Cống hiến 2010 và những ngày “sóng gió”

11/04/2011 07:19 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - 102 phiếu bầu từ 102 nhà báo trên toàn quốc, 2 phiếu không hợp lệ, cuộc kiểm phiếu vừa công khai vừa bí mật chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ để trả lời câu hỏi đã làm tốn biết bao trang báo, diễn đàn, bài viết, kể cả những “khẩu chiến vỉa hè” trong gần một tháng qua: Ai là người chiến thắng ở các hạng mục: Album của năm, Chương trình của năm, Nhạc sĩ của năm và Ca sĩ của năm 2010.

Kể cả khi hai MC - đạo diễn Lê Hoàng, nhà báo Thùy Minh có phải “câu giờ” thêm 5-10 phút bằng lá thư của Lady Gaga với stylish Lê Thị Liên Hoan gửi tới Ban tổ chức giải thưởng Cống hiến, để dàn nhạc đủ thời gian sắp xếp lại sân khấu cho tiết mục trang trọng kết lại chương trình, thì Lễ trao giải âm nhạc Cống hiến 2010 cũng không kéo dài tới 2 giờ đồng hồ.

Nhưng để có 1 giờ và 2 giờ ấy, giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2010 đã đi qua 30 ngày “sóng gió” kể từ khi danh sách Dự kiến đề cử các giải thưởng được ban tổ chức gửi tới các nhà báo để tham khảo, “dữ dội” hơn khi danh sách Đề cử chính thức được công bố và sóng gió không hề ngừng lặng cho tới trước giờ mở màn lễ trao giải.

Hình ảnh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đến tham dự lễ trao giải Cống hiến trên chiếc xe lăn làm rất nhiều người xúc động. Nhạc sĩ Trần Tiến đánh giá với những đóng góp của ông cho âm nhạc Việt Nam thì ông xứng đáng với Cống hiến trọn đời.

Uyên Linh, lại là Uyên Linh…

Uyên Linh, lại Uyên Linh, người đã tạo nên “cơn địa chấn” Vietnam Idol 2010 tiếp tục là người “gây” nên cơn sóng gió đầu tiên, dữ dội và dai dẳng ở giải Cống hiến 2010, dù chính cô hoàn toàn không muốn. Bởi nói cho chính xác thì, “sóng” mang tên Uyên Linh được tạo nên bởi nhiều người khác, khi một gương mặt mới tò te lọt vào danh sách đề cử danh hiệu “nặng ký” nhất của giải thưởng - Ca sĩ của năm - bên cạnh diva số một và “ba chàng ngự lâm” của nhạc Việt. Dù đã bị chinh phục bởi giọng hát đầy lửa, giọng hát đã làm “thức tỉnh” đời sống ca nhạc đại chúng trong năm 2010 từng bị xem là năm “xuống đáy” của thị trường nhạc Việt, không ít người vẫn chưa thể bước ra khỏi thói quen suy nghĩ “sống lâu lên lão làng”. Và chắc chắn, còn nhiều người khác, “xem Uyên Linh” trên báo chí, diễn đàn, thay vì “xem và nghe Uyên Linh” trên sân khấu, để thấy một giọng hát, hoàn toàn chinh phục người nghe bằng giọng hát, thay vì bằng nhan sắc mỹ viện, bằng chân dài trời cho, bằng vũ đoàn thể dục...

Ca khúc Tháng Tư về (sáng tác Dương Thụ) được “mặc nhiên” xem như một “bài hát truyền thống” của Lễ trao giải Cống hiến hàng năm diễn ra vào đầu tháng Tư. Với bản phối hiện đại, pha trộn R&B và hip hop của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, phần biểu diễn năm nay với sự kết hợp của các ca sĩ Nguyên Thảo, Đức Tuấn, Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Nguyễn Hải Phong mang tới một làn gió thực sự tươi mới và ngọt ngào mở đầu lễ trao giải

Không chỉ “tạo sóng” trong dư luận, cái tên Uyên Linh trong đề cử giải Cống hiến 2010 còn gây “sóng gió” cho chính ban tổ chức giải thưởng. Chưa có mùa giải nào, tiêu chí giải thưởng, đã tồn tại từ 5 năm trước và được phổ biến công khai trong toàn bộ các nhà báo tham gia bỏ phiếu, giờ lại được lật giở và soi xét kỹ lưỡng xem Uyên Linh có “phạm quy” hay không khi lọt vào đề cử.

Chưa có mùa giải nào, với một lễ trao giải luôn được chờ đón bởi sự trang trọng, sự bất ngờ và không khí âm nhạc thuần túy, ban tổ chức lại nhận được nhiều cái lắc đầu của một số nghệ sĩ nổi tiếng khi được mời làm khách danh dự lên sân khấu trao các giải thưởng. Có người tìm những lý do tế nhị, nhưng cũng có nghệ sĩ thẳng thắn bày tỏ sự nghi ngại, e dè trước phản ứng quá dữ dội của một bộ phận dư luận (trong đó có cả một bộ phận nghệ sĩ) trước cái tên Uyên Linh. Và ngay cả Uyên Linh, trước áp lực ngày càng “tăng áp suất”, cũng đã từng tới tận tòa soạn báo TT&VH để xin rút tên khỏi giải Cống hiến, như lời Linh nói, “cảm thấy không đủ tự tin và muốn tập trung cho những dự án âm nhạc sắp tới”. Tất nhiên, việc xin rút lui hay tự ứng cử vào giải Cống hiến, một giải thưởng do báo chí bầu chọn từ những sự kiện, hiện tượng, sản phẩm âm nhạc đã được đưa ra công chúng trong năm, là điều không thể (không “nước đôi” Không thể và Có thể như nhạc sĩ Phó Đức Phương!).

Cũng trong lễ trao giải tối 5/4, kịch bản ban đầu Uyên Linh sẽ hát ca khúc Đường cong của Nguyễn Hải Phong, một trong những ca khúc đã góp phần tạo nên thành công của Uyên Linh tại Vietnam Idol 2010, đồng thời cũng là bản “hit” góp phần đưa cái tên Nguyễn Hải Phong (trẻ không kém Uyên Linh) vào bảng đề cử giải thưởng Nhạc sĩ của năm. Nhưng để tránh gây cơn địa chấn mới (giữa bối cảnh động đất khắp nơi) từ những chuyện ngoài âm nhạc, Đường cong phải thay bằng Take Me To The River, một bài hát ngoại quốc, và Nguyễn Hải Phong, một gương mặt sáng giá trong bảng vàng Nhạc sĩ của năm, chịu phần thiệt thòi khi không có ca khúc trình bày trong đêm 5/4.

Uyên Linh, lại là Uyên Linh, người không chỉ “tạo sóng” trong dư luận suốt mấy tháng qua, “dữ dội” từ khi giải Cống hiến 2010 công bố đề cử có tên cô, tiếp tục ở đỉnh cao phong độ trên sân khấu Nhà hát TP.HCM tối 5/4 với ca khúc Take Me To The River. Bằng “lửa” từ giọng hát và cảm xúc mãnh liệt, giọng hát Uyên Linh đã chứng tỏ những người bỏ phiếu cho cô vào vị trí á quân trong hạng mục giải thưởng Ca sĩ của năm 2010 (chỉ kém Tùng Dương 5 phiếu) đã không nhầm lẫn.

Bất ngờ và không bất ngờ là chẳng có kịch bản gay cấn nào giữa Uyên Linh - một hiện tượng của năm 2010 và Thanh Lam - một ca sĩ đã từng đi qua bao nhiêu giải thưởng, đã được tôn vinh ở vị trí “diva số một” mà không ai cảm thấy ganh tị, đã ở độ tuổi mà nhiều nghệ sĩ khác “rửa tay gác kiếm” nhưng vẫn không chịu dừng lại, vẫn tìm cách bứt phá (Thanh Lam đóng góp cho bảng đề cử Cống hiến ở hai hạng mục: Ca sĩ của năm và Chương trình của năm với live show Yêu cùng Tùng Dương). Dù cuối cùng Tùng Dương đã giành cú đúp ở cả Album của năm (với Li ti) và Ca sĩ của năm - một kết quả gần như hoàn hảo, nằm trong dự đoán của nhiều người, nhưng trên đường đến với danh hiệu Ca sĩ của năm 2010, Tùng Dương tưởng chừng nhiều lần “hụt hơi” với… Uyên Linh! Với 32/100 phiếu bầu chọn cho vị trí số 1, Tùng Dương chỉ hơn Uyên Linh 5 phiếu. Sự trùng hợp tình cờ là, chính Tùng Dương đã ở vào vị trí của Uyên Linh 6 năm trước.

Trong giải tiền Cống hiến năm 2004, Tùng Dương, thí sinh ấn tượng nhất của chương trình Sao mai - Điểm hẹn năm tổ chức, đã lọt vào danh sách đề cử Ca sĩ của năm. Năm đó, Tùng Dương đã qua mặt những cái tên “chuyên nghiệp” khác của làng nhạc Việt để trở thành Ca sĩ của năm, góp phần đưa Sao mai - Điểm hẹn nhận giải Chương trình của năm và Lê Minh Sơn là Nhạc sĩ của năm. Năm 2010, á quân Ca sĩ của năm Uyên Linh góp phần đưa Vietnam Idol lần thứ hai chiếm vị trí quán quân Chương trình của năm, góp phần đưa Nguyễn Hải Phong trở thành cái tên tranh chấp quyết liệt danh hiệu Nhạc sĩ của năm với Lê Cát Trọng Lý và Huy Tuấn (số phiếu bầu lần lượt là: 33/100 cho Lê Cát Trọng Lý, 29 cho Huy Tuấn và 23 cho Nguyễn Hải Phong).

Hiệu ứng xã hội, hiệu ứng tình cảm và hiệu ứng nghệ thuật

Ngay từ khi danh sách đề cử được đưa ra, cái tên Vietnam Idol 2010 đã trở thành ứng cử viên gần như duy nhất cho danh hiệu Chương trình của năm. Vượt qua “format” một cuộc thi, Vietnam Idol 2010 đã tạo nên một sân khấu ca nhạc giải trí có chất lượng âm nhạc, gây một hiệu ứng xã hội mạnh mẽ mà không phải bất cứ chương trình nào cứ mua “format” nổi tiếng của nước ngoài, cứ phát sóng liên tục trên truyền hình, cứ PR rầm rộ… có thể làm được. Một ê-kíp âm nhạc chuyên nghiệp, một đội ngũ tổ chức sản xuất chương trình âm nhạc chuyên nghiệp (giám đốc âm nhạc chương trình này cũng là ứng cử viên danh hiệu Nhạc sĩ của năm), và chắc chắn không thể thiếu hiện tượng Uyên Linh. Không đột phá về ý tưởng sáng tạo, nhưng một chương trình có chất lượng âm nhạc lại tạo được một hiệu ứng xã hội to lớn, khiến cả những người thờ ơ nhất với nhạc Việt cũng phải “ngứa ngáy lỗ tai”, giữa lúc thị trường nhạc Việt đang rơi tự do, các sân khấu ca nhạc giải trí đang lạnh lẽo hoặc à uôm…, Vietnam Idol 2010 gần như vô đối trên con đường tiến tới vị trí số một hạng mục Chương trình của năm.

Ngọn lửa cao nguyên, live show đầu tiên và cuối cùng của nghệ sĩ Y Moan đã “đốt cháy” trái tim những khán giả có mặt ở Nhà hát Âu Cơ hôm ấy bởi sự tận hiến của một ca sĩ cho âm nhạc và công chúng của mình, giành vị trí á quân hạng mục Chương trình của năm. Để ghi nhận lao động nghệ thuật tuyệt vời trong một hoàn cảnh đặc biệt, báo TT&VH đã quyết định trao kỷ niệm chương cho cố nghệ sĩ Y Moan. Như lời của Y Garia, con trai cố nghệ sĩ trên sân khấu Cống hiến, lao động nghệ thuật của Y Moan trong live show Ngọn lửa cao nguyên là tấm gương cho nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ.

Nhưng Ngọn lửa cao nguyên, liveshow đầu tiên và cuối cùng của nghệ sĩ Y Moan, đã bất ngờ làm thay đổi cục diện. Được tổ chức khá vội trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt (chưa từng có trong lịch sử ca nhạc Việt Nam), khi nhân vật chính của live show đang sống những ngày cuối cùng của đời mình với cơn bạo bệnh, khi ca sĩ hát trên sân khấu nhưng trong cánh gà, bác sĩ, y tá đã túc trực với các phương tiện y tế cấp cứu… Không có sân khấu ấn tượng, không có những dàn dựng hoành tráng, sáng tạo độc đáo… nghĩa là không có rất nhiều thứ thuộc về tiêu chuẩn của các live show hiện nay, nghệ sĩ cũng không còn ở thời kỳ sung mãn nhất của sự nghiệp ca hát, nhưng Ngọn lửa cao nguyên “đốt cháy” trái tim những khán giả có mặt ở Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội) hôm ấy bởi sự tận hiến của một ca sĩ cho âm nhạc và công chúng của mình. Sức mạnh của Ngọn lửa cao nguyên chính là hiệu ứng của trái tim.

Cũng trên “đường đua” Chương trình của năm 2010, tuy không cạnh tranh vị trí nhất, nhì cùng Vietnam IdolNgọn lửa cao nguyên, nhưng 2 năm liên tiếp lọt vào đề cử, Điều còn mãi - chương trình hòa nhạc Việt Nam “thuần chủng”, với những công phu và dũng cảm nâng các ca khúc Việt Nam lên tầm cổ điển và đưa các tác phẩm khí nhạc Việt Nam vào không khí đại chúng lại đang tạo nên những hiệu ứng nghệ thuật, góp phần mở sang trang mới cho sự cảm thụ âm nhạc của công chúng.

Cả hai album lọt vào đề cử Album của năm, Bây giờ… biển mùa Đông (ca sĩ Đức Tuấn) và Những tình khúc Phú Quang (ca sĩ Tấn Minh) đều được xây dựng trên vẻ đẹp giao thoa giữa ca khúc pop và âm nhạc bán cổ điển. Màn biểu diễn đầy ấn tượng và mới mẻ ca khúc Hò kéo pháo theo phong cách rock kết hợp với dàn hợp xướng của Thái Thùy Linh (album Bộ đội, đề cử Album của năm) trong lễ trao giải cho thấy khoảng cách giữa tính kinh viện và tính đời sống đã bị xóa nhòa bằng cảm hứng âm nhạc…

Trước lễ trao giải, album Bộ đội của Thái Thùy Linh không nhận được nhiều chú ý của dư luận, trong khi lẽ ra phải ngược lại, bởi sự có mặt của duy nhất của một album nữ ca sĩ, và không phải ngôi sao trên thị trường, một album được làm rất khiêm tốn (về kinh phí đầu tư, về sự ra mắt…) trong bảng xếp hạng toàn những “bom tấn” như Li ti (sang Đức thu âm với các nghệ sĩ nước ngoài), Bây giờ…biển mùa Đông (thu live toàn bộ dàn nhạc giao hưởng), Những tình khúc Phú Quang (tác giả và ca sĩ đều nổi tiếng…). Tuy không về nhất, nhưng vẫn có nhiều lá phiếu bầu cho Bộ đội là Album của năm, cho thấy giá trị của cống hiến không nằm ở sự hoành tráng.

Là cái tên lạ nhất lọt vào top 5 Album của năm, Thái Thùy Linh và album Bộ đội đã mang tới cho ca khúc nhạc đỏ một luồng gió mới, mạnh mẽ, trẻ trung của rock đương đại. Ca khúc Hò kéo pháo (sáng tác Hoàng Vân) trên sân khấu tối 5/4 với giọng hát Thái Thùy Linh cùng dàn hợp xướng là một phiên bản 2011 vô cùng hấp dẫn.

Và dưới hàng ghế khán giả…

Trong đêm trao giải Cống hiến 2010 tại Nhà hát TP.HCM, dưới hàng ghế khán giả có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài giới âm nhạc. Nhưng có một người đặc biệt với người viết bài này, một thành viên Ban tổ chức giải Cống hiến, là ca sĩ Cẩm Vân. Cẩm Vân, một giọng ca nhạc nhẹ hàng đầu không chỉ của TP.HCM, một trong những tấm gương về sự lao động không mệt mỏi và sự chỉn chu trong đời sống của một nghệ sĩ nổi tiếng trong giới showbiz, là khách mời dự kiến đầu tiên sẽ lên trao giải thưởng quan trọng - Ca sĩ của năm 2010. Sau nhiều ngày đắn đo, chị đã xin phép không nhận lời, và không ngần ngại nói rõ lý do… Nhưng chị vẫn có mặt trong đêm trao giải, chăm chú theo dõi từ đầu tới cuối, nhiệt tình cổ vũ các “đàn em” trên sân khấu. Tôi cảm nhận thấy trên gương mặt rạng rỡ của chị sự tin tưởng thay cho những nghi ngại, sự nhiệt tình thay cho những thờ ơ… Trên sân khấu Nhà hát TP.HCM tối 5/4 ấy là vẻ đẹp có thực và thuần khiết của âm nhạc, thứ âm nhạc mang trong nó những nỗ lực lao động và sáng tạo của các nghệ sĩ, không chạy theo thị trường, không dao động, không nao núng.

Ca sĩ Cẩm Vân cùng con gái có mặt từ sớm và là một khán giả nhiệt tình trong suốt lễ trao giải.

Tất cả các đề cử giải âm nhạc Cống hiến 2010 đều xứng đáng với tiêu chí của giải thưởng, là “Có những khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng trong năm”. Điều khá thú vị là tất cả 20 đề cử ở 4 hạng mục đều nhận được phiếu bầu cho vị trí số 1 (tất nhiên với số phiếu khác nhau), không đề cử nào không có cơ hội giành chiến thắng. Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp “Lá phiếu của TT&VH” không được sử dụng để phân thứ hạng (theo quy chế giải thưởng, phóng viên báo TT&VH không tham gia bỏ phiếu bầu chọn giải thưởng. Thay vào đó, báo TT&VH được có một lá phiếu duy nhất, lá phiếu đặc biệt chỉ sử dụng trong trường hợp các đề cử có cùng số phiếu trong một hạng mục - lúc đó lá phiếu của TT&VH sẽ quyết định ai là người chiến thắng), nhưng lá phiếu không bỏ đó, năm đầu tiên, hoàn toàn trùng khớp với kết quả cuối cùng, do 100 nhà báo quyết định. Thêm điều ấy, cho những người đồng hành cùng giải thưởng Cống hiến thêm vững tin vào con đường mình đang đi.

Mùa Cống hiến 2010 đã thật sự khép lại, nhưng mùa Cống hiến 2011 đã được mở ra từ ngày 1/1/2011…

P.T.T.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm