Ai đứng sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ?

16/07/2016 10:03 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Theo hãng tin Pháp AFP, ngày 16/7, phát biểu sau khi tới sân bay ở thành phố Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên án vụ đảo chính diễn ra tối 15/7 theo giờ địa phương ở quốc gia này là "hành động phản quốc".

Ông Erdogan nhấn mạnh những đối tượng tiến hành vụ việc sẽ phải trả giá đắt. Đồng thời, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lặp lại quan điểm cho rằng đứng đằng sau vụ việc là những người ủng hộ giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang sống ở Mỹ Fethullah Gulen.

Fethullah Gulen, 75 tuổi, là một học giả tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Mỹ, cũng là kẻ thù chính trị của Tổng thống Erdogan. Mối thâm thù hình thành vào năm 2013, sau vụ điều tra tham nhũng nhắm vào ông Erdogan và nhóm thân hữu.

Ông Fethullah Gulen chuyển tới sống ẩn dật tại Saylorsburg, bang Pennsylvania của Mỹ sau vụ việc trong nhiều năm, nhưng vẫn có mối liên hệ với chính trường Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Hồi giáo khác trên toàn thế giới. Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền ông Erdogan ra sức truy quét và loại trừ những nhân vật thân cận của ông Gulen.


Giáo sỹ Hồi giáo lưu vong Fethullah Gulen. Ảnh: dw.com

Ông Erdogan cũng cho biết sau khi ông rời đi, khách sạn của ông tại khu nghỉ dưỡng Marmaris đã bị đánh bom. Trong thời điểm xảy ra vụ đảo chính, ông Erdogan đang nghỉ mát tại Marmaris và đã trở về Istanbul trong chuyến bay sáng 16/7.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói rằng ông không rõ Tổng Tham mưu trưởng quân đội nước này đang ở đâu. Trước đó, có tin Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng một số người khác đang bị bắt giữ làm con tin ở thủ đô Ankara.

Trong diễn biến khác, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết hơn 120 người đã bị bắt giữ liên quan đến vụ đảo chính. Trước đó, hãng tin Reuters dẫn lời một nhân chứng cho biết khoảng 30 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc đảo chính đã hạ vũ khí đầu hàng sau khi bị cảnh sát có vũ trang bao vây tại quảng trường Taksim, trung tâm thành phố Istanbul.

Tân Hoa xã dẫn nguồn từ phóng viên hãng thông tấn này tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các máy bay chiến đấu F-16 và trực thăng quân đội đã xuất hiện ở thủ đô Ankara và Istanbul, đồng thời có nhiều tiếng súng và tiếng nổ lớn nghi là ném bom. Theo AFP, Thủ tướng Yildirim đã hạ lệnh cho quân đội bắn hạ một máy bay bị những đối tượng đảo chính chiếm giữ. Các máy bay chiến đấu đã rời căn cứ không quân ở Eskisehir để thực hiện nhiệm vụ này.

30 binh sĩ đầu hàng cảnh sát

Hãng in Reuters dẫn lời một nhân chứng cho biết, khoảng 30 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc đảo chính đã hạ vũ khí đầu hàng sau khi bị cảnh sát có vũ trang bao vây tại quảng trường Taksim, trung tâm thành phố Istanbul.


 Tổng thống Erdogan. Ảnh: CNN

Số binh lính này đã giao nộp súng và bị đưa lên xe tải của cảnh sát, trong khi một chiếc máy bay chiến đấu liên tục quần thảo trên bầu trời ở tầm thấp khiến nhiều tòa nhà xung quanh bị rung chuyển. Nhiều tiếng súng đã được nghe thấy trong bản tin trực tiếp của kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi người dẫn chương trình cho biết binh lính đã xuất hiện trong phòng thu của đài này.

Một đoạn băng của kênh truyền hình NTV cho thấy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã xuất hiện cùng những người ủng hộ ông ở bên ngoài sân bay Ataturk, Istanbul. Đài Fox Thổ Nhĩ Kỳ cũng phát đi đoạn băng ghi âm phát biểu của ông trước đó lên án vụ đảo chính đi ngược tinh thần đoàn kết, thống nhất và tinh thần dân tộc.


Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một binh sĩ tham gia đảo chính. Ảnh: EPA/TTXVN

Thị trưởng Istanbul tuyên bố vụ đảo chính "đã bị ngăn chặn"

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Thị trưởng thành phố Istanbul, ông Vasip Sahin ngày 16/7 cho biết có 1 người thiệt mạng tại thành phố này trong vụ đảo chính đang làm rúng động Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định cuộc đảo chính đã bị ngăn chặn.

Theo Thị trưởng Vasip Sahin, sư đoàn số 3 đóng tại khu vực Thrace ở miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ đã tới thành phố Istanbul. Trong khi đó, các đền thờ Hồi giáo ở Istanbul đã kêu gọi người dân xuống đường, ủng hộ lời kêu gọi trước đó của Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan.

Ngay sau khi vụ đảo chính xảy ra tối 15/7 theo giờ địa phương, Tổng thống Erdogan đã kêu gọi người dân xuống đường biểu tình để chống lại cái mà ông gọi là một âm mưu đảo chính do một nhóm trong quân đội tiến hành, đồng thời tuyên bố sẽ "đáp trả thích đáng" những người thực hiện hành động này.

Theo một nguồn tin thân cận, máy bay chở Tổng thống Erdogan dự kiến sẽ hạ cánh xuống sân bay Ataturk ở Istanbul trong ngày 16/7. Khi xảy ra vụ đảo chính, ông Erdogan đang trong kỳ nghỉ Hè tại khu nghỉ dưỡng Marmaris, Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Phản ứng đầu tiên mà Tổng thống Erdogan đưa ra và thông điệp gửi tới người dân được thực hiện qua điện thoại di động.

Trong một diễn biến khác, theo Reuters, ngày 16/7, thêm 2 vụ nổ đã xảy ra tại tòa nhà Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Ankara, sau khi một vụ nổ khác đã làm rung chuyển tòa nhà trước đó.

Một nghị sĩ Quốc hội trả lời qua điện thoại cho biết, các nghị sĩ đang trú ẩn trong tòa nhà trên. Ngoài ra, một số nhân chứng đã nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn gần quảng trường Taksim và sân bay Ataturk.

Trong khi đó, kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ đã phải ngừng phát sóng bản tin và người dẫn chương trình cho biết nhiều binh lính đã xuất hiện trong phòng thu hình của đài. Bộ Ngoại giao Bulgaria cũng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa biên giới với nước này.

Thảo Nhi - TTXVN/CNN/Reuters/AFP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm