Vì sao Mỹ muốn tái gia nhập UNESCO?

29/06/2023 18:00 GMT+7 | Tin tức 24h

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có những bước đi cần thiết trong nỗ lực để tái gia nhập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Đây là một trong những mục tiêu đối ngoại quan trọng của tổng thống Biden kể từ khi ông nhậm chức hồi năm 2021 đến nay.

Từ sự kiện Mỹ rời UNESCO

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) được thành lập vào tháng 11/1945 và chính thức đi vào hoạt động năm 1946. Hiện tổ chức này có 193 thành viên và 12 quan sát viên. Ngoài trụ sở chính tại Paris, Pháp, UNESCO còn có hơn 50 văn phòng, viện và trung tâm trực thuộc tại nhiều nơi trên thế giới.

Sau hơn 75 năm chính thức đi vào hoạt động, có thể nói UNESCO đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhân loại, như góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nhân loại; xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp; chia sẻ, phổ biến tri thức, tiến bộ của khoa học công nghệ nhằm mục tiêu "Không ai bị bỏ lại phía sau".

Vì sao Mỹ muốn tái gia nhập UNESCO? - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 216 Hội đồng Chấp hành của UNESCO, ngày 15/5 tại Paris. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, trong hành trình hơn 75 năm qua, UNESCO cũng đối mặt với nhiều thách thức, như khó khăn về nguồn lực, bao gồm nhân lực và tài chính để triển khai các chương trình, dự án. Bên cạnh đó, có một thực tế là xu hướng các nước đưa những vấn đề chính trị nhạy cảm vào chương trình nghị sự của UNESCO và các tổ chức trực thuộc ngày càng rõ hơn.

Quan hệ giữa Mỹ và UNESCO đã trải qua nhiều trắc trở trong 4 thập niên qua. Mỹ đã từng rời khỏi UNESCO năm 1983 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan nhưng cựu Tổng thống George W. Bush đã đưa nước này tái gia nhập vào năm 2002. Đến năm 2017, Tổng thống Donald Trump một lần nữa tuyên bố rút Mỹ khỏi UNESCO với lý do tổ chức này bất công với Israel. Khi tuyên bố rút khỏi UNESCO năm 2017, phía Mỹ cho rằng có hai nguyên nhân chính: "Thứ nhất đó là các khoản nợ quá hạn của UNESCO kể từ năm 2011 khi tổ chức công nhận Palestine là một nước thành viên. Thứ hai là sự chính trị hóa đã làm tổn hại công việc của UNESCO".

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, dù viện dẫn nhiều lý do, song sự không hài lòng lớn nhất của Mỹ dành cho UNESCO có lẽ chính là cách tổ chức này nhìn nhận Israel. Israel và chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump đã nhiều lần tỏ ra không hài lòng về các quyết định của UNESCO trong đó có việc xếp thành cổ Hebron ở khu bờ Tây bị chiếm đóng vào danh sách di sản thế giới thuộc Palestine (tháng 10/2017)… Vì phản đối quyết định này nên cả Israel cũng tuyên bố rút khỏi UNESCO năm 2017, cùng với Mỹ.

Mỹ đã hoàn tất tiến trình rút khỏi UNESCO vào năm 2019. Trước khi rút lui, Mỹ là nước đóng góp nhiều kinh phí hoạt động của UNESCO, chiếm khoảng 1/5 tổng kinh phí hằng năm, do đó, sự vắng mặt của Mỹ đã một phần nào khiến tổ chức này rơi vào tình trạng bất ổn về tài chính và không còn cách nào khác là phải "thắt lưng buộc bụng" trong các chương trình và xoay xở vận động các nguồn tài trợ tự nguyện từ các quốc gia khác để lấp đầy khoảng trống mà Washington bỏ lại.

Vì sao Mỹ muốn tái gia nhập UNESCO? - Ảnh 2.

Nguồn: ITN

Đến nỗ lực gia nhập trở lại

Kể từ khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Biden đã bày tỏ ý định tái gia nhập UNESCO. Tháng 3/2023, khi dự thảo ngân sách cho năm tài khoá 2024 được công bố, ý định này tiếp tục được bộc lộ rõ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề nghị khoản tiền 150 triệu USD trong ngân sách năm 2024 để thanh toán cho các khoản nợ và phí cho UNESCO từ năm 2011-2017 và sẽ tiếp tục đề nghị khoản tiền tương tự cho các năm tiếp theo cho đến khi trả hết khoản nợ 619 triệu USD. Đồng thời, Mỹ dự kiến sẽ phải chi 100 triệu USD/năm nếu muốn duy trì tư cách thành viên được bỏ phiếu của UNESCO. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Bass nhận định việc tái gia nhập UNESCO sẽ giúp Washington gia tăng vị thế cạnh tranh toàn cầu.

Trước đó, khi đặt mục tiêu gia nhập trở lại UNESCO, năm 2022, giới lập pháp Mỹ đã thông qua dự luật phân bổ hơn 500 triệu USD cần thiết để trả các khoản nợ cho UNESCO-điều kiện tiên quyết giúp Washington quay lại tổ chức này.

Tiếp đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã gửi một lá thư tới UNESCO vào ngày 8/6/2023 về việc đề nghị tái gia nhập tổ chức này sau hơn 5 năm Mỹ rút khỏi dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nêu rõ việc Mỹ gia nhập lại UNESCO cần phải có sự đồng ý của các thành viên hiện tại của tổ chức này và Mỹ hiểu rằng ban lãnh đạo UNESCO sẽ chuyển đề xuất của Mỹ tới các thành viên.

Dự kiến, đơn xin gia nhập của Mỹ sẽ được quyết định trong một cuộc bỏ phiếu giữa các quốc gia thành viên của UNESCO vào tháng 7 tới. Mỹ sẽ phải vượt qua cuộc bỏ phiếu của toàn bộ 193 quốc gia thành viên về tư cách thành viên, do đó Mỹ sẽ cần có các hoạt động vận động hành lang với các nước thành viên vì Mỹ này có thể còn hướng tới trở thành thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc vận động hành lang của Mỹ được cho là sẽ diễn ra suôn sẻ bởi trước đó đã có nhiều quốc gia hoan nghênh quyết định quay trở lại UNESCO của Mỹ và điều này có thể nói là hiển nhiên khi Mỹ là quốc gia đóng góp tài chính lớn cho tổ chức này.

Nhưng trước hết, điều Mỹ cần phải làm trong nỗ lực tái gia nhập UNESCO là nước này phải thanh toán kinh phí đóng góp đã nợ trong những năm qua. Từng là nhà tài trợ lớn nhất của tổ chức UNESCO, quyết định gia nhập trở lại của Mỹ được kỳ vọng sẽ mang lại đóng góp tích cực hơn cho cộng đồng quốc tế về giáo dục, văn hóa và khoa học. Quyết định tái gia nhập tổ chức UNESCO của chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng được xem là bước đi cụ thể hóa chiến lược mở rộng hợp tác quốc tế vốn là ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Biden, ngay từ khi ông nhậm chức. Trước đó, Mỹ đã trở lại một số tổ chức mà nước này rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump, trong đó nổi bật là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm