Vấn nạn chất kích thích: Khi doping trở thành tôn giáo

19/07/2008 17:00 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Online) - Đúng ngày này cách đây 20 năm trước, Florence Griffith-Joyner làm rúng chuyển thế giới khi vượt qua cự ly 100 m chỉ trong 10,49 giây. Đó là kỷ lục được thiết lập ở vòng tứ kết của Giải Trials (Mỹ), phản ánh lung linh nhất của thời kỳ vàng son trong môn điền kinh nữ.
 
Trong thời kỳ đó, các nước thuộc Liên Xô và các nước Đông Âu cũ cùng với các chị em họ nhà Joyner đã “tàn phá” hàng loạt các kỷ lục thế giới. 20 năm sau, 13 trong số 24 kỷ lục thế giới quan trọng được lập nên ở thời kỳ đó vẫn chưa bị phá vỡ. Sự tiến triển của thể thao, đặc biệt đối với phái nữ, và lý trí đã đặt ra sự nghi ngờ với những kỷ lục nói trên, nhất là nếu so sánh chúng với môn bơi nữ, khi chỉ có hai kỷ lục thế giới được duy trì từ thế kỷ trước hoặc với môn điền kinh nam, nơi chỉ có hai kỷ lục thế giới tồn tại từ năm 1980 đến nay.
 
Thời kỳ đen tối
 
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tiếp Florence Griffith-Joyner
tại phòng Bầu dục ở Nhà trắng sau thành công ở Olympic 1988 tại Seoul, Hàn Quốc
 
Grifith bước vào tuổi 28 năm 1988. Những kỷ lục trước của cô trong môn chạy 100 m chưa bao giờ nằm trong số 40 thành tích tốt nhất thế giới, còn trong cự ly 200 m, chưa bao giờ được nằm trong Top 20. Griffith đã từng giành huy chương bạc thế giới cự ly 200 m trước đó một năm và là thành viên của đội chạy tiếp sức 4x100 mcủa Mỹ. Tuy nhiên, năm 1988, thành tích của cô ở cự ly 100 m đã giảm gần nửa giây (10,49) và gần bảy phần mười giây ở cự ly 200 m (21,34). Cho đến nay, các kỷ lục này vẫn còn trinh nguyên và không có một vận động viên nào có thể mân mê nó.

Kỷ lục chạy 100 m hình như rõ ràng có tác động của gió và chỉ có một sai lầm về đo đạc mới có thể nói tác động của gió bằng không. Trên băng video đường chạy của trường Đại học Indiana còn có thể nhìn thấy gió làm rung mái tóc của Griffith huyền thoại vào lúc đó như thế nào. Ngoài ra, có thể nhận rõ sự bùng nổ về thể lực của Griffith vào năm đó, cùng với khối cơ bắp cuồn cuộn đã đưa nữ vận động viên người Mỹ này thiết lập được bốn trong năm kỷ lục tốt nhất mọi thời đại chỉ trong hai tháng của năm 1988, giữa Giải sát hạch (Trials) và Thế vận hội. Chưa bao giờ trước và sau đó lại có một kỷ lục tương tự.

Cái chết đột ngột của Griffith năm 1998 làm tăng những lời đồn đoán về khả năng cô dính doping từ một thập kỷ trước. Hôm nay, người ta vẫn không thể biết điều gì đã xảy ra với nữ vận động viên này. Jackie Joyner-Kersee, người chị họ của Griffith, đã lập kỷ lục thế giới ở bảy môn phối hợp và cho đến nay vẫn chưa ai phá nổi.

Bức màn kỷ lục
 
Bộ sưu tập những huy chương và kỷ lục của Florence Griffith-Joyner

Cùng với Mỹ, chính những nước trong khối Đông Âu là những quốc gia nổi nhất về điền kinh trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Chín kỷ lục thế giới nữ còn giá trị đến nay có nguồn gốc từ Đông Đức, Tiệp Khắc, Bungaria và Liên bang Cộng hoà Xô Viết. Các trường hợp doping đã được phát hiện và chứng minh tại Cộng hoà Dân chủ Đức, nhất là trong môn bơi lội. Một số người đã chịu hậu quả khủng khiếp: nữ kình ngư Christiane Knacke-Sommer đã ném Huy chương Đồng tại Olimpic Moscow 1980 xuống đất giữa phiên xử các bác sỹ của CHDC Đức và buộc tội họ “đã phá huỷ thân thể và đầu óc các vận động viên”; Rica Reinisch, ba lần vô địch Olimpic bơi lội, đã phải mổ u buồng trứng do bị tiêm các chất testoterone; hay trường hợp đáng chú ý nhất là Heidi Krieger, nữ vận động viên ném tạ đã nhiều lần tiêm hooc-môn đàn ông đến mức không còn cảm thấy mình là phụ nữ nữa và đã đổi giới từ năm 1998. Hôm nay, tên của Heidi Kriger giờ đã đổi thành Andreas Drieger và “anh” đang đấu tranh đòi được bồi thường.

Những cơ thể cực kỳ cường tráng của Jarmila Kratochivilova, nhà vô địch thế giới nhiều lần môn điền kinh, hay những kỷ lục không thể phá bỏ như 47,60 giây cự ly 400 m của Marita Koch buộc người ta phải nghĩ tới việc sử dụng doping... Tuy nhiên, chỉ có một nữ vận động viên của CHDC Đức trong thời kỳ đen tối đã bị phát hiện dương tính với chất kích thích là nữ vận động viên ném tạ Slupianek.

Không nên đổ lỗi tất cả cho doping

Mặc dù vậy, không nên cho rằng mọi thành tích của cỗ máy điền kinh đến từ Đông Âu trong những năm 80 chỉ là do kết quả của doping. Manuel Pascua Piqueras, huấn luyện viên huyền thoại của các vận động viên đồng thời là cuốn bách khoa toàn thư về điền kinh, khẳng định “doping vào thời đó là một lĩnh vực khó xác định...” vì trên thực tế cho đến nay chẳng ai chứng minh được gì cả. Liên đoàn Điền kinh quốc tế có quyền huỷ bỏ tất cả những kỷ lục nói trên với sự thay đổi của thế kỷ nhưng họ đã không làm việc đó. Họ có thể phân ra hai loại kỷ lục, bằng cách cũng công nhận các kỷ lục được thiết lập trong thế kỷ 21, khi mà các biện pháp kiểm tra rõ ràng đã được tăng cường.

Piqueras nằm trong số ít người ở Tây Ban Nha hiểu rõ các phương pháp huấn luyện của Liên Xô cũ. Sự sụp đổ của bức tường Berlin hình như cũng dẫn đến sự tan rã của một hệ thống được coi là hoàn chỉnh. “Các huấn luyện viên Xô Viết chạy sang Italia, Hy Lạp và Trung Quốc, nhưng chỉ khi Nga khôi phục cho họ thì các kỷ lục cũng mới trở lại.

Theo huấn luyện viên Piqueras, những tiến bộ của Nga trên lĩnh vực y học sinh học là không thể tưởng tượng nổi và 30 năm sau người ta vẫn tiếp tục chứng kiến điều đó. Họ là những người giỏi nhất và hệ thống huấn luyện của họ là thiên tài. “Nếu bạn nhìn vào các kỷ lục thế giới về nhảy sào của Yelena Isinbayeva thì đó chỉ có thể là kết quả tạo ra bởi huấn luyện viên Vitaly Petrov, người đã từng dẫn dắt Sergei Bubka”, ông Piqueras nhấn mạnh.

Do vậy, những cuộc tranh cãi về các kỷ lục trong quá khứ, sẽ chẳng đem lại kết quả gì. Đang tồn tại và sẽ tồn tại những mối nghi ngờ, nhưng nếu chiếc đồng hồ không thể quay ngược lại thời gian thì không ai có thể biết điều gì đã xảy ra ở thập kỷ 80 đen tối, đầy những vận động viên chói sáng nhưng cũng đầy những bí hiểm.
Khang Chi (theo Marca)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm