Vĩnh biệt Vinh Sử, 'một ông vua' nghèo khó của tân nhạc Việt Nam

10/09/2022 12:58 GMT+7 | Văn hoá

Trong làng tân nhạc Việt Nam, nếu các nhạc sĩ tiền bối được xưng tụng các mỹ hiệu như “Vua Tango” (Hoàng Trọng), “Ông hoàng Slow” (Đoàn Chuẩn) thì lớp kế thừa cũng có…“Vua nhạc sến” Vinh Sử. Có điều cuộc sống của ông “vua nhạc sến” có nhiều nỗi thăng trầm, và ông vừa từ biệt chúng ta…

Những sáng tác để đời của 'vua nhạc sến' Vinh Sử

Những sáng tác để đời của 'vua nhạc sến' Vinh Sử

Nhạc sĩ Vinh Sử được mệnh danh là "vua nhạc sến", là tác giả của loạt nhạc phẩm nổi tiếng như: Gõ cửa trái tim, Vòng nhẫn cưới, Yêu người chung vách, Chuyến xe lam chiều... 

Những năm đầu thập niên 1970 là thời hoàng kim của loại nhạc bình dân (gọi nôm na là “nhạc sến”), mà một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc này là Vinh Sử. Dạo ấy vào quán cà phê nào cũng nghe những: Nhẫn cỏ cho em, Chuyến xe lam chiều, Đoạn buồn đêm mưa, Gõ cửa trái tim, Khổ tâm, Không giờ rồi, Tâm sự nàng Buram, Vòng nhẫn cưới, Yêu người chung vách… Nhạc của Vinh Sử không chỉ đóng khung trong quán cà phê mà còn len lỏi vào tận hang cùng ngỏ tận, đến với mọi tầng lớp – nhất là người dân lao động nghèo khổ… Cho nên công chúng xưng tụng ông là “vua”, âu cũng xứng đáng!

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Vinh Sử

Người viết quen biết nhạc sĩ Vinh Sử cũng đã hơn 20 năm, anh em thường gặp nhau tại Quán Nghệ Sĩ (81 Trần Quốc Thảo, Q3 TP.HCM). Dạo ấy, thấy ông phát âm có vẻ ngọng nghịu, tôi cứ tưởng ông là người gốc Hoa. Ai dè đó là di chứng sau một lần đột quỵ. Anh tên thật là Bùi Vinh Sử, sinh năm 1944 tại Sài Gòn. Cha mẹ ông vốn gốc ở Hà Tây đi vào Nam do người Pháp mộ phu đồn điền cao su trong những năm thập niên 1940 (thế kỷ trước). Sau đó, ông bà bỏ nghề, chuyển về một xóm lao động nghèo ở quận 4, Sài Gòn và làm nghề lò bún. Từ xóm lao động này, Vinh Sử được sinh ra, lớn lên: 15 tuổi mới học hết bậc tiểu học rồi… bỏ ngang để sáng tác nhạc cho tầng lớp lao động, bình dân quanh ông… Những sáng tác của Vinh Sử được ký với nhiều bút danh như Vinh Sử, Cô Phượng, Hàn Ni, Diễm Nhi, Đức Vượng... Vậy thì, với một nhạc sĩ có “trình độ” như thế, hẳn chúng ta phải kinh ngạc về sức sáng tạo, sự lao động nghệ thuật một cách cật lực và đặc biệt là vốn liếng sử dụng ca từ của ông.

Còn nhớ năm 2005, người viết có phỏng vấn Vinh Sử về thể loại nhạc đại chúng mà ông theo đuổi, ông đáp: “Đó là “e” nhạc sở trường của tôi và tôi vẫn trung thành với khuynh hướng sáng tác đó. Công chúng bình dân đón nhận nhạc của tôi thì tôi cũng phải có trách nhiệm viết nhạc phục vụ giới bình dân… Trước năm 1975, giới nhạc sĩ rất dễ kiếm tiền. Tiền tác quyền cho một bản nhạc có khi mua được cả chiếc xe hơi, nhạc sĩ lại được “đặt hàng” tới tấp, do vậy mới nảy sinh ra loại “nhạc thị trường”. Có thể từ loại nhạc này mà người ta gọi là “nhạc sến”... Sau 1975 “e” nhạc của tôi có âm hưởng cổ nhạc, chẳng hạn như các ca khúc: Tình ngoại, Bằng lòng đi em, Để tóc nàng ngủ yên, Qua ngõ nhà em, Làm dâu xứ lạ, Nhành cây trứng cá... Cái đẹp của quê hương mình sao mình lại không ngợi ca tôn vinh mà lại dè bỉu là... sến! Tôi nghĩ trừ những người bày đặt “chảnh”, còn thì bất cứ ai có tinh thần dân tộc đều yêu mến dòng nhạc trữ tình quê hương...”.

Chú thích ảnh

Dạo ấy (ngồi ở quán 81) thấy ông rất phong lưu, khỏe mạnh. Ông khoe hiện có 2 cửa hàng kinh doanh giày dép, nghe thế cũng mừng cho ông. Có một dạo tôi và nhạc sĩ Trương Quang Lộc, nhà thơ Nguyễn Quốc Nam, nhà thơ Lê Hoàng Dũng thường về Cần Giuộc (Long An) chơi và cũng hay gặp Vinh Sử ở đó, hỏi thì ông cho biết đang tìm mua đất, đào ao nuôi tôm – lại mừng thêm cho ông…

Không ngờ, trong khuôn nhạc đời của Vinh Sử, những “nốt thăng” không biết được bao nhiêu nhưng ở cuối đời thì “nốt trầm” lại xuất hiện nhiều quá. Sau lần bị tai biến mạch máu não là những di chứng đeo đẳng theo ông suốt 20 năm. Tính đến nay ông đã trải qua không dưới 5 lần phẫu thuật ung thư trực tràng di căn và giờ đang phải đeo hậu môn giả (không kiểm soát điều tiết được) vì gần như toàn bộ phần ruột già đã bị cắt bỏ. Năm 2014, tôi cùng một nhóm thân hữu đến thăm ông tại “căn nhà” số 86/52, đường 37 (Q.7-TPHCM) để thăm ông… Ngoài sức tượng của tôi, “căn nhà” của… “vua” chỉ là một cái ngách nhỏ (phía trước rộng 1m phía sau rộng 1,8m – chiều dài khoảng 5m).

“Ngôi nhà” này, trước đây ông thuê ở trọ, do thấy ông khổ và bệnh nặng nên chủ nhà bán trả góp cho ông với giá 280 triệu đồng. Suốt hai năm, Vinh Sử dành dụm từ tiền tác quyền và tiền các mạnh thường quân biếu tặng để trả dần nhưng không biết đến khi nào trả hết vì bệnh tình cứ kéo dài… Ông ngồi dậy, trên tấm nệm cá nhân tiếp chúng tôi. Nhìn quanh không có bất cứ đồ đạc nào giá trị, chỉ là chiếc mũ bảo hiểm cũ kĩ, những chiếc kéo, vài chiếc cốc nhựa, những bọc nilông lớn bé để để vài thứ đồ và thuốc. Chiếc xe máy (giá trị nhất) là của học trò để đó cho ông muốn đi đâu thì nhờ người chở. Ông mời chúng tôi ngồi vào hai chiếc ghế nhựa, còn mới, khoe: “Chồng của cô ca sĩ Giao Linh tới thăm, thấy không có chỗ để ngồi nên ổng mua tặng tui hai cái ghế và cả tấm nệm để tui nằm cho êm…”. Ông cho biết chi phí để chữa bệnh đang quá sức đối với ông, nên ông chuyển sang dùng thuốc nam cho đỡ tốn kém. Thu nhập chính của ông chỉ là tiền tác quyền tính theo từng quý (mỗi quý được 5-6 triệu đồng). Một số ca sĩ, mạnh thường quân cũng có ghé thăm và tặng ông chút tiền bồi dưỡng, thuốc thang… Người viết thật sự rất ghét hai chữ “đắng lòng” nhưng vào trường hợp này, không biết phải dùng từ ngữ gì cho thích hợp hơn…

Chú thích ảnh

Sau chuyến thăm viếng ấy, chúng tôi đã kết hớp với Chuyên trang Sài Gòn Giải trí (của nhà báo Hồng Sơn) đã tổ chức Đêm nhạc Vinh Sử với chủ đề “Gõ cửa trái tim” diễn ra tối 14.8.2014 tại rạp Nam Quang (góc Võ Văn Tần-Cách Mạng Tháng Tám). Toàn bộ số tiền thu được (khoảng 150 triệu đồng) đã được chuyển cho nhạc sĩ Vinh Sử, giúp ông chữa bệnh.

Vinh Sử từng có 4 đời vợ chính thức, nhưng cuối đời, khi gia sản đã tiêu tan theo bệnh tật của ông thì chỉ có bà thứ ba: Nguyễn Ngọc Lệ trở về chăm sóc ông tận tình đến hôm nay... Bà Lệ và nhạc sĩ Vinh Sử từng kết hôn và sống với nhau một thời gian (3 năm), họ có với nhau một đứa con chung (bà có hai con riêng), nhưng sau đó ông bà chia tay. Sau này khi thấy chồng cũ bệnh tật, bà không đành lòng nên quay trở lại chăm sóc ông (thời điểm năm 2011). Nguồn thu nhập chính của họ là khoản tiền tác quyền được Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trả theo từng quý (mỗi quý được 5-6 triệu). Bà Lệ nói, mỗi ngày họ chi tiêu không quá 30.000 đồng. Sáng bà nấu nướng sẵn cho ông cả phần cơm trưa rồi đi giặt mướn. Đến chiều tối, mới về chăm sóc ông… Mấy năm gần đây, bà bán “cái ngách” Quận 7 rồi đưa ông về căn nhà của cha mẹ bà ở Q, Bình Tân để tiện bề chăm sóc.

Đầu tháng 8/2022, nhạc sĩ Vinh Sử lại nhập viện (BV Nhân dân Gia Định), bà Lệ lại phải chạy vạy khắp nơi, vay được 15 triệu nộp khoản tạm ứng viện phí, đến nay ước tính viện phí đã lên đến hàng chục triệu đồng mà không biết phải xoay xở vào đâu... Cả khi ông nhắm mắt xuôi tay.

Thương tiếc người nhạc sĩ tài hoa nhưng cũng lắm truân chuyên. Chắc hẳn giờ đây ông đã không còn chịu đựng những cơn đau, không còn phải canh cánh nỗi lo chạy tiền thuốc, tiền nhà… Xin chúc ông ra đi nhẹ tênh, thanh thản…

Bài, ảnh: Hà Đình Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm