Về bức ảnh "Học đánh chiêng": Hạn chế là ở việc đặt tên bức ảnh

11/12/2012 12:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trước các ý kiến về bức ảnh Học đánh chiêng, TT&VH đã liên hệ với ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông Khánh cho biết:

“Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đưa ra tiêu chí: Thứ nhất, ảnh được các giải trong năm của hội viên được tham gia vào xét giải xuất sắc; thứ hai là mỗi hội viên có quyền gửi một tác phẩm mình yêu thích nhất để xét giải thưởng. Năm nay tổng hợp có khoảng 300 tác phẩm tham gia, trong đó có tác phẩm Học đánh chiêng của Bảo Hưng, tác phẩm trước đó được giải khuyến khích khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên.

Trong gần 300 tác phẩm, Hội trao được gần 40 tác phẩm xuất sắc, trong đó có một cúp vàng, 5 giải A, hơn 10 giải B và hơn 10 giải C. Như vậy số lượng giải này là không ít, mang tính như là một sự động viên cho anh em nghệ sĩ sáng tác. Nói thế để thấy giải xuất sắc này không phải là giải gì quá ghê gớm, nó như một đợt "xét lại" để động viên các nghệ sĩ tham gia vào các chương trình sáng tác của các năm tiếp theo.


Ông Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam

Về bức ảnh của Bảo Hưng, tại sao nghệ sĩ Dương Thanh Xuân, Chi Hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phú Yên lại có các ý kiến phản hồi như vậy? Theo tôi, anh Xuân là một nhà báo, một người có nghề nên cách suy nghĩ của Xuân mang tính báo chí nhiều hơn. Dương Thanh Xuân muốn yếu tố "ghi thực" nhiều hơn. Bởi đã là nhà báo sẽ quan tâm nhiều đến 2 yếu tố của ảnh là nội dung ảnh và chú thích ảnh, nói nôm na là tin của ảnh đó. Dương Thanh Xuân đứng ở góc độ đó, tôi cho rằng không sai.

Tuy nhiên, nói về tác phẩm này thì có mấy yếu tố để xét vào giải B, cụ thể:

Với ảnh báo chí nhất định phải xem chú thích ảnh, không có chú thích ảnh sẽ không đảm bảo tính báo chí. Nhưng đã là nghệ thuật thì không phải lúc nào người xem cũng xem chú thích ảnh, bởi người ta cảm nhận rất nhiều từ tác phẩm đó thông qua nội dung của ảnh. Với ảnh nghệ thuật, có những bức ảnh là phong cảnh, nội dung chung chung, tác giả chỉ "đặt tên" là Chiều buông, Hạ nắng, Sương sớm... nên khi chấm các tác phẩm nghệ thuật theo một thói quen, nhiều khi các nghệ sĩ không cần để ý đến chú thích ảnh, không xem nặng chú thích ảnh.

Khi xem tác phẩm của Bảo Hưng, mọi người nhận thấy yếu tố dí dỏm. Trong ảnh, vẻ mặt ông cháu rất vui vẻ, đó là một cộng đồng nhỏ bé của "gia đình Tây Nguyên", người ta thấy được tính chất của Tây Nguyên. Nhưng cái hay của ảnh không phải ở chiếc chiêng, đó chỉ là yếu tố phụ, cái hay ở hình ảnh ông già để tay lên chiếc chiêng như là đấm chiêng và cháu bé dùng tay mình như gõ lên đầu ông, xung quanh là những đứa trẻ đang nhìn lên tươi cười.

“Tác giả không nghĩ sâu xa chuyện xoay quanh chữ "học" đó, mà chỉ đề cập đến chuyện ông kể về việc đánh chiêng ra sao”.

Tôi cho rằng đây là bức ảnh tốt về nội dung, khoảnh khắc, chi tiết và bố cục chung. Không những thế nó còn rất dí dỏm, một bức ảnh tạo được sự dí dỏm, niềm vui, nụ cười cho người xem không dễ, không phải ai cũng làm được.

Vậy "hạn chế" của ảnh ở chỗ nào? Sự hạn chế chính là ở một chữ "học". "Bệnh" của nghệ sĩ Việt Nam là ảnh ở một "tầm" này lại muốn thổi nó lên một "tầm" khác, mang tính đại ngôn. Họ muốn hoành tráng hơn, biểu trưng hơn, để nội dung mang tính chính thống nhiều hơn. Họ không coi nó là một tác phẩm đời thường, như nội dung bức ảnh của Bảo Hưng thể hiện là việc "vui chơi" thì lại đặt tên là "học". Tôi khẳng định đó không phải là việc "học". Điều hạn chế của tác giả là cố gắng "thổi" ảnh của mình cao hơn nữa, vượt hơn nội dung ảnh thể hiện. Đồng thời đó cũng là hạn chế của giám khảo khi không đề nghị tác giả sửa tên bức ảnh đó.

Tôi nghĩ, chữ "học" trong tên ảnh chỉ cần đặt trong ngoặc kép thì người xem sẽ không suy diễn. Đây là một cuộc chơi của gia đình, đã là vui chơi thì cần thoải mái. Tác giả không nghĩ sâu xa chuyện xoay quanh chữ "học" đó, mà chỉ đề cập đến chuyện ông kể về việc đánh chiêng ra sao. Ý tác giả ở đây rằng là ông với cháu "học" theo kiểu dân gian, chứ không phải học theo cách quy chuẩn, trường lớp.

Tóm lại, giải thưởng này không đáng phải tranh cãi”.

Mạnh Cường (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm