12/08/2020 08:15 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà sưu tập mỹ thuật Nguyễn Chí Sơn (5/2/1957 - 11/8/2020) bất ngờ ra đi, để lại tiếc thương vô vàn trong họa giới, đặc biệt với các họa sĩ trẻ. Với hơn 500 tác phẩm của hơn 300 tác giả, phòng sưu tập của anh ở Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) là một địa chỉ luôn rộng mở và rộng lòng với người xem. Anh trút hơi thở cuối cùng vào khoảng 2h45 tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, sau hơn 20 ngày chống chọi với bệnh viêm lao màng não.
Ngoài tác phẩm của gần 300 họa sĩ trẻ (khái niệm tạm dùng cho những người dưới 40 tuổi), Nguyễn Chí Sơn còn có tranh tượng của Đinh Cường, Lê Bá Đảng, Nguyễn Trung, Lưu Công Nhân, Đỗ Quang Em, Trịnh Cung, Bùi Giáng, Vĩnh Phối, Bửu Chỉ, Rừng, Phạm Văn Hạng, Đàng Năng Thọ, Nguyễn Trọng Khôi, Thành Chương, Lê Ký Thương, Ca Lê Thắng, Lê Kinh Tài, Phạm An Hải, Thân Trọng Minh, Nguyễn Đại Giang, Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Trung Quân…
Ưu ái họa sĩ trẻ
Nguyễn Chí Sơn gốc Huế, sống ở Phan Rang từ lâu, bắt đầu chơi tranh từ sự khích lệ của anh trai là nhà văn Nguyên Minh và vợ là chị Trương Thị Liễu. Tất nhiên, tự thân anh đã có am hiểu về nghệ thuật Chăm và đồ cổ, đồ gốm sứ, đã có nhiều đóng góp thiết thực cho việc bảo tồn văn hóa Chăm. Thế nhưng, anh rất ít khi tỏ ra mình am hiểu, sắc sảo, mà chỉ nhẹ nhàng, gần gũi.
Bộ sưu tập của anh có 2 hướng chủ đạo, hội họa miền Nam trước 1975 và hội họa đương đại. Với các tác giả trẻ, nhiều bức anh mua bằng sự khích lệ, thấy thích là mua, chứ không quá băn khoăn về chuyện tương lai và thanh khoản của tác phẩm. Bởi rõ ràng, mua tác phẩm của các họa sĩ thành danh có nhiều thuận lợi hơn, nhưng Nguyễn Chí Sơn không quá đặt nặng chuyện này.
Họa sĩ Lê Minh Phong chia sẻ: “Với tôi, anh Nguyễn Chí Sơn là một người duy tình, điềm tĩnh và là một nhà sưu tập có tâm. Anh từng chia sẻ về ước vọng đem nghệ thuật làm tươi mát cho chính vùng đất đầy nắng gió mà anh đang sống. Tôi cũng đã từng được xem qua bộ sưu tập của anh, đa dạng phong cách, tác giả thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, thậm chí là nhiều nền văn hóa khác nhau. Anh Sơn sưu tầm của tôi một số tác phẩm thuộc thời kỳ đầu. Mỗi khi có duyên với một tác phẩm nào đó của tôi, anh và tôi bao giờ cũng trò chuyện nhiều về câu chuyện bên trong tác phẩm đó, để rồi mở rộng ra những câu chuyện của cuộc đời, với lòng trắc ẩn. Mỗi khi gặp nhau, bao giờ anh cũng nắm tay tôi trò chuyện, lòng bàn tay của anh rộng và ấm lắm”.
Nghe tin buồn, từ Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn cho biết tay chân anh như rụng rời. Anh nói: “Buồn cho hội họa đương đại và giới yêu mỹ thuật mất đi một mạnh thường quân nhiệt thành, giản dị. Tôi từng được nghe đến “nữ hoàng cứu đói” là bà Thẩm Thị Đôn Thư (phòng tranh Đôn Thư bên Cộng hòa Liên bang Đức). Những năm 1960-1990, bà đã chắp thêm cánh cho nhiều họa sĩ Việt bằng cách mua tranh, trong đó các tên tuổi lớn như Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái… Vì lòng ưu ái, sự chia sẻ rộng lượng với các họa sĩ trẻ đương thời, giờ đây tôi xin gọi anh Nguyễn Chí Sơn là “hoàng tử mỹ thuật”. Mỹ thuật Việt Nam rất cần những người có tâm, tầm, đức như anh để chắp thêm cánh cho sự phát triển bền chặt, đẹp đẽ. Cầu cho hương hồn anh được phiêu linh với những gam màu và bản nhạc của hội họa”.
“Gặp anh vài lần, lần nào cũng thấy anh nở nụ cười, tốt với mọi người. Anh có một phòng sưu tập tranh cực chất. Mình đã nghĩ một ngày nào đó sẽ bắt đầu vẽ tranh trở lại, với ước mơ là có một bức được anh sưu tập và treo trong căn phòng tuyệt vời đó. Do thấy anh trẻ và khỏe mạnh, mình cứ tà tà vẽ. Nào ngờ hôm nay, một người thú vị của Phan Rang đã ra đi rồi. Tiễn anh. Một người có lòng với tri thức, nghệ thuật và hội họa” - Khánh Liên, một giáo viên mỹ thuật ở Phan Rang.
Một trái tim chân thành
“Chỉ biết vô cùng thương tiếc anh về sự ra đi quá đột ngột. Anh là một người bạn, một người anh, một người có niềm tin yêu và sự chân thành với nghệ thuật Việt Nam. Đặc biệt là hội họa trẻ. Anh sinh sống ở Phan Rang, luôn giữ sự khiêm nhường rằng “anh chỉ làm nho nhỏ thôi”, nhưng nhiều người biết từ nơi đó, anh dành tình yêu cho hội họa Việt Nam bằng một bộ sưu tập thật là hoành tráng, có tác phẩm từ khắp đất nước” - họa sĩ Lê Kinh Tài nói.
Việt Nam hiện nay, theo ước tính chưa đầy đủ, đã có gần 2.000 người chơi tranh. Khái niệm chơi tranh ở đây được hiểu như sau: Mua nhiều hơn mức cần trang trí cho một ngôi nhà. Với nhiều người, tinh tường nhất trong giới sưu tập là Trần Hậu Tuấn, xúc động nhất là Lê Thái Sơn (7/4/1968 - 26/7/2012), kín đáo nhất là Thanh Uy, chân thành nhất là Nguyễn Chí Sơn, nhạy bén nhất là Bùi Quốc Chí… còn dễ thương nhất, đáng trông chờ nhất là một số nữ sưu tập trẻ đang lên.
Nguyễn Chí Sơn có đủ trí lực và tài lực để tạo dựng phong thái của một nhà sưu tập chuyên nghiệp, nhưng không, anh chỉ muốn dùng trái tim chân thành đến với các tác phẩm, vì vậy mà rất được các tác giả yêu mến. Anh ra đi để lại hai con gái còn đang đi học là Bảo Trân và Bảo Ngọc. Với mong ước các con sẽ gìn giữ, tiếp tục việc sưu tập của cha mẹ, khi mở phòng trưng bày tại 44 Trần Nhân Tông (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) từ nhiều năm trước, anh đã đặt tên là Ngọc Trân.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất