Triển lãm của nữ họa sĩ cao giá nhất thế giới

29/12/2008 15:35 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) -  Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại (MoMA) ở New York vừa khai mạc cuộc triển lãm “Marlene Dumas: Measuring Your Own Grave”, giới thiệu trên 100 tác phẩm điểm lại 30 năm sự nghiệp của Marlene Dumas. Đây là lần đầu tiên bảo tàng MoMA danh giá dành cho nữ họa sĩ người gốc Nam Phi này một cuộc trưng bày lớn. Dumas hiện là nữ họa sĩ cao giá nhất thế giới. Hồi tháng 7 vừa rồi, bức sơn dầu The Visitor (vẽ năm 1995) của bà được bán với mức giá kỷ lục 6,3 triệu USD.

Dumas hiện là nữ họa sĩ cao giá nhất thế giới
Các tác phẩm hội họa của Marlene Dumas nổi tiếng qua cách tiếp cận mang tính phê phán đối với các đề tài xã hội như sinh, tử, tình dục, chủng tộc, tình mẫu và nam nữ bình quyền. Như nhà Sotheby’s đánh giá: “Đối tượng nữ mà Marlene Dumas mô tả cơ bản thường bắt nguồn từ thế giới đương đại, nhưng trong một không gian rất khác so với bất kỳ họa sĩ nào... Không ủy mị, đa cảm, sự miêu tả phụ nữ của Dumas thường toát lên sự mâu thuẫn trong tư tưởng và bản tính ký sinh của loài người”.
 
Bức The Visitor khổ lớn (1,8 m x 3 m) cũng đề cập tới một đề tài phức tạp và mang phong cách đặc trưng của Dumas. Bằng cách sử dụng thủ pháp tương phản với lối diễn tả truyền thống, bức tranh cho người ta có dịp quan sát một cảnh tượng trần tục, song lại gây được xúc động cho người xem về thân phận của người phụ nữ. Bị hút về khung cửa sáng nơi góc xa của căn phòng, người xem cảm nhận được tâm trạng mong ngóng của những cô gái làng chơi chờ đợi một người khách nào đó xuất hiện nơi khung cửa. Dumas đã mượn những hình ảnh mỹ học để tạo nên một kiệt tác đương đại không chỉ có ý nghĩa về mặt nghệ thuật mà còn mang tính bình luận xã hội.
 
Bức The Visitor, với 6,3 triệu USD là họa phẩm cao giá nhất thế giới
của một nữ họa sĩ

Giống như nhiều họa sĩ đương đại khác, đối tượng trong tranh của Dumas phần lớn có nguồn gốc từ những bức ảnh đăng trên báo và tạp chí. Tuy nhiên, Dumas không sao chép những bức ảnh đó, mà là sử dụng hình ảnh như là nguồn tư liệu. Người xem có thể “đọc” tranh của bà như một bài bình luận xã hội mộc mạc. Người yêu hội họa rất dễ nhận ra tranh của Dumas. Đối tượng trong tranh của Dumas là những con người của đời thường, gồm cả mẹ bà, con gái bà, nạn nhân bị chết đuối, nạn nhân bị treo cổ, nhà thơ người Nam Phi Elisabeth Eybers, người mẫu Naomi Campbell... Dumas mô tả họ như một như một người theo chủ nghĩa biểu hiện có am hiểu sâu rộng và cố ý xóa nhòa ranh giới giữa tranh và họa.

Là một trong những nữ họa sĩ được ca ngợi nhiều nhất trên thế giới hiện nay, tranh của Marlene Dumas từng được triển lãm tại nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới ở Paris, London, New York, Madrid, Tokyo... Thế nhưng năm ngoái, lần đầu tiên Dumas mới mở triển lãm cá nhân tại quê hương Nam Phi: Mang tên Intimate Relations, triển lãm này được tổ chức tại Bảo tàng quốc gia Nam Phi ở Cape Town và Bảo tàng Standard Bank ở Johannesburg.

Marlene Dumas sinh năm 1953 tại Cape Town (Nam Phi), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Cape Town. Từ khi còn là một đứa trẻ, Marlene Dumas đã cảm nhận rất rõ những bất hạnh của chủ nghĩa Apartheid. Bà nhớ lại: “Nhà tôi có người giúp việc, tôi vẫn thường ngồi chơi và đọc truyện cho bà ấy nghe. Chúng tôi rất thân thiết với nhau, nhưng chúng tôi không thể ngồi cùng một bàn. Điều đó thật kinh khủng”. Chính những trải nghiệm này đã ảnh hưởng đáng kể tới các sáng tác về sau này của bà.
 
Bức The Teacher

Cũng năm 1976, Marlene Dumas rời Nam Phi sang Hà Lan sau khi giành được học bổng 2 năm của trường Mỹ thuật Ateliers’63 ở Haarlem, được biết đến như cái nôi của mỹ thuật khái niệm và Dumas đã đi theo trường phái này. Bà kể: “Tôi bị mê hoặc bởi các danh họa trường phái khái niệm”. Hầu hết các tác phẩm ban đầu của Dumas là sự tổng hợp của hội họa trừu tượng và nghệ thuật cắt dán. Từ đố đến nay bà sống ở Hà Lan.

Năm 1984, Dumas bắt đầu thể hiện quan điểm cấp tiến trong tác phẩm của mình qua cách thể hiện các nhân vật và chân dung. Phải đến cách đây 18 năm Marlene Dumas mới có triển lãm đầu tiên tại Mỹ (ở New York). Khi đó, giới phê bình đã có những phản ứng hết sức khác nhau về nữ họa sĩ này.
 
Nhưng cùng với thời gian, tài năng của bà ngày càng được thừa nhận: Năm 2005, bà đã trở thành nữ họa sĩ có tranh cao giá nhất thế giới sau khi bức The Teacher (vẽ năm 1987) của bà đã được bán với giá 3,34 triệu USD. Bức The Visitor đạt giá hơn 6,3 triệu USD giúp bà tiếp tục khẳng định “danh hiệu” này. Việc giờ đây MoMA dành cho bà một cuộc trưng bày lớn cũng cho thấy vị trí của bà trong nền hội họa đương đại đang được đánh giá cao rất cao.
 
Đăng Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm