Nguyễn Việt Thắng: Chuyện du học xứ Bồ bây giờ mới kể

07/08/2009 12:05 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Khi đồng đội Lê Công Vinh đang gấp rút hoàn tất những thủ tục để gia nhập Leixoes SC ở giải VĐQG Bồ Đào Nha, thì ít ai để ý, Việt Thắng đã từng có hơn 2 tháng học việc tại Iberia. CLB mà Thắng “bế” tá túc hồi đầu năm 2005 là FC Porto – nhà ĐKVĐ châu Âu vào thời điểm đó.

Một tay thầy “Tô” sắp xếp


Khi ấy, tôi vẫn đang chịu án kỷ luật của VFF, nên không thể chủ động bất cứ vấn đề gì. Tôi đã ngỡ ngàng khi CLB chủ quản ĐT.LA ra thông báo rằng tôi sẽ có ít nhất 2 tháng tập luyện tại CLB Porto ở Bồ Đào Nha. ĐT.LA đứng ra chịu chi phí di chuyển, như vé máy bay đi và về. Phần còn lại, từ visa nhập cảnh, đến chỗ ăn ở, môi trường tập luyện hay các mối quan hệ khác ở FC Porto, một tay thầy “Tô” lo hết. Phải qua đến nơi, tập luyện và sinh hoạt cùng đội bóng, tôi mới hiểu được điều này.


Mối quan hệ của HLV Calisto với các đội bóng Bồ Đào Nha là quá tốt, chứ chẳng riêng gì với FC Porto. Thầy “Tô” thậm chí còn chuẩn bị sẵn phương án B trong tình huống mà tôi không thể thích nghi được với môi trường lạ lẫm. Tất nhiên, với sự chuẩn bị chu đáo như vậy, thì mọi thứ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Tôi nhận được rất nhiều đặc cách ở FC Porto.

Ngày tôi xuống phi trường quốc tế Porto, đích thân phó chủ tịch FC Porto khi ấy đã ra đón tôi. Cùng đi với ông là các bộ phận có liên quan đến Porto B, như trợ lý HLV và bác sỹ. Tôi cảm thấy ngỡ ngàng với khung cảnh đón tiếp của một đội bóng lớn, dành cho một cầu thủ vô danh như tôi, lại mang tiếng là qua đây học việc. Sau này, tôi mới hiểu, tất cả đều do HLV Calisto đạo diễn tất cả. Thái độ nghiêm túc trong công việc từ phía CLB Porto khiến tôi tự nhủ mình không được phép chểnh mảng. Họ đưa tôi về 1 chung cư, nằm sát ngay khu tập luyện của đội bóng để tiện di chuyển. Tôi ở chung phòng với 2 đồng nghiệp, cũng đang tập luyện ở đội hình 2 của FC Porto, một người đến từ Brazil và người còn lại là công dân Argentina.



Việt Thắng và tiền vệ Ricardo Quaresma

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nợ HLV Calisto 1 lời cảm ơn chân thành. HLV Calisto chưa từng cho tôi những đặc cách nào trong công việc, mà nếu có được một chút ưu ái thì đó là bởi ông ghi nhận được khả năng, cũng như sự tiến bộ của tôi. Song tôi cũng hiểu rằng, những nỗ lực của mình để phục vụ công việc của thầy ở CLB, cũng như trên bình diện đội tuyển sau này, là chưa đủ. HLV Calisto như người cha, đã lại sinh ra tôi lần thứ 2.

Chuyến “du học” ở Bồ Đào Nha là 1 nấc thang quan trọng trong sự nghiệp của Nguyễn Việt Thắng. Bị di chứng chấn thương ở dây chằng đầu gối, nên tôi chưa thể ra sân ngay sau khi trở lại “Gạch”. Với cái đầu gối băng trắng toát, cùng 5 bàn thắng ở giai đoạn 2 mùa giải 2006, giúp ĐT.LA lần thứ 2 liên tiếp giành ngôi vô địch V-League, phần nào nói lên sự tiến bộ của tôi. HLV Calisto đã xoa đầu tôi và cười: “Có khi cứ chấn thương như thế, thì Việt Thắng còn chơi tốt hơn lúc bình thường”.


Môi trường bóng đá chuyên nghiệp thực sự


Tưởng tượng được không, khi xung quanh sân đấu chính Dragao, có đến 7 sân tập đẹp như mơ, dành cho các tuyến trẻ của CLB. 2 tháng tập luyện cùng FC Porto B, tôi tích lũy được số vốn đáng kể, đặc biệt là tư duy chiến thuật và các kỹ năng di chuyển không bóng. Chúng tôi thường chỉ tập 1 buổi/ngày và cảm giác mỗi khi bước ra sân, thoải mái như là đi chơi vậy. Tất nhiên, khi bước vào buổi tập rồi, thì phải nghiêm túc. Ban đầu, tôi còn bỡ ngỡ, rằng tại sao trong các buổi tập nội bộ, các cầu thủ lại vào bóng rất “rát”, hệt như một trận đấu chính thức. Bất cứ ai nhấc chân, né bóng, đều bị HLV nhắc nhở. Và nếu lặp lại lần thứ 3, thì anh sẽ phải ra ngoài sân, tập luyện một mình. Cho đến sau này, thì tôi hiểu rằng, bóng đá chuyên nghiệp phải thế!


Phần lớn các buổi tập trong tuần, HLV đều chia đôi đội hình thi đấu, hoặc tạo các nhóm cho các cầu thủ luyện kỹ năng phối hợp trong không gian hẹp. Đừng vội nghĩ là họ không rèn thể lực nhé. Sức mạnh, độ bền, cũng như tâm lý chiến, được tích lũy qua các buổi tập như vậy. Yêu cầu tiên quyết là sức mạnh tranh chấp, cũng như khả năng tì đè, qua người và rướn bóng. Nếu anh để ý kỹ các buổi tập của ĐT.LA, cũng như ĐT Việt Nam dưới thời HLV Calisto, thì ở FC Porto, nó cũng na ná như thế. Tất cả đều phải tập trung cao độ. Ở đây, người ta không còn mất công để sửa từng động tác bóng nữa, mà đã vào khuôn khổ rồi. Những kỹ năng chơi bóng mà tôi có bây giờ phần nhiều học được ở Porto.


Việt Thắng và thủ môn Victor Baia

Thời điểm tôi đến Bồ Đào Nha là vào khoảng đầu tháng 2/2005. Khí hậu cuối xuân, đầu hạ ở thành phố biển Porto khá mát mẻ và nó không khác Việt Nam là mấy. Nhưng tôi gặp chút ít vấn đề về chuyện ăn uống, cũng như ngôn ngữ. Vốn liếng tiếng Anh “bồi” không lưu loát lắm và cũng chỉ đủ để tôi trao đổi với HLV Domingos trên sân tập. Song thi thoảng tôi vẫn gặp khó khăn với những cụm từ chuyên môn phức tạp. Những lúc ấy thì cứ phải dùng “ngôn ngữ tay chân”. Khi phải tự mình vận động để tồn tại ở 1 xứ sở lạ lẫm mới thấu hiểu được những nhọc nhằn. Tất nhiên, HLV và các đồng đội đã rất thông cảm với tôi. Họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc hoàn thiện các kỹ năng chơi bóng ở đẳng cấp cao.

Công Vinh đang đứng trước cơ hội rất lớn

Không danh giá như FC Porto hay Sporting Lisbon, nhưng Leixoes SC là 1 đội bóng chuyên nghiệp và đang thi đấu ở giải VĐQG Bồ Đào Nha. Theo tôi được biết, Leixoes SC là chỗ thân quen nhất với HLV Calisto. Tất nhiên, Vinh sẽ nhận được sự giúp đỡ ân cần, chẳng kém gì tôi trước đây để hòa nhập. Vinh bây giờ rất khác so với tình huống của tôi cách đây hơn 4 năm, dù cho khi ấy tôi cũng 24 – 25 tuổi như Vinh. Ngày trước, tôi qua Bồ Đào Nha để học việc, và cũng để đốt hết những ngày tháng buồn tẻ vì án treo giò. Nhưng với Vinh, khi qua Bồ Đào Nha, anh ấy đã là cầu thủ trưởng thành. Ở vị trí tiền đạo, không ai ở Việt Nam chơi tốt hơn Vinh. Tất nhiên, khó có thể so sánh BĐVN và bóng đá Bồ Đào Nha, song ít nhất thì đó cũng là cơ sở tối thiểu, để Công Vinh bắt nhịp với bóng đá đẳng cấp cao.

Công Vinh sở hữu tốc độ xuất phát của 1 con linh dương! Khi có bóng trong chân, anh ấy có thể bất ngờ ngoặt trở lại ở tốc độ cao, và dí tiếp mà không bị mất thăng bằng. Đến lúc đối diện với cầu môn đối phương rồi thì khỏi phải nói. Thời gian gần đây, kỹ năng sút mu, xiết lòng của Vinh được nâng tầm đáng kể. Rất nhiều các bàn thắng được anh ấy thực hiện theo cách này. Chỉ 1 băn khoăn nho nhỏ là sự hạn chế về hình thể của Công Vinh so với mặt bằng chung của bóng đá châu Âu. Và nữa, trước đây Vinh thường bị trạng thái khi đối đầu với các đội bóng lớn. Hy vọng, thời gian tập luyện ở Leixoes SC, được hít thở không khí của các trận cầu đỉnh cao, Vinh sẽ khắc chế được hạn chế này. Tất cả chúng ta đều đang chờ đợi 1 Công Vinh rất khác.

Thông thường, 1 CLB chuyên nghiệp ở châu Âu sẽ đăng ký trên dưới 30 cầu thủ, cho 1 mùa giải (có đào thải và bổ sung ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa). Khi Vinh đạt được 1 hợp đồng chuyên nghiệp, thì có nghĩa rằng, anh ấy sẽ là 1 trong 30 sự lựa chọn cho mỗi trận đấu. Vinh sẽ có cơ hội rất lớn để lần đầu tiên được chơi bóng ở châu Âu trong thành phần 1 CLB chuyên nghiệp Bồ Đào Nha. Trước Vinh, chưa 1 cầu thủ Đông Nam Á nào có vinh dự ấy, hoặc thậm chí được đứng trước cơ hội như vậy. Tất nhiên, khả năng đá chính là rất thấp, nhưng như thế đã là may mắn lắm rồi. Dù thành công hay thất bại thì khi quay lại Việt Nam, Lê Công Vinh cũng sẽ tích lũy thêm được rất nhiều kỹ năng để phục vụ đội bóng thực sự của anh. Tôi chúc Vinh thành công! Nghiêm túc và rất thật lòng!

THẢO NGUYÊN (ghi)

“Dù chỉ tập ở đội hình B của FC Porto, nhưng chúng tôi rất may mắn khi thi thoảng lại được chơi bóng bên cạnh các ngôi sao lớn. Ở Porto, các trụ cột trên đội 1 thường được đưa xuống đội trẻ tập luyện để giảm tải (chứ không phải như ở Việt Nam, khi 1 ngôi sao bị cho xuống đội trẻ, là y rằng anh ta bị kỷ luật). Và thế, tôi từng có dịp đứng cạnh những Fabiano, Quaresma, Victor Baia và Jorge Costa… Xem họ điều khiển trái bóng thì cứ là mê hoặc. Không chê vào đâu được. Việc được đứng cạnh các ngôi sao, được chơi bóng với họ, sẽ tạo nên động lực phấn đấu cho những người trẻ. Đấy là 1 phương pháp có chủ ý, khoa học và rất thực tế” – Nguyễn Việt Thắng.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm