Vĩnh biệt “phù thủy” của điện ảnh Việt Nam

01/08/2012 07:15 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Là một trong số ít đạo diễn của miền Nam ở lại tiếp tục sự nghiệp điện ảnh, cho đến giờ, Lê Hoàng Hoa vẫn được bạn bè, đồng nghiệp gọi là “phù thủy” của điện ảnh Việt Nam. Một đạo diễn tài hoa, từng trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, ông để lại ấn tượng với nhiều thế hệ khán giả qua bộ phim Ván bài lật ngửa. Ông vừa qua đời ở tuổi 79…

Năm 2007, sau 15 năm sống ở Ba Lan và từ giã phim trường, Lê Hoàng Hoa trở về Việt Nam với dự án làm phần tiếp theo của Con ma nhà họ Hứa (bộ phim kinh dị gây tiếng vang tại Sài Gòn trước 1975), nhưng dự án này chưa thực hiện được do trục trặc từ phía đối tác.

Phim nhiều hơn tuổi đời

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa (Ảnh: Việt Cường)

Những năm 1980, Lê Hoàng Hoa tiếp tục khẳng định tài năng với serie phim Ván bài lật ngửa chuyển thể từ tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm của nhà văn, nhà cách mạng Trần Bạch Đằng.

Trước khi bắt tay làm Ván bài lật ngửa, Lê Hoàng Hoa từng vượt biên và bị bắt giam khoảng 9 tháng. Nhiều người kể, Lê Hoàng Hoa được thả để làm phim Ván bài lật ngửa. Khi được tự do, hãng phim sản xuất Ván bài lật ngửa đưa giấy cam kết cho Lê Hoàng Hoa ký, đại ý rằng: làm xong bộ phim này rồi muốn đi đâu thì đi. Trong một lần trả lời trên báo chí, nhắc lại chuyện cũ, vị đạo diễn tài hoa nói: Họ đưa giấy kêu ký, nhưng tôi nói tôi là đạo diễn ký vậy kỳ lắm, tôi đã nhận lời là nhất định làm đàng hoàng. Và thật sự, serie phim Ván bài lật ngửa đã trở thành siêu phẩm điện ảnh của Việt Nam những năm 1980.

Tính đến lúc từ giã cõi đời, phim do Lê Hoàng Hoa đạo diễn lên đến con số khoảng 100 phim và hàng loạt diễn viên từ bàn tay tài hoa của ông đã tạo được danh phận với đời. Tài năng là vậy nên có lẽ số đào hoa của ông cũng tương ứng, Lê Hoàng Hoa không hề giấu khi cho biết ông có rất nhiều người yêu và ông cũng yêu lại tất cả những người đàn bà đến với mình. Ông thường hỏi những người phụ nữ đến với ông: “Cô yêu tôi hay muốn đóng phim?”. Giữa tình yêu và phim ông chỉ để người tình của mình chọn một, vì vừa yêu vừa muốn đóng phim sẽ rất khó xử nếu các nàng chỉ đáng đóng vai phụ mà cứ đòi vai chính thì hỏng hết cả phim. Điều này chứng tỏ ông rất rành mạch giữa tình cảm và việc làm phim.

“Anh đúng là đạo diễn giỏi!”

Nhà văn Nguyễn Đông Thức từng có kịch bản được Lê Hoàng Hoa dàn dựng, chia sẻ với TT&VH: “Ngày 13/4/1992, cách đây 20 năm, Vĩnh biệt mùa Hè - bộ phim truyện nhựa thứ hai do tôi viết kịch bản từ truyện dài cùng tên, được bấm máy khởi quay. Tôi rất phấn khích và hồi hộp, hơn cả lúc bấm máy bộ phim Ngọc trong đá trước đó. Đó là vì Vĩnh biệt mùa Hè được dàn dựng bởi Lê Hoàng Hoa, một đạo diễn tiếng tăm của Sài Gòn từ trước năm 1975 mà tôi từng rất ngưỡng mộ. Là người hiếm hoi học từ Mỹ về, ông nổi tiếng ngay sau loạt phim đầu tiên Chuyện lúc không giờ, chịu nhiều ảnh hưởng của đạo diễn phim kinh dị lừng danh Alfred Hitchkock.

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa qua đời rạng sáng ngày 31/7 tại TP.HCM. Lễ truy điệu sẽ được tổ chức lúc 7h ngày 3/8, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân, TP.HCM.

Sau 1975, ông là một trong ba đạo diễn họ Lê của miền Nam ở lại (hai người kia là Lê Dân và Lê Mộng Hoàng) và được tiếp tục trọng dụng, chinh phục ngay khán giả cả nước với bộ phim Ván bài lật ngửa”.

Nguyễn Đông Thức kể tiếp: “Nhiều người cho tôi biết ông làm việc rất chuyên nghiệp và khó tính, một ông vua trên trường quay đúng nghĩa. Ông viết kịch bản phân cảnh xong thì miễn có ai được coi lại, sửa chữa. Tôi cũng là thằng chảnh không thua, yêu cầu Hãng phim Giải phóng phải cho tôi xem lại kịch bản phân cảnh ông viết từ kịch bản chuyển thể của tôi, nếu tôi đồng ý thì mới được quay! Ông gặp tôi trong ngày khởi quay, nhướng mắt:

- Tác giả này dữ nghe! Sao, “OK” với phân cảnh của tôi rồi phải không?

- Dạ. Anh đúng là đạo diễn giỏi.

- Cảm ơn ông. Ông là ngoại lệ đó nghe!

“Thời gian trôi qua, kỷ niệm còn đó”

Kỷ niệm đáng nhớ với vị đạo diễn tài hoa này, nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhớ lại: “Tôi còn được một ngoại lệ nữa, khi ông nhường tôi ngồi cái ghế xếp có gắn tên “Đạo diễn Lê Hoàng Hoa” sau lưng ghế, có dù che phía trên, một phong cách như ở Hollywood, trong khi ông ra chỉ đạo Việt Trinh, Hồng Hạnh, Lê Công Tuấn Anh, Thiệu Ánh Dương… diễn xuất, hướng dẫn góc máy, ánh sáng... Anh em trong đoàn phim cho tôi biết chưa có ai được phép ngồi vào cái ghế đó.

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa (thứ 2 từ trái sang) và nhà văn Nguyễn Đông Thức (bìa phải) các diễn viên chính trong bộ phim Vĩnh biệt mùa Hè. (Ảnh do nhà văn Nguyễn Đông Thức cung cấp)

Nghe đồn trong những ngày làm phim ông có “để mắt” tới B.H., diễn viên nghiệp dư đang học lớp 11 trường B.T.X., người trước đó đã được ông chấm điểm cao chót vót trong cuộc thi tuyển diễn viên cho bộ phim này (chỉ thua Mỹ Duyên và hơn xa Hà Kiều Anh). Đào hoa là “năng lực” lớn của ông, hơn cả nghề đạo diễn, tôi mà có chạy theo thì chưa chắc được xách dép!”.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền người từng làm việc chung với Lê Hoàng Hoa, nhận định: “Tôi gặp đạo diễn Lê Hoàng Hoa năm 1992, khi Hãng phim Giải phóng đưa cho anh kịch bản phim Tình nhỏ làm sao quên (TNLSQ) do tôi chuyển thể từ truyện vừa cùng tên của tôi. Chúng tôi đã trò chuyện nhiều với nhau trong thời gian đoàn làm phim ở Đà Lạt.

Đạo diễn mà anh yêu thích là ông vua phim kinh dị Hitchcock. Đạo diễn này thường để “dấu ấn” trong các bộ phim của ông bằng một hình ảnh thoáng qua. Lê Hoàng Hoa cũng làm vậy. Trong phim TNLSQ, khi hai nhân vật chính ngồi uống cà phê, đạo diễn Lê Hoàng Hoa và bạn gái cũng ngồi uống cà phê ở bàn kế bên. Liên hoan phim VN năm 1993 tại Hải Phòng, bộ phim video TNLSQ đoạt 2 giải thưởng: Đạo diễn xuất sắc nhất Lê Hoàng Hoa và Diễn viên nữ xuất sắc nhất Mỹ Duyên”.

Tiễn biệt đạo diễn Lê Hoàng Hoa về cõi vĩnh hằng, nhà văn Đoàn Thạch Biền xúc động: “Cảnh cuối trong kịch bản phim TNLSQ, tôi viết nhân vật nam đặt bó hoa bất tử trên mộ cô gái… Tôi cứ nghĩ trên mộ, đạo diễn sẽ để một tấm bia có hình cô gái với năm sinh, năm mất, bình thường như các ngôi mộ khác. Không ngờ đạo diễn dựng một tấm bia với dòng chữ: “Thời gian trôi qua, kỷ niệm còn đó”. Tôi hơi choáng, anh Hoa giải thích, như vậy lãng mạn và ý nghĩa hơn. Nay nghe tin anh mất, tôi xin gửi đến anh dòng chữ: “Bộ phim qua đi, kỷ niệm đẹp với anh vẫn còn đó”.

Hoàng Nhân

NSƯT Chánh Tín: “Trong bộ phim Ván bài lật ngửa, bên cạnh vai chính còn có hàng chục vai thứ chính, đều rất quan trọng. Ngoài số diễn viên có nghề, đã thành danh như: Trần Quang, Thương Tín, Thanh Lan, Thúy An ra, còn lại các vai: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Thục, Lại Văn Sang… đều được thể hiện bởi những khuôn mặt hết sức xa lạ, lần đầu tiên xuậ́t hiện trước ống kính. Vậy mà, Lê Hoàng Hoa đã nhào nặn họ trở thành những diễn viên còn hơn cả chuyên nghiệp. Nhân vật Ngô Đình Nhu, gai góc đến thế, lại được giao cho một người hành nghề bán quần áo rất bình thường. Tôi đã tham gia trên dưới 100 phim. Nhưng Ván bài lật ngửa là bộ phim đã để lại trong ký ức những ấn tượng sâu sắc nhất. Không thể nói gì khác hơn: Lê Hoàng Hoa thật sự là một đạo diễn tài năng. Ông quả là một phù thủy của điện ảnh VN".

Văn Bảy (ghi)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm