Vĩnh biệt nhà văn Triệu Xuân: Cùng văn chương mải miết phiêu Xuân

30/10/2021 07:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nghe tin nhà văn Triệu Xuân gửi lại dương thế tuổi 70 lúc 12h30 ngày 26/10/2021 tại TP.HCM, bạn bè văn chương khắp mọi miền đất nước đã gửi lời chia buồn tiễn biệt anh.

Văn nghệ sĩ Hà Nội nâng cao chất lượng sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật

Văn nghệ sĩ Hà Nội nâng cao chất lượng sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật

Việc nâng cao chất lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật trước hết từ đầu nguồn - người viết kịch bản, biên kịch, viết sách, sáng tạo tác phẩm. Họ phải được tạo điều kiện đi thực tế, tham gia các sự kiện lớn của Thủ đô nhằm tích lũy kiến thức và có chất liệu sáng tác.

Tôi nhớ, khi biết quỹ thời gian của mình sắp cạn kiệt, Triệu Xuân từng thao thiết nhắn nhủ: "Với người cầm bút, hãy chấm ngòi bút lên những khổ đau của đời người để có những tác phẩm có giá trị, ở lại lâu bền trong lòng người đọc”…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bồi hồi nhớ tiếc: “Ngay từ hồi ông còn rất trẻ, tôi đã nhận thấy sự ấm áp và bao dung của một người anh. Có lần ông nói với tôi: Có những thứ Thiều viết anh không thích, thậm chí muốn tranh luận. Nhưng anh luôn ủng hộ sự dấn thân của em trong sáng tạo. Vì nếu không có điều đó thì chẳng mang lại điều gì đáng nói. Ông ra đi mang theo sự tiếc thương và niềm kính trọng của những người đang sống, trong đó có tôi”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Triệu Xuân (thứ 2 phải sang) cùng các nhà văn chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần V -1995

Triệu Xuân - Lấp lánh tình đời

Tên khai sinh là Triệu Xuân Điến, sinh ngày 4/9/1952, tại xã An Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, Triệu Xuân là tên bút danh gắn với đời văn của anh cùng các bút danh khác như Triệu Minh, Minh Đức, Triệu Minh Đức.

Tháng 12/1973, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), anh tình nguyện đi B và trở thành phóng viên chiến trường của Đài phát thanh Giải phóng, thường trú tại Khu V (Trung Trung Bộ). Sau năm 1975, anh công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, cơ quan thường trú tại TP.HCM... Cuối năm 2000, anh chuyển sang làm xuất bản. Trong 12 năm (12/2000 - 10/2012), anh là Trưởng Chi nhánh Nhà xuất bản Văn học. Cuối năm 2012, anh nghỉ hưu, sống, gắn bó với TP.HCM gần nửa thế kỷ, giữ chức vụ Phó trưởng Chi hội Hội Nhà văn Việt Nam tại TP.HCM nhiệm kỳ 2011 - 2015.

Ai đã tiếp xúc với nhà văn Triệu Xuân đều nhận thấy ở anh sự chân thành, hồn hậu, thân thiện, thẳng thắn, hay giúp đỡ bạn hữu. Chả thế, nhà văn đã từng lập Quỹ Phát triển tài năng văn học Việt Nam; lập nhóm Văn chương Hồn Việt với mục đích giúp bạn văn sáng tác, làm việc thiện.

Ý tưởng lập nhóm Văn chương Hồn Việt được gợi ý từ lòng thiện tâm từ nhóm Tân Dân của nhà văn, nhà viết kịch Vũ Đình Long (1896 - 1960) ở Hà Nội vào những năm 40 của thế kỷ trước. Anh xúc động khi biết “ông tổ của kịch nói Việt Nam” mở Hiệu sách, Nhà xuất bản Tân Dân, chủ các tờ báo Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Hữu ích, Tao đàn và trở thành “bà đỡ mát tay” giúp những nhà văn nổi tiếng như: Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, Thanh Châu, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Lan Khai, Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… in ấn tác phẩm.

Chú thích ảnh
Nhà văn Triệu Xuân (1952-2021)

Nhóm Văn chương Hồn Việt đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân văn như gặp gỡ, giao lưu văn chương với bạn văn, bạn đọc; ra mắt tác phẩm văn chương mới xuất bản; tặng sách cho hơn 150 thư viện trong cả nước; đưa sách đến vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo với mong muốn phát huy văn hóa đọc sâu rộng trong giới trẻ.

Nhà văn Triệu Xuân luôn toát lên nghị lực và tinh thần lạc quan. Khi phát hiện ra căn bệnh nan y, nhà văn vừa chống chọi với bệnh tật, vừa tiếp tục cầm bút. Với anh, viết văn là một liều thuốc giảm đau chỉ có được ở người được Trời cho “ăn lộc”. Khi biết “quỹ thời gian cạn hẹp”, anh “lặng lẽ dâng cho đời” 2 cuốn sách Tiểu luận - Chân dung Triệu Xuân sống và viết (2020) và Triệu Xuân nghĩa tình bạn hữu (tuyển tập những bài viết của các nhà văn, nhà báo về con người, tác phẩm của Triệu Xuân).

Sống trong ranh giới mong manh khi “quỹ thời gian cạn kiệt”, nhà văn Triệu Xuân tha thiết nhắn nhủ gia đình, bạn hữu: “Hãy luôn biết trân quý, nâng niu từng phút giây cuộc sống, giữ cho nhau những ngọn lửa nhân ái, nghĩa tình. Với người cầm bút, hãy chấm ngòi bút lên những khổ đau của đời người để có những tác phẩm có giá trị, ở lại lâu bền trong lòng người đọc”…

Chú thích ảnh
Nhà văn Triệu Xuân (trái) trong lễ ta mắt tiểu thuyết “Cõi mê”. Ảnh: Hoàng Hoa

Tận hiến đến phút cuối cùng cho văn chương

Ngoài viết báo, văn chương là niềm đam mê đau đáu trọn cả cuộc đời của anh. Thế mạnh của anh là văn xuôi, đặc biệt anh là một cây bút tiểu thuyết giàu nội lực, khả năng sáng tạo, bộc lộ cá tính. Anh có lối viết hiện đại, cách dựng tình huống, cốt truyện, xây dựng nhiều tuyến nhân vật với chồng chéo quan hệ éo le, phức tạp. Với lối viết đó, nhà văn đã tạo được hiệu quả nghệ thuật và tạo nên phong cách cho mình. Là nhà văn, ngòi bút tác giả luôn đau đáu, thao thiết với phận người, phận đời, cuộc sống...

Trong gần nửa thế kỷ lao động viết văn miệt mài, anh đã sở hữu 8 tiểu thuyết bề thế về dung lượng, bề thế về các vấn đề cuộc sống. Hầu hết tác phẩm của anh đều được tái bản ít là 2 lần, nhiều là 15 lần, trong đó bộ 3 tiểu thuyết Giấy trắng, Trả giá Bụi đời được bạn đọc đánh giá cao và được tái bản nhiều lần nhất: Giấy trắng (14 lần), Bụi đời (14 lần), Trả giá (12 lần).

Lao động sáng tạo của nhà văn Triệu Xuân thật nể trọng. Là nhà văn tâm huyết, có ý thức trách nhiệm công dân, Triệu Xuân không thể làm ngơ trước những vấn đề mang tính thời sự của cuộc sống và con người đương đại. Anh đã mổ xẻ, phân tách những vấn đề nóng, gai góc của cuộc sống, cùng sự băng hoại trong đạo đức, lối sống con người. Không ngại xung trận, tác phẩm của Triệu Xuân vì thế đã đi thẳng vào “tâm bão”, phản ánh trúng/ đúng hiện thực xã hội đất nước nói chung và miền Nam nói riêng sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất (1975).

Chú thích ảnh
Tác phẩm của nhà văn Triệu Xuân

Như người lính tiên phong, ngòi bút của anh truy kích đến cùng những thói hư tật xấu, sự ích kỷ, vụ lợi, vun vén cá nhân, giáo điều… Tác phẩm của anh đến được với bạn đọc bởi những vấn đề bức xúc được thể hiện bằng ngôn ngữ văn chương và điều quan trọng “kết thúc có hậu” khẳng định niềm tin và lòng nhân ái của con người.

Trước khi bắt tay viết, anh dành rất nhiều thời gian chuẩn bị kỹ càng chất liệu, huy động vốn sống, cùng trái tim nhạy cảm, dự cảm, tiên liệu hiện thực. Vì thế, tác phẩm của anh bề thế về dung lượng và nội dung. Tiểu thuyết Cõi mê được viết ròng rã trong 9 năm, hơn 500 trang in, với 7 lần xuất bản là minh chứng thuyết phục cho điều đó.

Dấu ấn rõ nét, nổi bật nhất trong tác phẩm của nhà văn Triệu Xuân là kiểu kết cấu đa tuyến, đầy kịch tính. Nhân vật trong tác phẩm của anh phong phú, đa dạng, giàu cá tính. Nhà văn đau đáu, thao thiết với từng phận người và ngòi bút luôn hướng tới vẻ đẹp tiềm ẩn lặn sâu trong từng con người.

Trong các tiểu thuyết Nổi chìm trong dòng xoáy, Trả giá, Sóng lừng, Bụi đời, Cõi mê…, nhà văn xây dựng cốt truyện có diễn biến phức tạp, ngồn ngộn chất sống, bề bộn sự kiện, biến cố. Theo đó, hệ thống nhân vật trong truyện cũng vì thế mà đa dạng, phức tạp hơn rất nhiều. Trong truyện Những người đi mở đất và tiểu thuyết Giấy trắng, nhà văn trân trọng, đề cao niềm tin ở con người, trong đó có những người đã sống ở cả 2 chế độ. Tiểu thuyết Đâu là lời phán xét cuối cùng thể hiện những mâu thuẫn, xung đột hết sức quyết liệt giữa 2 thế hệ đại diện cho cái mới/ tiến bộ với cái cũ/ xấu/ lạc hậu/ bảo thủ…

Ngoài bộ 3 tiểu thuyết đã nói, tiểu thuyết Cõi mê là 1 trong những tác phẩm quan trọng trong đời văn của anh và được bạn đọc ghi nhận. Dung lượng tác phẩm lớn ôm chứa những vấn đề lớn của 2 gia tộc (5 thế hệ và 4 thế hệ) trong hành trình 150 năm với những biến thiên của lịch sử, thời cuộc, số phận… Trong đó, có tuyến nhân vật chỉ mải mê chạy theo tiền bạc, địa vị, danh lợi, tham vọng… Khi giật mình nhận ra bản thân đã lạc trong cõi mê và tất cả những cái đó chỉ là phù du thì đã muộn. Quỹ thời gian của đời người là hữu hạn. Muốn sửa sai, làm lại không còn cơ hội.

Mỗi tiểu thuyết riêng đều có mạch ngầm liên kết và tác phẩm sau thường được kế thừa, bổ sung từ tác phẩm trước. Không khó nhận thấy vấn đề trong tiểu thuyết Sóng lừng là tiền đề cho phạm vi, quy mô lớn trong Nổi chìm trong dòng xoáy. Những vấn đề tha hóa, băng hoại trong đạo đức, lối sống của Bụi đời được khai thác sâu hơn, quyết liệt hơn trong Cõi mê...

Chính vì thế, đóng góp của Triệu Xuân rất đáng được ghi nhận trong nền văn xuôi Việt Nam thời kỳ Đổi mới.

Người có tâm với văn chương

Ngoài sáng tác, nhà văn Triệu Xuân là là người sưu tầm, biên soạn, giới thiệu hàng chục tuyển tập, toàn tập của nhiều nhà văn tên tuổi như: Vũ Bằng, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Lê Văn Thảo, Trần Hoài Dương… Anh là người có tâm với văn chương, công việc sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu luôn gắn với sự kiện. Cuốn Hoài Anh và đồng nghiệp phát hành nhân Bách nhật (100 ngày) cố nhà văn Hoài Anh năm 2011.

Với tư cách nhà báo, gần nửa thế kỷ kể từ khi làm phóng viên chiến trường đến nay, nhà văn Triệu Xuân là tác giả của hàng ngàn tin, bài, bình luận, tiểu phẩm, phóng sự về những sự kiện nóng hổi, những vấn đề bức xúc của đất nước. Anh đã từng đoạt Giải thưởng đặc biệt về phóng sự điều tra.

Sự nghiệp nhà văn Triệu Xuân

Tác phẩm

- Tiểu thuyết Giấy trắng (NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1985); Nổi chìm trong dòng xoáy (NXB Giao Thông Vận Tải, 1987; NXB Hội Nhà văn, 2005); Đâu là lời phán xét cuối cùng (NXB Văn nghệ TP.HCM, 1987; NXB Hội Nhà văn, 2002); Trả giá (NXB Văn nghệ TP.HCM, 1988; Bụi đời (NXB Thanh Niên, 1990); Sóng lừng (V.N.Mafia) - NXB Giao thông vận tải, 1991); Cõi mê (NXB Hội Nhà văn, 2004).

- Truyện vừa: Những người mở đất (NXB Văn nghệ TP.HCM, 1983; NXB Văn học 2005); Truyện và ký: Sức mạnh từ trong lòng đất (Cờ Giải phóng - Khu ủy khu Trung Trung Bộ) số Tết Dương lịch 1975; Lấp lánh tình đời (NXB Văn học, 2007).

- Phê bình, tiểu luận, chân dung: Triệu Xuân Sống & Viết (NXB Hội Nhà văn, 2020).

Sách sưu tầm, biên soạn, giới thiệu

Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng (NXB Văn hóa -Thông tin biên tập, tái bản 1993); Tuyển tập Vũ Bằng (NXB Văn học, 1999); Thơ hay phổ nhạc (nhiều tập, NXB Văn học, 2005); Hợp tuyển Văn học Đức (trọn bộ 8 tập, NXB Văn học, 2005, 2006); Lê Văn Trương Tác phẩm chọn lọc (NXB Văn học, 2 tập, 2006); Vũ Bằng Toàn tập (4 tập, NXB Văn học, 2006); Tuyển tập Truyện Lịch sử của Hoài Anh (NXB Văn học, 2006, 2009); Trần Hoài Dương Truyện chọn lọc (NXB Văn học, 2006); Truyện ngắn trên website Văn nghệ sông Cửu Long (NXB Văn học, 2 tập - 2006, 2007); Tuyển tập Lê Văn Thảo (NXB Văn học, 2007); Tuyển tập Viễn Phương (NXB Văn học, 2007); Ưng Bình Thúc Giạ Thị - Cuộc đời và tác phẩm (NXB Văn học, 2007); Tuyển tập Phạm Tường Hạnh (NXB Văn học, 2008); Tuyển truyện ngắn các nhà văn cùng tên Nguyễn Quang (NXB Văn học, 2011); Hoài Anh và đồng nghiệp (NXB Văn học, 2011)...

Giải thưởng Văn học

Giải thưởng Văn học viết về đề tài văn học công nhân 1986 - 1990 do Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức (tiểu thuyết Trả giá).

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm