Việt Nam được “PR” thế nào qua HHHV 2008?

04/07/2008 23:36 GMT+7 | Người đẹp

(TT&VH Online) - Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 được xác định là cơ hội quảng bá “vàng ròng” cho hình ảnh Việt Nam với thế giới. Cuộc thi đã đi được hơn nửa chặng đường, chúng ta đã và sẽ làm được gì?

Cũng cần nhìn nhận, Hoa hậu Hoàn vũ liệu có là thương hiệu tốt để chúng ta tận dụng khai thác? 80 hoa hậu, tức tài sản sắc đẹp của 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp hành tinh có mặt qua cùng lúc, rõ ràng là cơ hội có một không hai. Cái mác Miss Universe đóng lên bản đồ Việt Nam, lên các tuyến du lịch, lên các danh lam thắng cảnh, lên những nơi mà nó ghé đến, là điều kiện thuận lợi để chúng ta tận dụng khai thác thương hiệu này.

Các hoa hậu tại cuộc thi HHHV 2008

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 khẳng định: “Trong gần 30 ngày, các thí sinh sẽ có những hoạt động tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội quý giá để chúng ta có thể thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư. Ban tổ chức sẽ làm hết sức mình, làm thật tốt để các chương trình diễn ra tốt đẹp”.

Vị Phó ban tổ chức đã khẳng định, và cơ hội quảng bá cho hình ảnh đất nước cũng đã được nhìn thấy ngay từ lúc cuộc thi chưa biết có chắc chắn diễn ra ở Việt Nam hay không. Nhưng khi đã vào cuộc, cơ hội này dường như đang trôi qua một cách sốt ruột với hàng loạt sự kiện mà chúng ta, cho tới thời điểm này, là những người tham gia thực hiện chính.

Ta mang đến, người Mỹ mang đi

Hình ảnh đất nước Việt Nam, nơi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 57, sẽ như thế nào về sau, chịu ảnh hưởng từ những gì chúng ta làm tại cuộc thi? Và những gì chúng ta làm tại cuộc thi được gói gọn, thu nhỏ vào trong 9 phút hình ảnh Việt Nam phát trực tiếp lên sóng truyền hình Mỹ cho khoảng 1 tỷ người trên thế giới xem.

Ông Võ Thành Trung, giám đốc dự án cho biết kịch bản clip 9 phút này do phía Việt Nam xây dựng, phần hình ảnh do đội ngũ làm phim của đài truyền hình NBC Mỹ thực hiện. Người Việt viết kịch bản, nghĩa là chúng ta chủ động trong việc chọn lựa sẵn một danh sách các bối cảnh, sự kiện, chương trình khác nhau để người Mỹ đến ghi hình.

Dĩ nhiên, đây là những hình ảnh đẹp nhất được chọn lọc. Những cảnh kiểu như các hoa hậu phe phẩy quạt giấy vì trời quá oi bức trên sân khấu tạm, người dân chen chúc xô bồ trước hàng rào bảo vệ trong chương trình Hoa hậu Hoàn vũ với phố cổ Hội An, chẳng có cơ hội được vào 9 phút phim đó.

Cảnh hoa hậu các nước đứng chen nhau trông như bán hàng tại buổi bán đấu giá làm từ thiện ở khách sạn Sheraton, cảnh từng hoa hậu diễu qua trước mặt quan khách rồi dồn nhau đứng trong góc chật chội tại một buổi đấu giá khác, càng không thể tìm thấy trong đoạn clip ngắn ngủi này...

Và mới đây nhất, cảnh khán giả lũ lượt kéo về khi chương trình biểu diễn áo tắm Nữ hoàng Vinpearl đêm 2/7 ở Nha Trang vẫn còn đang diễn ra nóng bỏng trên sân khấu, cũng là hình ảnh mà không ống kính máy quay nào dám lia vào. Khán giả bỏ về vì ngồi quá xa, thậm chí người có vé VIP cũng phải ra ngồi giữa lối đi vì ghế đã bị người đi sớm hơn chiếm mất !

"PR" cùng hoa hậu
Là nơi tổ chức chính của cuộc thi, nhưng Khánh Hòa không thể nào kịp nâng cấp cảng hàng không Cam Ranh để đón hoa hậu. Xe đón thí sinh được đưa sát vào cầu thang máy bay để hạn chế việc các người đẹp phải nhìn thấy cảnh xập xệ của nhà ga địa phương nơi diễn ra cuộc thi sắc đẹp lớn nhất nhì hành tinh. Con đường hoa từ sân bay về Nha Trang được hứa sẽ hoàn tất để đón hoa hậu cũng đã để dở dang. Chỉ một cơn mưa, đoạn đường gần Trung tâm hội nghị Hoàn vũ, nơi diễn ra ba đêm thi chính đã ngập nước.

Chúng ta có quyền đưa ra hình ảnh đẹp nhất của mình và chủ động khi nào đưa cho người Mỹ mang đi. Nhưng chúng ta đã bị động trong hoàn cảnh phải tổ chức cuộc thi cho bằng được với quỹ thời gian gấp gáp, bị mất ưu thế chủ nhà trong nhiều hoạt động. Đến thời điểm này, ông Lê Xuân Thân, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, chỉ chắc chắn buổi đăng quang sáng 14/7 sẽ được phát hình lại vào tối cùng ngày, còn việc có truyền hình trực tiếp trên sóng đài truyền hình trong nước phục vụ công chúng hay không thì chưa dám khẳng định.

Chúng ta bỏ hàng chục triệu USD để tổ chức cuộc thi, trong đó có quyền được nhận sóng truyền hình trực tiếp, công chúng có quyền được thưởng thức những gì diễn ra trên đất nhà mình. Cái cụ thể có trong điều khoản hợp đồng còn chưa chắc, thì việc hình ảnh đất nước được quảng bá thế nào là chuyện khá xa xôi, mơ hồ.

Cơ hội quảng bá mất ngay trong tầm tay?

Nếu cho rằng chi phí tổ chức cuộc thi trên dưới 20 triệu USD không đắt cho cái vô giá là hình ảnh Việt Nam được tiếp thị đẹp đẽ ra bên ngoài, thì hẳn những sự kiện làm nóng như biểu diễn áo dài, trang phục truyền thống, áo tắm v.v... là những món tặng kèm thêm cho chúng ta tùy nghi sử dụng?

Thực ra, chúng ta đang bỏ tiền bày ra cuộc chơi với sự tham gia của người Mỹ cùng công nghệ tổ chức của họ. Phần việc nào người Mỹ làm (chụp ảnh thí sinh, làm thẻ tác nghiệp cho báo chí...), họ chủ động tiến hành độc lập, không để người Việt nhúng tay vào, và đã làm suôn sẻ. Còn những sự kiện có sự tham gia của một số đối tác Việt Nam, người Mỹ sòng phẳng không can thiệp, dù không phải họ không thấy nhiều điểm có thể điều chỉnh.

Quảng bá hình ảnh VN "Tự hào là đất nước đăng cai HHHV 2008"

Công nghệ tổ chức sự kiện, biểu diễn của Mỹ và Việt Nam đang được đặt cạnh nhau và cho thấy sự chênh lệch đáng kể. Đó là sự lý giải vì sao có những hạt sạn trong những sự kiện như kể ở trên. Nhưng phía bạn đâu đã thể hiện chiêu thức gì nhiều. Tất cả phần việc của họ vẫn còn nằm ở phía trước, trong đêm trình diễn chung kết, đêm phúc khảo và buổi đăng quang tại cung trình diễn Hoàn vũ.

Nếu những sự kiện làm nóng vừa qua được tiến hành rải rác khắp các địa phương, thì giờ đây, tất cả những sự kiện quan trọng cuối cùng đã tập trung về Khánh Hòa... Cờ đã đến tay địa phương này. Ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết sẽ tận dụng cơ hội để quảng bá cho địa phương nói riêng và cả nước nói chung, nhưng đồng thời vẫn chọn cách mà địa phương cho rằng tốt hơn - “hữu xạ tự nhiên hương”!

Xem ra, những phần việc cụ thể trước mắt dù chưa tiến hành, cuộc thi chưa đến hồi kết, pháo hoa ăn mừng chưa bắn lên bầu trời Nha Trang, thì cũng nên chuẩn bị dần cho việc phân tích “hậu Hoa hậu Hoàn vũ 2008”, xem chúng ta học được gì, thu được gì và những gì đã vuột qua tầm tay. Bởi, điều chúng ta mong muốn sau cuộc thi là hái được những kết quả đẹp, dù quá trình leo lên cây hái quả không tránh khỏi những lúc sơ suất hay gặp phải những cành cao khó trèo.

Cái cụ thể kiểu như nhà hát hơn 7.500 chỗ to nhất Việt Nam thu được sau cuộc thi, có lẽ chỉ để dành cho đơn vị... làm kỷ lục đến xác lập. Còn lợi ích từ việc hình ảnh đất nước được quảng bá như thế nào trong và sau cuộc thi, dù khá khó nắm bắt hơn cái nhà hát kia, mới là điều mà tất cả chúng ta chờ đợi.
 
Nguyễn Tiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm