VCPMC tận thu cả nhạc cổ điển?

10/08/2010 16:18 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Là đơn vị tích cực đi đầu trong việc lập lại trật tự về bản quyền ở khu vực âm nhạc,  Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) không tránh việc phải đối mặt với không ít vấn đề mới nảy sinh trong lĩnh vực tác quyền. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.

Chuyện là khi Phương Nam Phim, đơn vị được ca sĩ Mỹ Lệ ủy thác quyền phát hành album mới nhất của cô, ghi âm lại chương trình biểu diễn Mỹ Lệ In Symphony. Trong album có 2 bản nhạc cổ điển rất nổi tiếng là: Habanera trích trong vở opera Carmen của nhạc sĩ Pháp George Bizet (1838 - 1875) và Solveig’s song, sáng tác của nhạc sĩ Na Uy Edvard Grieg (1843-1907), lời gốc của nhà văn, nhà soạn kịch Na Uy Henrik Ibsen (1828-1906). Hai bản này, chiếu theo Công ước Berne về bản quyền (mà Việt Nam đã tham gia), và theo cả luật pháp của các nước Pháp và Na Uy về thời hạn bảo vệ bản quyền thì đều đã qua thời hạn bảo vệ, đã trở thành tài sản chung của nhân loại (Công ước Berne quy định tác phẩm hết thời hạn là 50 năm sau khi tác giả qua đời; với Pháp và Na Uy thời hạn đó là 70 năm). Hai bản nhạc này cũng như nhiều tác phẩm cổ điển khác được trình diễn khắp nơi trên thế giới và trong phần bản quyền tác giả vẫn được ghi chú là public domain (phạm vi sử dụng công cộng). Bản quyền trong trường hợp này chỉ áp dụng với tác phẩm phái sinh (viết lời khác, chuyển thể…) và các quyền liên quan tới bản ghi (ghi âm, ghi hình).

Tuy nhiên, khi người phụ trách việc xin phép của Phương Nam Phim lên làm việc với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) khu vực phía Nam, thì người của Trung tâm nhất định đòi thu phí bản quyền tác giả gốc của hai bài hát trên. VCPMC đưa ra tên chủ sở hữu của bài Habanera là Morgan Pochin Music Productions (không ghi tên quốc gia) và đồng sở hữu là David Platz Music (Australia) và chủ sở hữu của bài Solveig’s song là Haenssler-Verlag Friedrich Haenssler Kg (thành viên của GEMA, tổ chức bảo vệ và đại diện quyền tác giả của Đức). Nếu không đóng tiền bản quyền cho hai bài nhạc cổ điển này thì VCPMC sẽ không chịu ký hợp đồng bản quyền, dẫn tới việc xin phép phát hành sẽ trục trặc và mất thời gian.

Thấy có những điều không ổn, khuất tất trong yêu cầu nói trên, các trợ lý của ca sĩ Mỹ Lệ đã phải tạm ngưng việc xin phép hai bài hát trên để tìm hiểu nguồn gốc, nếu có trường hợp các bài hát này có chủ sở hữu tác quyền mới, họ sẵn sàng giao dịch trực tiếp. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, họ đã phát hiện ra rằng các chủ sở hữu mà VCPMC liệt kê ra chỉ là các tác giả bản ghi âm, nói cách khác, chỉ sở hữu bản quyền bản ghi, bản hòa âm mới. Cụ thể, Morgan Pochin Music Productions, đại diện là nhạc sĩ hòa âm Morgan Pochins sở hữu bản quyền bản phối khí mới ca khúc Habanera trong album Première của ca sĩ người Anh Katherine Jenkins, xin nói rõ đây là bản phối khí mới hoàn toàn, mang phong cách nhạc nhẹ, trong khi bản thu của Mỹ Lệ sử dụng bản nhạc nền gốc; với bài Solveig’s song, VCPMC còn tự thêm một cái tên khác vào phần tên tác giả nhạc là Claude Rippas, trong khi người này chỉ là một nghệ sĩ trompet, đã từng biểu diễn bản nhạc này và đĩa nhạc được hãng Hanssler (Đức) phát hành. Tóm lại, Haenssler-Verlag Friedrich Haenssler Kg chỉ là đại diện sở hữu bản quyền bản ghi âm hòa tấu bài Solveig’s song có phần tham gia của Claude Rippas chơi trompet chứ không hề sở hữu quyền tác giả của bài hát này.

Vậy tại sao VCPMC lại đòi thu phí? Dựa trên sự ủy thác hay điều khoản nào để thu phí các bản nhạc cổ điển này? Trước đây, những khoản tiền “trót” được nộp cho các bài cổ điển giờ đi về đâu? Đó là những câu hỏi cần được trả lời cho thỏa đáng.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết sẽ trao đổi lại với chi nhánh phía Nam về trường hợp ca sĩ Mỹ Lệ. Ông khẳng định: "Với ca khúc đã được ca sĩ mua của tác giả, mà tác giả đó chưa ký hợp đồng bảo hộ với trung tâm, tôi khẳng định trung tâm không bao giờ giữ lại tiền, dù trước đó có nhầm lẫn, bởi vì chúng tôi đã số hóa ngân hàng dữ liệu tác giả - tác phẩm để tiện theo dõi".
Một vấn đề nữa là việc VCPMC thu phí bản quyền của cả những nhạc sĩ không hề có hợp đồng ủy thác với Trung tâm. Lẽ ra, khi một ca sĩ hay một hãng sản xuất đưa danh sách bài hát lên, Trung tâm phải kiểm tra danh sách xem những nhạc sĩ nào có hợp đồng ủy thác với mình thì mới thu, còn không thì để các bên tự giải quyết. Nhưng vẫn trong album nói trên của ca sĩ Mỹ Lệ, có một bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam sáng tác riêng cho Mỹ Lệ, bài Ngày mới, ca sĩ Mỹ Lệ cũng đã thanh toán tiền bản quyền ca khúc này, giữa họ có thỏa thuận cho phép sử dụng tác phẩm, thế nhưng bài Ngày mới cũng “bị” liệt vào trong danh sách thu tiền, trong khi Nguyễn Công Phương Nam chưa từng ký hợp đồng ủy thác tác quyền với VCPMC. May mà ngay sau đó nhóm trợ lý phát hiện ra điều này và rút bài hát ra khỏi danh sách ký hợp đồng tác quyền với VCPMC.


Nguyễn Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm