Vĩnh biệt người "Thợ rèn" văn hóa!

17/09/2008 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Bút danh Thợ Rèn và chuyên mục “chuyện lớn chuyện nhỏ” do ông và nhà văn Như Phong khai sinh từ năm 1956 đã sống liền mạch hơn 40 năm trên báo Nhân Dân.
 
 Nhà văn Như Phong
Có thể còn rất ít người biết ông đã đăng thơ ở tờ Tiểu thuyết thứ năm trước cách mạng, viết nhiều phóng sự đăng trên Cứu quốc khu ba, Cứu quốc Trung ương trong kháng chiến chống Pháp, làm nhiều ca dao ký tên Phạm Lê Văn v.v… nhưng lại dễ thấy ông đã thật định hình đến mức buộc người ta phải thừa nhận là một tên tuổi có hạng trong làm thơ trào phúng sau các bậc tiên chi nhú Tú Xương, Tú Mỡ, Đỗ Phồn…

Ngót mười tập thơ trào phúng in chung và in riêng tính từ năm 1959, con số này không là nhỏ của một đời thơ, nhưng nó lại không nói được mấy cho cái nét độc đáo rất riêng mà tôi muốn gọi là cái nét văn chương hay một tầm thức kiến văn trong ngòi bút Thợ Rèn. Có lẽ vậy mà những bài thơ trào phúng được nhất của ông, rõ nhất phong cách ông thường là những bài ông "khía" vào sự mất – còn, sự thịnh – suy của văn hóa đạo đức. Đụng vào đâu cũng thấy cái vốn kiều, vốn văn học cổ và vốn thành ngữ ca dao tục ngữ Việt Nam, rồi Tam quốcTây du, Khổng Tử Liêu Trai, Tư Mã ThiênHoàng Lê Nhất Thống chí v.v… ông không chỉ thuộc mà còn rất khéo vận khéo dùng những tích những điển hay vào từng ngữ cảnh. Tôi thực sự quý trọng cái nét này và coi nó như dấu vân tay khác lạ, thật có duyên mà ông đã mang đến cho làng thơ trào phúng.

Cũng là chuyện hư tục cỗ bàn trong ma chay cưới hỏi, đình đám, bao người làm thơ kiểu này đã chê bai, đả phá, nhưng ở ông lại để cho thấy trước, thấy ngay cái khả năng chỉ huy và nắm bắt ngôn từ giàu sức biểu cảm, giàu chất phóng sự đời thường để bài thơ có giá trị đóng góp như những thước phim tài liệu gốc:
 
Ngang lưng thì thắt đai vàng. Đầu đội khăn xếp vai mang sáo kèn. Nhị, hồ, trống giắt một bên – một bên nữa giắt sanh tiền, thanh la. Quần xanh lơ, giầy bát ta. Kính râm, nói dứa, phu – la(*) trái mùa – Đường về thoang thoảng hương đưa. Hăng hăng mùi rượu, chua chua hơi người.
 
Đây là chuyện chiếc xe cải tiến, vật chứng phổ biến một thời của lối làm ăn tập thể cha chung không ai khóc, được ông phả chút hơi hướng, thân phận của nàng Đạm Tiên trong Kiều: Kiếp hồng nhan có mong manh. Nửa chừng xuân thoắt gẫy vành cao su.
 
Thấy mấy vị đàn ông “tắm hoa” giữa phố, cũng từ âu vận của Kiều giúp ông đặc tả khôi hài hết sức: Hết xuân quyên chửa gọi hè. Bên máy nước đã cặp kè mấy ông. Giữa ban ngày phố rất đông. Quỳ ngay bên máy tồng ngồng tắm hoa. Xù xì mình cóc da gà. Ra công kỳ cọ cái tòa thiên nhiên.
 

Nhà thơ Thợ Rèn tên thật là Phạm Văn Huyến, sinh năm 1923 tại Thái Bình. Lễ viếng từ 13h30- 15h30 18/9 tại Nhà tang Lễ Bộ Quốc Phòng (5- Trần Thánh Tông- Hà Nội). Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ.

Chuyện học thêm, dạy thêm nóng bỏng và nổi cộm với toàn xã hội, với mỗi gia đình, tốn bao giấy mực, nhưng đến lượt ông, ông lại mượn Kiều để nói cho người ta phải nhớ, nhớ ngay: Học thêm thì được thầy yêu. Nhược bằng không học thì điêu đứng liền. Chuyện học hành, nói và làm kiểu đầu voi đuôi chuột: Họp to như núi chon von. Hành như chuột nhắt đẻ con nhẽo nhèo. Tội ăn cắp, tham ô, bóc ngắn cắn dài: Tiêu cò bố, làm cò con. Cuối cùng gác tía, lầu son = hỏa lò.

Cách đây đúng 20 năm (năm 1988), bài thơ “Văn nghệ là tự do và đổi mới” đăng trên báo Nhân dân, theo tôi nó thuộc loại bài thơ hay nhất trong cả nghìn bài thơ ông có. Bài thơ nói chuyện văn nghệ cùng đất nước bước vào thời kỳ đổi mới; cảm hứng sung sướng và dễ chịu mang hơi hướng bi hài được ông thật khéo dùng tục ngữ và thành ngữ trợ giúp, đẩy đưa đã mang lại công hiệu không nhỏ cho tư duy người đọc: Một lời vàng không biết từ đâu. Thế là răm rắp cúi đầu. Chung giàn bí lẩn cho bầu chịu đau. Cái thời tiếng “liên quan” sợ lắm. Qua đêm trường tóc trắng như bông. Cái thời chỉ biết phục tùng. Gọt chân cho gọn mà nong khuôn giầy.

Thế rồi ông vẫn đủ mẫn cảm, kịp cảnh báo ngay một xu hướng khác không lành mạnh trong văn nghệ những năm đầu đổi mới, đi quá đà của tự do chân chính: Chửi bới khỏe cho đời biết tiếng. Viết tục tằn cho truyện cách tân. Tô hô cởi áo thay quần. Tự do vạn tuế bình dân muôn đời.

Xung quanh chuyện sống chết, mất còn, tôi muốn nói về một bài thơ “lạ” của ông, bài thơ “Nhớ Quang Dũng”, ông chủ định không gửi đăng báo nào cả. Thế rồi vì ái tài hay ái tình của bạn hữu, bài thơ được người khác gửi đăng. Bài thơ ấy tôi cho là hay nhất về Quang Dũng. Xin chép ra đây đoạn cuối…
 

Một mảng tài toa của thủ đô

Mời ba tháng tám đêm tàn thu

Văn chương thế sự là như thế

Một chút hồn trong "Mây đầu ô"

Đầm đa, Xích Thổ, chiến khu Ba

Ổi xanh, muối trắng, rượu ngà ngà

Chuyện Tàu Quang Dũng vui như Tết

Nhất định hòa bình tớ in ra

Hẹn thế mà rồi có viết đâu

Vẫn hồn thơ ấy thủa ban đầu

Sài Sơn sóng lúa tình man mác

Hà Nội mơ màng chuyện Bích Câu

Ông không còn nữa. Về thế giới người hiền, chắc ông cũng sẽ đọc bài thơ này cho Quang Dũng nghe...

P.N.L

(*) Phu- la: khăn quàng

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm