Vì sao nói Taylor Swift chính là "Music Industry" - Người đại diện cho nền công nghiệp âm nhạc?

23/12/2022 18:04 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Năm 2022 của Taylor Swift đã mang cô từ một vị thế vốn đã rất cao lên một tầm cao mới của làng nhạc thế giới.

Taylor Swift đã có một năm 2022 không thể nào ngọt ngào hơn với một album Midnights đại thắng giòn giã trên tất cả các mặt trận. Không khó để thấy, với lần trở lại thành công này, không chỉ người hâm mộ mà công chúng yêu nhạc nói chung đều thống nhất gọi Taylor Swift bằng danh xưng "Music Industry" - "Ngành công nghiệp âm nhạc". Đi đâu, dưới bất kỳ một thành tích mới nào của Taylor Swift, đều có thể dễ dàng bắt gặp danh xưng này xuất hiện với tần suất dày đặc với một sự ngưỡng mộ không hề nhỏ.

Chưa có một cột mốc chính thức về thời gian Taylor Swift bắt đầu được gọi là Music Industry, song, tạp chí Bloomberg danh tiếng đã có một bài viết từ năm 2014 với tiêu đề: "Taylor Swift chính là ngành công nghiệp âm nhạc" của tác giả Devin Leonard. Khi ấy, Taylor Swift vừa ra mắt album 1989 vô cùng thành công, phá vỡ nhiều kỷ lục. Danh xưng ấy dần đi theo Taylor Swift với loạt những sản phẩm liên tục gặt hái thành công sau đó.

Taylor Swift đã, đang, sẽ và hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu này. Vì sao?

Vì sao nói Taylor Swift chính là “Music Industry” - Người đại diện cho nền công nghiệp âm nhạc?  - Ảnh 1.

Taylor Swift ở năm hoạt động thứ 16: thành tích "khủng" trên tất cả các mặt trận. Music Industry chính là đây?

Có thể tạm hiểu, "music industry" nhằm ẩn dụ cho việc Taylor Swift quá thành công trên tất cả các mặt trận của nền công nghiệp âm nhạc, dù thời thế có thay đổi ra sao. Taylor Swift bán đĩa vật lý gặt hái doanh số khủng, chiến lược bán digital sales cũng thu về doanh thu khổng lồ, chỉ số streaming vẫn luôn cao ngất ngưởng không thua kém các đàn em, merchandise và các thể loại đi kèm tiêu thụ cực mạnh với mỗi kì comeback, tour diễn toàn thế giới cháy vé liên tục dù đã chọn các SVĐ thuộc hàng lớn nhất và liên tục phải bổ sung thêm các đêm diễn,... Có thể ví von Taylor Swift là một "học sinh giỏi toàn diện" với tất cả các "môn học" khác nhau đều gặt hái thành tích đáng nể, từ môn tự nhiên đến môn xã hội và cả môn thể dục! Nếu với các nghệ sĩ, họ có thể mạnh ở mảng streaming nhưng không mạnh về bán đĩa, hoặc bán đĩa tốt nhưng không nhiều người bỏ tiền mua vé dự concert,... thì ở đây, Taylor Swift "cân" tất cả, không có mảng nào khiến cho cô và ekip phải e sợ, thậm chí liên tiếp tạo những kỉ lục thế giới mới. Và chính điều này khiến cho các nghệ sĩ đồng nghiệp đều "e sợ" với mỗi lần cô comeback.

Trong thời đại streaming, Taylor Swift vẫn trở thành hiện tượng bán đĩa vật lý với kỷ lục vô tiền khoáng hậu: nghệ sĩ duy nhất trong lịch sử có đến 5 album tiêu thụ trên 1 triệu bản. Thậm chí, cô còn góp phần "hồi sinh" việc tiêu thụ đĩa than, băng cát-xét,... vốn là những thể loại tưởng chừng như đã qua thời, không còn ai mua. Trước đấy, khi Adele chỉ có thể bán được dưới 1 triệu bản cho album comeback sau 5 năm, dư luận đều đánh giá thời đại của việc bán đĩa được hơn 1 triệu bản trong tuần đầu đã vĩnh viễn chấm dứt thì Taylor Swift trở lại để chứng minh nhận định ấy hoàn toàn sai lầm.

Khi nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ với Taylor Swift dần "lép vế" trong thời đại streaming chiếm áp đảo thì cô vẫn liên tiếp gặt hái loạt kỷ lục về streaming. Album Midnights mang về gần 200 triệu lượt stream . Điều này chứng tỏ, âm nhạc của Taylor Swift luôn duy trì sức hút qua tất cả các thế hệ, dù phương thức nghe nhạc có thay đổi ra sao. Cô cũng gây dựng cho chính mình một lượng khán giả "trung thành" khắp nơi trên thế giới, sẵn sàng "chinh chiến" cùng nữ ca sĩ với mỗi đợt comeback.

Vì sao nói Taylor Swift chính là “Music Industry” - Người đại diện cho nền công nghiệp âm nhạc?  - Ảnh 2.

Với một nghệ sĩ quốc tế, doanh thu từ việc lưu diễn có thể xem là "mỏ vàng", góp phần lớn nhất vào tài sản của họ. Taylor Swift cũng không ngoại lệ. Nếu như ở các album trước, Taylor Swift sẽ luôn có một tour diễn đồng hành với một album để quảng bá thì với tour diễn mới nhất - The Eras Tour, sẽ có đến 4 album được "dồn" vào để quảng bá trong chuyến lưu diễn này. Ngày mở bán vé tất nhiên website bị sập trong 1 nốt nhạc khi ước tính có đến 14 triệu người "xếp hàng" trực tuyến để giành giật 1 suất có mặt tại The Eras Tour. Lượng vé bán ra khủng khiếp đến mức tạo nên một làn sóng tranh cãi về việc đơn vị bán vé đã thao túng thị trường, khiến những người thực sự cần mua vé lại không thể có được và phải mua lại ở thị trường chợ đen với cái giá đắt vô lý. Nhiều thành viên Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ cũng đã chú ý về vấn đề này khiến Bộ Tư pháp phải đích thân vào cuộc điều tra Live Nations và Ticketmaster - gần như là đơn vị độc quyền trong việc tổ chức các tour diễn SVĐ và phát hành vé tại thị trường Hoa Kỳ.

Vì sao nói Taylor Swift chính là “Music Industry” - Người đại diện cho nền công nghiệp âm nhạc?  - Ảnh 3.

Poster The Eras Tour của Taylor Swift.

Sức hút của Taylor Swift: một nghệ sĩ xuất chúng với bộ óc của một doanh nhân tài ba

Taylor Swift hoạt động âm nhạc với trái tim của một nghệ sĩ và bộ óc của một doanh nhân, đó là điều mà các chuyên gia phân tích nhìn nhận khi nhìn vào sự nghiệp của cô. Cách Taylor Swift ra mắt mỗi album cũng liên tục tạo nên những "cú twist" khiến công chúng được "xoay" như chong chóng, khán giả không biết điều gì cô sẽ làm tiếp theo. Đầu tiên là sự chuyển đổi từ một "Nàng công chúa nhạc đồng quê" trong các album đầu sang hẳn dòng nhạc Pop bắt tai với album 1989 (2014). Kế đến là màn "lột xác" sang hình tượng "Rắn chúa" quyền lực hơn, u tối hơn và "khát khao trả thù" với trong Reputation (2017) rồi quay ngoắt lại với hình tượng dịu dàng của Lover (2019). Giới phê bình "chê" nhạc Taylor Swift chất lượng đi xuống thì cô tận dụng thời kỳ dịch Covid-19 tung bộ đôi album được giới chuyên môn khen nức nở: folklore và evermore (2020). Và khi nhiều người e ngại Taylor Swift làm nhạc "hàn lâm" quá thì cô trở lại với chất liệu pop bắt tai mang một chút âm hưởng từ 1989 với Midnights (2022). "Đáng sợ" ở chỗ, với mỗi dòng nhạc cô đều gặt hái thành công lớn, thậm chí thu về Grammy cho mỗi dòng nhạc khác nhau. Khả năng nghệ thuật và tài năng viết nhạc của Taylor Swift dường như vẫn chưa dừng lại khi cô vẫn còn những thể nghiệm mới ấp ủ trong những dự án kế đến.

Song song với những album mới, Taylor Swift cũng "khuấy đảo" với việc ra mắt các album được tái ghi âm "Taylor's version" - với bản quyền ghi âm thuộc về cô chứ không còn là của Scooter Braun. Vốn đã có nền tảng từ vụ ồn ào tranh chấp, kiện tụng đòi bản quyền nên các album được tái ghi âm, tái phát hành được đón chờ không kém gì các sản phẩm mới. Gần như là "bình cũ rượu mới", Taylor Swift vẫn đủ khôn khéo để thêm một chút các chất liệu mới chưa được công bố để đảm bảo mỗi lần cô ra sản phẩm mới đều sẽ là tâm điểm của dư luận.

Vì sao nói Taylor Swift chính là “Music Industry” - Người đại diện cho nền công nghiệp âm nhạc?  - Ảnh 4.

Cách mà Taylor Swift "nhá hàng" cho các sản phẩm mới có thể gọi là nằm ở mức bậc thầy, đặc biệt là việc gieo các "Easter Egg" khiến người hâm mộ toàn cầu luôn say mê khám phá. Từ các "ẩn ý" đặt trong các MV, các con số ngày tháng có chủ ý, những dòng caption và hình ảnh bí ẩn... Taylor Swift khiến toàn bộ sự nghiệp âm nhạc của cô luôn là một "trò chơi" khổng lồ với nhiều "level", nhiều "nhiệm vụ" xuyên suốt, kéo dài qua các "màn chơi". Người nghe nhạc Taylor Swift tất nhiên sẽ luôn được kích thích đào sâu, tìm hiểu rộng để giải cho được những "Easter Egg" này - điều mà gần như chưa nghệ sĩ nào khác trong lịch sử từng thực hiện.

Bên cạnh đó, cách mà Taylor Swift "chơi" với MXH cũng khiến công chúng đổ dồn sự chú ý với mỗi lần cô comeback. Trước thời kỳ "đen tối" của album Reputation, Taylor Swift sử dụng MXH khá chăm chỉ để cập nhật thông tin cũng như tương tác với fan khá thường xuyên. Tuy nhiên, kể từ Reputation, một kỷ nguyên mở màn cho một Taylor Swift "bí ẩn" hơn - hậu quả của loạt thị phi khổng lồ mà vợ chồng Kanye West & Kim Kardashian gây ra trước đó - toàn bộ MXH của nữ ca sĩ được đưa về trạng thái hoàn toàn im lặng. Ôm tổn thương sâu sắc từ vô số những lời chỉ trích oan từ cộng đồng mạng, Taylor Swift gần như "lặn" khỏi tất cả các nền tảng MXH. Thỉnh thoảng cô chỉ xuất hiện để đăng tải những thông tin quan trọng (và tất nhiên gần như lúc nào cũng gây chấn động, điển hình là việc cô đăng tải trên Tumblr bài đăng tố cáo Scooter Braun 'ăn cắp' bản quyền ghi âm tạo nên dư luận toàn cầu). Đến kỷ nguyên của album midnight, Taylor Swift khiến người hâm mộ như "mở cờ" trong bụng khi cô đã vượt qua được sự e ngại, tương tác mạnh mẽ với fan cũng như chăm chỉ cập nhật trên tất cả các MXH, kể cả việc tạo trend trên TikTok.

Tất nhiên, bằng cách này hay cách khác, có thể là khách quan và cũng có thể là chủ quan, những ồn ào xoay quanh đời tư, âm nhạc, sự nghiệp của Taylor Swift cũng góp thêm "gia vị" cho sự nghiệp của cô lại càng thêm đậm đà, khó quên. Ồn ào bất tận với vợ chồng Kanye West - Kim Kardashian, những lần "ẩn ý" về những đối thủ, những cuộc tình dài lâu lẫn chóng vánh,... tất cả luôn khiến tên tuổi Taylor Swift giữ được "nhiệt" liên tục.

Vì sao nói Taylor Swift chính là “Music Industry” - Người đại diện cho nền công nghiệp âm nhạc?  - Ảnh 5.

Drama Taylor - Kim - Kanye vẫn luôn thu hút dư luận!

Và cuối cùng: một nghệ sĩ CÓ TRÁCH NHIỆM!

Và trên hết, điều khiến Taylor Swift được gọi là nền công nghiệp âm nhạc bởi vì cô là một cá nhân cực kì có trách nhiệm trong việc vận hành bộ máy âm nhạc khổng lồ. Taylor Swift đã dùng chính sức ảnh hưởng của mình để nói lên tiếng nói của nghệ sĩ, đòi hỏi những quyền lợi chính đáng cho người nghệ sĩ trước những "ông trùm" hãng đĩa, các hãng phân phối. Chính nhờ Taylor Swift, nhiều nghệ sĩ trẻ, yếu thế đã có thể nhận được quyền lợi chính đáng, không bị "chèn ép".

Đầu tiên phải kể đến cuộc "đấu trí" giữa Taylor Swift với Scooter Braun trong việc giành quyền sở hữu bản ghi âm tất cả 7 album phòng thu đầu tiên trong sự nghiệp. Sau khi Taylor Swift tạo nên dư luận khổng lồ trên toàn cầu, rất nhiều nghệ sĩ sau đó cũng đã noi gương nữ ca sĩ để giành được quyền sở hữu bản ghi âm của mình về sau - đó là một bước tiến khổng lồ về mặt nhận thức, quyền lợi của nghệ sĩ.

Vì sao nói Taylor Swift chính là “Music Industry” - Người đại diện cho nền công nghiệp âm nhạc?  - Ảnh 6.

Trên hết: Taylor Swift là một nghệ sĩ có trách nhiệm!

Trước đó, Taylor Swift vào năm 2014 cũng tiên phong trong việc "đối đầu" với ông lớn Spotify khi yêu cầu chính đáng tỉ lệ lợi nhuận cho các nghệ sĩ phát hành trên nền tảng này. Taylor Swift đã thẳng tay gỡ toàn bộ các ca khúc, album khi ấy của mình khỏi Spotify để nói lên tiếng nói và sự phản đối trước bất công. Cuối cùng, Spotify phải nhún nhường, nhượng bộ để gia tăng tỉ lệ doanh thu của nghệ sĩ trên nền tảng để có thể chào đón Taylor Swift quay trở lại.

Để có một cái nhìn tóm tắt: trước khi Taylor Swift 33 tuổi, với 16 năm hoạt động, cô đã có tổng cộng hơn 100 tỷ lượt stream trên tất cả các nền tảng nghe nhạc, hơn 400 triệu đơn vị đĩa được bán ra, hơn 1 tỷ doanh thu từ tour lưu diễn. Điều này giúp cho Taylor Swift có khối tài sản hơn 550 triệu USD tài sản ròng, luôn góp mặt trong top 10 nữ nghệ sĩ giàu nhất toàn cầu. Hơn 35 kỉ lục Guiness thế giới và 900 giải thưởng lớn nhỏ (gồm 11 Grammy, 40 AMAs, 29 BBMAs, 14 VMAs) cũng thuộc về 1 Taylor Swift duy nhất. Những con số này chắc chắn chưa dừng lại khi Taylor Swift đang ở giai đoạn hoạt động sung sức trong âm nhạc.

Vì sao nói Taylor Swift chính là "Music Industry" - Người đại diện cho nền công nghiệp âm nhạc?  - Ảnh 8.

 

Nhật Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm