Vi Thùy Linh: “Tôi là đối tượng “hờn ghen” của rất nhiều người”

07/11/2008 08:27 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vào lúc 18h hôm nay (7/11/2008) tại gallery của họa sĩ Lê Thiết Cương (39A Lý Quốc Sư, Hà Nội), nhà thơ Vi Thùy Linh sẽ ra mắt tác phẩm mới: tập thơ song ngữ Việt – Anh ViLi in Love.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với cô:

* Tại sao lại “ViLi in love”? Nghe quen như “Shakespeare in love”. Có trùng hợp ngẫu nhiên? Hay đã là một ý tưởng từ lâu cho tập thơ thứ tư của VTL?

Có một tập thơ chưa được in tên là ViLi. Thật ra ViLi là tên tắt của Vi Thùy Linh, do hồi học trường Yên Hòa có hai người tên là Thùy Linh, nên gọi tắt. Vi Li về mặt âm thanh có sức vang, điệp âm, cả nhạc điệu nữa, và tôi rất thích tên này. Khi bắt tay vào tập này, khi đã có ý tưởng, tôi đã khổ nhọc nghĩ tên gọi cho nó. Tôi thường bắt đầu các bài viết từ câu mở. Tôi không muốn lấy tên một bài trong tập, hay một câu thơ có trong bài làm tên gọi cả tập. Tôi muốn lần này, tên tập thơ phải mang tinh thần chung, gợi mở, phải mang được chất đắm say, ngây ngất của Vi Thùy Linh đang yêu. Đó là cái yêu của Vi Thùy Linh.

* Ý tưởng tập thơ song ngữ xuất phát từ đâu?

Ở tập Đồng tử của tôi đã có dịch tiếng Pháp do L”Espace tài trợ, nhưng chỉ dịch 1/3. Lần này, hai dịch giả tiếng Anh hàng đầu trong nước đã giúp tôi dịch toàn bộ 29 bài trong tập, làm tôi rất vinh dự. Họ đang bận nhiều việc nhưng đã gác lại để đọc và dịch thơ cho tôi. Đối với dịch giả Trịnh Lữ, đây là lần đầu tiên ông dịch trọn bộ tập thơ cho một nhà thơ trẻ là tôi. Một người nữa đóng góp nhiều vào đây, tôi rất quý trọng và biết ơn là họa sĩ Lê Thiết Cương. Tôi biết anh là một người kỹ tính, nhưng anh đã nhận lời ngay khi tôi ngỏ lời và hào hiệp giúp tôi làm bìa, vẽ minh họa, trả cả kinh phí cho phần thi công thiết kế sách. Ngoài ra, anh còn chi toàn bộ cho buổi lễ ra mắt sách tại gallery của anh. Tôi tự hào được có tên họa sĩ Lê Thiết Cương trong cuốn sách của mình. Đây là lần đầu tiên anh vẽ bìa và minh họa cho một tập thơ, trước đây anh chỉ mới làm cho các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà.

* Sau tập thơ này, nghe nói Linh quyết định tạm ngưng thơ để viết văn?

Theo chu kỳ trung bình 3 năm tôi ra một tập thơ. Nhưng trong 3 năm tới, ngoài thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe và làm tươi mới tinh thần, tôi muốn thể hiện mình ở văn xuôi. Trong năm 2009, tôi sẽ ra một tập tản văn và một tập chân dung những người đang sống và những người đã mất, trong đó có chân dung ông nội tôi, một họa sĩ, người đã mất khi tôi mới lên tuổi rưỡi.

* Tập thơ in đẹp, công phu, được nhiều người giúp sức giúp của. Linh làm sao mà giỏi vậy?

Có được tý tên tuổi thì mới in được cuốn này đấy. Trong cơ chế xuất bản hiện nay, tác giả phải tự lo chịu mọi chi phí, thì người ít nổi tiếng hay không có thương hiệu sẽ cực lắm. Có tên mà phải gom tiền của bảy doanh nghiệp mới đủ thì đủ thấy các doanh nghiệp “hào phóng” với văn chương đến thế nào(!) Trong khi họ có thể chi hàng trăm triệu để tài trợ cho bóng đá, ca nhạc, làm từ thiện. Tôi không phải là đối tượng xin từ thiện, mà tôi muốn tác động tới nếp nghĩ và thói quen ứng xử với nghệ thuật của các doanh nhân để họ biết trân trọng đúng mức các giá trị sáng tạo. Chúng ta đang bị đảo ngược trầm trọng các giá trị về ứng xử của công chúng đối với nghệ sĩ sáng tạo và nghệ sĩ biểu diễn, cũng như cách chi trả cho lao động chất xám thật èo uột, tệ hại. Sự bất công này sẽ kéo đến một thói quen dai dẳng là từ người trong nghề đến công chúng có thể tranh nhau và chấp nhận mua vé chợ đen rất đắt để xem bóng đá hay ca nhạc, nhưng dứt khoát không chịu mua sách. Họ chỉ mua khi có tin đồn chứ không phải vì nhu cầu tìm đọc có sẵn.

Tôi đã tự mình về Hải Phòng, vào Sài Gòn, ra Đà Nẵng vẫn không xin được đồng nào để in sách, lại phải quay về Hà Nội. Cũng chẳng sung sướng gì khi tôi là nhà thơ đầu tiên quyết liệt bảo vệ bản quyền bằng cách đăng ký bản quyền ngay khi sách vừa in xong và sau đó tự phát hành, đưa sách đến cả những hiệu cà phê, shop vòng trang sức, tiệm thời trang; rồi lúc nào cũng mang theo túi ni lông sách trong cốp xe, để có ai hỏi thì bán luôn. Cung ứng kịp thời, có chữ ký tác giả, độc giả khỏi phải mất công ra hiệu sách, được tiện lợi, đó cũng là một cách tiếp thị.

* Hỏi thực nhé, tiền in tập thơ này hết bao nhiêu?

Quy ra bằng hai cái xe máy Attila đập hộp. Nói điều này lại buồn vì hiện tôi đang đi một cái Attila hơn 5 năm, bây giờ bán đi thì số tiền bù vào để mua xe mới không có. Cho nên phải quy tiền in thơ ra giá xe để còn phấn đấu.

* Sự nổi tiếng đeo bám tên tuổi Linh từ ngày xuất hiện và theo mỗi tập thơ ra đời, đối với chị là vinh quang hay cản trở? Nói thẳng ra, càng thêm nổi tiếng thì Linh thích không?

Cảm ơn về câu hỏi này khi đã dùng rất tinh từ “đeo bám”. Có phải vì là phụ nữ chưa chồng, lại làm được nhiều việc, nên tôi là đối tượng “hờn ghen” của rất nhiều người. Đôi khi tôi tự hỏi sao họ không chuyển sang các cây bút trẻ hơn, cho hấp dẫn? Càng trưởng thành thì tôi càng sợ sự “nổi tiếng” theo kiểu quan tâm đời tư. Bởi vì tôi luôn sống thật, hồn nhiên, và biểu lộ trực cảm, bản thân điều đó đã làm cho tôi bị cô đơn và khác với những người hay “diễn”; cũng vì quá thẳng mà bị ghét bởi nhận xét, phát biểu bao giờ cũng tới tận cùng. Tôi không muốn bị săm soi, nhất là gần đây có những lời đồn hoàn toàn bịa đặt tôi bỏ thơ, đi nước ngoài lấy chồng...

Tôi ước mơ có nhiều người đọc tác phẩm chứ không phải có nhiều người biết tên tôi. Tình trạng “tôi đã nghe tên chị rồi” hay diễn ra thường xuyên, điều đó làm tôi rất ngán. Tôi thèm được nghe thấy: “Tôi đã đọc bài X, bài Y của chị có câu..,, làm tôi rất thích”, nhưng những người ấy ít quá. Tuy nhiên, nổi tiếng thì phải ý thức nghiêm khắc trong lao động và giữ gìn hình ảnh, uy tín. Tôi năng nổ phổ biến thơ qua cả việc trình diễn nhưng cũng không thể chống lại được sự suy giảm văn hóa đọc và thói quen thích “nghe đồn” hơn là mua sách của đa số. Hiện nay, từ nổi tiếng đang bị lạm dụng và bị dùng rất ẩu khiến tôi thấy sợ. Tôi muốn vươn tới làm một tác giả danh tiếng có những độc giả đích thực.

* Xin cảm ơn Linh
 
Thạch Linh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm