Cựu cầu thủ Thể Công và 'cái buổi ban đầu lưu luyến ấy'

24/12/2016 08:04 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cho đến chiều ngày 8/11/1965, 18 cầu thủ trẻ được gọi nhập ngũ đã có mặt đầy đủ. Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ buổi chiều đầy kỷ niệm ấy, chúng tôi hồi hộp chuẩn bị đón đồng đội.

Chỉ cách làng Đại Tự 20km nên những người có mặt đầu tiên là tốp Hà Nội với 5 cầu thủ. Đó là hậu vệ biên phải Dương Mạc Phan, một anh chàng người cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai trông hiền lành như học trò. Ấy vậy mà khi vào sân chơi rất “rắn”, khá phù hợp với biệt danh Phan “phủi”(!?). Biệt danh này có từ lâu rồi bởi cậu chàng thường trốn nhà ra sân “Bát Tơ”, một sân khá rộng ở cạnh vườn hoa Pasteur, nơi hội ngộ của các đội “phủi” khu vực Nguyễn Công Trứ - Chợ Giời  để quần thảo trái bóng nên bạn bè đặt cho biệt danh ấy.

Tiếp đến là một anh chàng béo, đen, người chắc như “cua gạch” cũng chuyên đá hậu vệ là Hoàng Nghĩa Long. Cậu này khá đặc biệt vì có cặp giò to nhưng 2 bắp chân lại nhỏ, thon, gọn như cặp giò các cầu thủ Nam Mỹ.

Cậu này có tốc độ guồng chân cực nhanh và đứng vị trí chiến thuật rất khôn ngoan nên khó có tiền đạo nào qua được. Cậu ta có biệt danh Long “Phù” do đậm người và có gương mặt béo tốt.

Người thứ 3 từ Hà Nội đến nhưng làm chúng tôi há hốc mồm ngạc nhiên vừa nể, vừa ngại vì sự già dặn và dáng vẻ “tay chơi” ngang tàng, bất cần đời của hắn. Ngày ấy, quần “loe”, áo “chim cò” là mốt dành cho các thanh niên ngang ngạnh, ương bướng Hà Nội chứ mấy ai dám diện ra đường. ngay các anh đội 1 Thể Công đi ĐTQG về còn không dám mặc nữa là…

Vậy mà ở ngày trình diện, cậu trai cao lớn này điềm nhiên xuất hiện với bộ quần áo đặc biệt cùng mái tóc dài chấm gáy theo mốt thanh niên châu Âu. Nhìn thấy chú Mười và chú Cảnh, hắn cất tiếng ồm ồm khiến cả đội trố mắt khi nghe giọng miền Nam: “Cháu chào chú Mười và… anh Cảnh (HLV Nguyễn Minh Cảnh)” rồi ngồi xuống cái ghế trống, không nhìn ai cũng không nói với ai một lời.  

Đó là Nguyễn Thanh Giang, một nhân vật đặc biệt của lớp Thể Công 65. Cậu ta sinh ra ở Tiền Giang, theo bố mẹ tập kết ra Bắc năm 1954 và đến với Thể Công trong vai trò một trung vệ đầy triển vọng.

Thể Công trong trái tim tôi: Đồng đội của tôi - Thể Công 'lớp 65'

Thể Công trong trái tim tôi: Đồng đội của tôi - Thể Công 'lớp 65'

Tôi nghĩ cần thiết phải dành dung lượng bài báo để kể về lớp Thể Công nhập ngũ 1965 của chúng tôi, với thông điệp ngoài đây là lứa cầu thủ xuất sắc, còn phải kể đến tâm huyết các vị thầy đáng kính trong việc đi tìm nhân tài bóng đá.

16 tuổi, cao 1m72, Giang có tốc độ nhanh, dũng cảm đã vào sân là thi đấu quyết liệt không ngán ngại bất cứ đối thủ nào. Trông vẻ bất cần đời và ngang ngạnh nhưng sau này sống chung cùng nhau, chúng tôi rất mến vì Giang nóng tính, rất nhạy cảm, phản ứng tức thời mọi vấn đề nhưng luôn thẳng thắn chẳng hay để bụng điều gì.

Về tinh thần tập luyện và thi đấu thì khỏi chê, Giang là mẫu cầu thủ có sức chịu đựng bền bỉ và dũng cảm khi đối diện với những tình huống nguyy hiểm. Khi đã quen thân, cả đội gọi hắn là Giang “Miền Vô”, hay Giang “đù”.

Một gương mặt điển trai nữa cũng đến từ Hà Nội là Nguyễn Cường Pháp, một hậu vệ phải có lối chơi kỹ thuật đẹp mắt, hào hoa. Anh chàng này rõ là dân Hà Nội vì nhìn bề ngoài rất thư sinh, ăn nói nhẹ nhàng và dáng vẻ rất công tử.

Nguyễn Cường Pháp tỏ ra rất khôn ngoan trong giao tiếp, vậy mà không hiểu tại sao lại có cái biệt danh Pháp “ngớ”? Người cuối cùng từ Hà Nội gia nhập Thể Công 65 buổi chiều 8/11 là thủ môn Nguyễn Văn Lễ. Anh ta là của quý vì đợt tuyển chọn cho Thể Công năm ấy chỉ một mình Lễ trúng tuyển ở vị trí thủ môn.

Đợt tuyển chọn cầu thủ năm ấy không có duyên cho vị trí gác thành, rất nhiều người tham gia tuyển chọn nhưng ai bắt hay thì lại không đủ chiều cao (phải trên 1m70 mới đủ tiêu chuẩn), người đạt yêu cầu về chiều cao lại rất vụng về, do đó ban huấn luyện quyết định chọn 1 người trước và tiếp tục tìm kiếm, bổ sung sau. Nguyễn Văn Lễ giải nghệ sớm do chấn thương.

VMH
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm