" thay vì "chơi" bóng. Không tìm thấy kẽ hở, những pha tấn công của Barca cứ như mũi tên lao thẳng vào tấm khiên chắn rồi bất lực rơi rụng xuống. Bế tắc và thiếu ý tưởng, việc Barca nhường tấm vé vào chơi trận chung kết cho Inter là một kết quả hoàn toàn tất yếu.

Hằng Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm