11/12/2012 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tháng 11/2012, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam công bố giải thưởng thường niên. Tuy nhiên, câu chuyện “nóng” trong giới nhiếp ảnh suốt một tuần nay với nhiều ý kiến cho rằng dù khá phi lô-gic, tác phẩm Học đánh chiêng của tác giả Bảo Hưng (Đắk Lắk) vẫn được trao giải B…Vậy sự thực thế nào? Nên tiếp cận với “tính hiện thực” của bức ảnh nghệ thuật này ra sao? Để rộng đường dư luận TT&VH đã ghi lại ý kiến của một số nghệ sĩ nhiếp ảnh cùng ý kiến của ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Trước Giải thưởng Nhiếp ảnh 2012 của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) VN Học đánh chiêng từng giành giải Khuyến khích Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên lần thứ 17.
Không ai úp chiêng xuống mà đánh như thế!
Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Dương Thanh Xuân là người từng nhận giải Nhất cuộc thi Khoảnh khắc vàng do TTXVN tổ chức năm 2010 cùng nhiều giải thưởng nhiếp ảnh khác. Theo Dương Thanh Xuân, tác phẩm Học đánh chiêng của Bảo Hưng không thuyết phục người làm nghề.
Học đánh chiêng, tác giả Bảo Hưng (Đắk Lắk). Nguồn: VAPA.vn |
Dương Thanh Xuân phân tích: “Trước hết, có lẽ cần bàn về tính hiện thực, một tiêu chí mà bất cứ tác phẩm nhiếp ảnh nào cũng phải tuân thủ. Cồng chiêng là di sản văn hóa của nhân loại và của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Bức ảnh đã chạm được vào đề tài đắc địa này nên dễ nhận được sự ủng hộ.
Tuy nhiên, muốn giới thiệu văn hóa hay bảo tồn văn hóa phải cho đúng cách. Người Tây Nguyên không ai đem úp chiêng xuống rồi dùng tay mà đánh như trong bức ảnh của Bảo Hưng! Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chụp cảnh các chàng trai Ê Đê, Gia Rai… tay xách chiêng, tay nện dùi trong những ngày hội làng rất mạnh mẽ, khỏe khoắn. Khi đánh chiêng, chiêng phải được treo trên dây, xách trên tay hoặc treo vào đòn, hai người khiêng, người đi sau dùng dùi mà đánh, còn úp chiêng xuống mà đánh, có lẽ tôi mới thấy lần đầu!”.
“Lệch” so với văn hóa luật tục
Không những bức hình của Bảo Hưng thể hiện sai về cách đánh cồng chiêng mà còn sai về nội dung tác phẩm muốn thể hiện. Dương Thanh Xuân phân tích thêm: “Việc ông truyền nghề đánh chiêng cho các cháu gái cũng chưa ổn! Đi dự nhiều lễ hội cồng chiêng, tôi thường thấy các chàng trai đánh chiêng, còn các cô gái thì áo váy đẹp đẽ, chân tay nhịp nhàng nhảy múa. Chưa thấy dân tộc nào ở đâu trên đất nước ta, các cô gái xách chiêng mà đánh cả. Cộng đồng xã hội ở các lễ hội Tây Nguyên trong nhiều đời nay đã “quy hoạch” như thế, việc truyền nghề đánh chiêng cho cháu gái trong bức ảnh này có điều gì đó không bình thường”.
“Trong ảnh có ba đứa trẻ. Hai cháu phía trước đích thị là con gái vì có mái tóc dài. Đứa ngồi trên vai ông cụ có mái tóc cắt ngắn không rõ là con trai hay con gái. Nếu là con gái thì không thực tế như đã phân tích trên đây, còn nếu đúng là con trai để ông truyền nghề cho cháu… thì cũng cần phải xem lại. Xem lại ở chỗ ông đã truyền nghề cho cháu sai phương pháp và sai luật tục của người Tây Nguyên. Buồn cười nhất là đánh chiêng phải đánh ngang chứ ai lại từ trên gõ xuống. Đánh như thế chỉ có đánh trống!” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thanh Xuân chỉ rõ những điểm vô lý trong bức hình.
Dương Thanh Xuân chia sẻ: “Hư cấu, dàn dựng để tác phẩm hay hơn, đẹp hơn là cần thiết, nhưng dàn dựng sai thực tế, phi lô-gic như kiểu “học đánh chiêng” là không nên”.
Cách đặt tên cho bức ảnh rất dễ bị hiểu lầm Tôi đi xem nhiều cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật hoặc được một vài đồng nghiệp khoe ảnh mới sáng tác, thú thực là tôi hơi buồn vì rất nhiều ảnh dàn dựng xa rời thực tế quá, thậm chí dàn dựng một cách quá sức khiên cưỡng. Như bức ảnh Học đánh chiêng, về ý tưởng, màu sắc, bố cục… theo tôi là tốt, gắn với hình ảnh một di sản của nhân loại. Nhưng cách dàn dựng và đặt tên cho bức ảnh này rất dễ bị hiểu lầm. Điều đó chứng tỏ người chụp hình chưa nghiên cứu kỹ về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trước khi dàn dựng. Không riêng gì trường hợp này, rất nhiều “tác phẩm” nhân danh “nghệ thuật” mà tôi được xem, cũng bị các “nghệ sĩ nhiếp ảnh” dàn dựng rất thô và quá sai với thực tế. Đành rằng nghệ thuật đôi khi thoát khỏi thực tế, nhưng nghệ thuật không được bóp méo thực tế. Vì nếu như tác phẩm Học đánh chiêng được các bạn trẻ xem thì sự sai lệch sẽ nhân lên rất lớn, bởi không lẽ “học đánh chiêng” là như thế này à? (Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn). |
Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóaĐăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất