Văn học thời sự đang ở đâu? (Bài 1)

27/07/2011 07:22 GMT+7 | Đọc - Xem

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, tác giả của những tiểu thuyết “lao thẳng” vào đời sống một thời - Đứng trước biển, Cù lao tràm…, là người chúng tôi nghĩ tới đầu tiên khi thực hiện chuyên đề này. Ông, hay nói đúng hơn, những trang viết của ông và các đồng nghiệp, ở đâu giữa những ngày đất nước đang nóng bỏng những câu chuyện thời sự, có mùi mặn của muối biển, có mùi mặn của mồ hôi, có cái đắng chát của nhiều số phận và có cái bừng bừng của khí thế và khát vọng...? 

Văn học hiện thực, văn học thời sự - một câu chuyện không mới, nhưng những người nói về nó, mổ xẻ nó đang ở trong một tâm thế mới. Họ là những nhà văn nhiều năm cầm bút, là những nhà văn trẻ đang đi những bước đầu trên con đường văn chương và những nhà phê bình với sứ mệnh “quất roi cho con ngựa văn chương vùng lên”.

Tổ chức chuyên đề: PHẠM THỊ THU THỦY


(TT&VH Cuối tuần) - Nếu nhìn cuộc đời của Nguyễn Mạnh Tuấn từ 1980 cho đến 2010, sự nghiệp của ông gần như chia ra làm hai: 15 năm đầu dành cho việc công bố khoảng 10 tiểu thuyết, 15 năm sau viết hơn 500 tập kịch bản. Thế nhưng, xuyên suốt về tư tưởng thì ngòi bút này vẫn trung thành với việc bám sát vào hiện thực trực tiếp, để qua đó, nói lên những lời phê phán, cảnh tỉnh.

Nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn

* Xin vào ngay vấn đề, theo ông, tại sao các nhà văn trẻ tuổi bây giờ ít đề cập đến các vấn đề gai góc của hiện thực?

- Thời của tôi (khoảng 20 năm trước đổi mới), người viết và người đọc cùng đồng hành và ưu tư với các vấn đề thời cuộc. Tôi tạm gọi đây là giai đoạn văn học vị hiện thực, nên người viết không ngại va chạm, sẵn sàng đi vào các vấn đề gai góc. Sau đổi mới, những cây bút lớn tuổi chỉ một số vẫn đi theo con đường của mình đã chọn, còn phần lớn chuyển sang văn học tố cáo. Từ phê phán đến tố cáo, rồi bới móc các góc tối của xã hội và con người, quên mất sự hướng thiện, nên văn chương không thể đi xa được.

Bây giờ người viết đông, giọng văn sinh động, nhưng tiếng nói đồng hành với thời cuộc lại thiếu vắng, vì thời nay không thể viết văn chỉ bằng vốn sống và cảm xúc. Muốn đi vào các vấn đề gai góc, trực tiếp, hay các ngành nghề cụ thể, nhà văn phải có kiến thức căn bản về lĩnh vực đó, phải hiểu mình, hiểu người thì mới không sợ hãi, không hời hợt. Khi thiếu kiến thức về xã hội và nhân vật thời hiện đại, các cây bút trẻ sẽ quay vào trong để viết chuyện “của mình”, coi đó là quan điểm thời thượng, thực ra là che đậy khiếm khuyết.

Cũng có một bộ phận nhà văn vẫn ngụy biện, coi văn chương thuộc về nơi duy mỹ, nên né tránh đặt chân vào hiện thực, chỉ viết về những mơ tưởng riêng tư, cao vời, thoát ly thực tế.

* Do thiếu kiến thức mà tự “co cụm” vào trong hay vì một nỗi sợ thực tế nào khác?

- Phải nói bây giờ việc in sách và xuất bản đã thuận lợi, dễ dàng hơn thời của tôi nhiều chục lần. Vấn đề còn lại là quan điểm cầm bút của nhà văn mà thôi. Các cây bút trẻ thường chạy theo sự thịnh suy của xu hướng và trào lưu, mà ít khi xác định cho mình một quan điểm cầm bút rõ ràng, để vạch lối đi riêng. Mà muốn có quan điểm riêng thì phải có hiểu biết vững vàng để không ảo tưởng hoặc tự ti về công việc của nhà văn. Nỗi sợ chính của những người cầm bút hiện nay, nếu có, là sợ cô đơn, nên không dám tách ra để đi con đường độc lập của mình.

Cũng có những người tách ra, nhưng điểm nhìn không đủ hướng thiện, nên cũng không thể đi xa hoặc tạo thành một vệt rõ nét. Còn phần nhiều, xin nhắc lại, do không đủ kiến thức, nên khi viết chỉ có thể chạm đến cái vỏ của hiện thực, cái diện mạo sơ sài của nhân vật, chứ không thể đạt đến cái lõi của vấn đề hay tính cách của nhân vật. Họ lại bị định hướng bởi câu cửa miệng, nhưng đã lạc hậu, “nhà văn cần vốn sống”, mà ít được khuyến khích việc thu nạp kiến thức, nên biết không đủ để mà viết.

* Ông từ trẻ đã xác định rõ quan điểm cầm bút là để phục vụ đông đảo người đọc, khi văn học mất dần người đọc, ông chuyển sang viết kịch bản phim. Nhìn vào nội dung các kịch bản này, có thể thấy ông chỉ chuyển từ tiểu thuyết chữ sang tiểu thuyết hình, chứ khả năng phê phán hiện thực vẫn được ông đeo đuổi. Điều này phải chăng là sứ mệnh?

- Tôi cầm bút không phải vì tiền, nhưng sống bằng tiền, nên luôn ý thức rõ việc công bố tác phẩm của mình thế nào là có lợi nhất. Lợi ở đây theo hai nghĩa, có đông người thưởng thức (ảnh hưởng đến cộng đồng) và có nhiều nhuận bút (lợi ích của bản thân). Ví dụ như tiểu thuyết Đứng trước biển… tôi bán hơn 160 ngàn bản, đương nhiên lợi hơn việc bán 1 ngàn bản, trong khi phẩm chất tác phẩm thì không có gì thay đổi.


Những tác phẩm hiện thực một thời xôn xao dư luận của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn

Có người viết văn vì muốn chạm đến sự vĩnh cửu, tôi viết văn vì muốn phục vụ xã hội, muốn đồng hành với các vấn đề của thời đại. Khi mà tiểu thuyết 1 ngàn quyển bán hoài không hết, trong khi phim truyền hình có cả triệu người xem, tại sao tôi không chuyển sang viết kịch bản chứ. Ở đó tôi được phục vụ nhiều hơn. Về mặt ngôn ngữ thì có những điểm khác nhau, chứ về cấu trúc và tư tưởng, kịch bản phim truyền hình và tiểu thuyết không khác nhau là mấy.

Cũng nói thêm, đời nhà văn có lúc này lúc kia, có lúc viết nhanh, có lúc trốn xuất hiện, nên nhiều khi không in sách không có nghĩa là không viết sách. Từ khi cầm bút đến nay, trải qua rất nhiều giông tố, tai ương, tôi thấy rằng quan điểm và sứ mệnh cầm bút của tôi vẫn không thay đổi.

* Cũng có ý kiến cho rằng văn học (chuyện cá nhân) dễ đi sâu vào các vấn đề gai góc hơn phim (chuyện tập thể). Nếu có một so sánh, thì các tiểu thuyết Đứng trước biển, Cù lao tràm, Ngoại tình… với các phim Đồng tiền xương máu, Hướng nghiệp, Blouse trắng, Công nghệ thời trang… ông thấy bên nào sâu sắc hơn?

- Cao cả hay tầm thường không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người cầm bút, mà phụ thuộc vào năng lực thực sự của họ. So với tiểu thuyết, phim truyền hình có thể mềm mại đi đôi chút, nhưng chưa chắc tác dụng của nó đến xã hội lại giảm sút. Tôi không bao giờ có ý so sánh cao thấp giữa việc viết văn, viết kịch bản hay viết báo, mà chỉ quan tâm đến năng lực phê phán và hướng thiện mà thôi. Chưa chắc một phim truyền hình lại phê phán xã hội kém hơn một tiểu thuyết.

* Nhiều tác phẩm của ông chịu nhiều sóng gió phê phán nặng nề. Nhưng một thời gian ngắn sau đó, đời sống cho thấy những dự báo của ông là hoàn toàn chính xác. Có phải đó là động lực để ông luôn tự tin dấn bước, dù viết tiểu thuyết hay viết kịch bản?

- Tôi luôn viết về những vấn đề chính trị, nhưng tôi không làm chính trị, có lẽ vì vậy mà sóng gió đến rồi lại đi. Tác phẩm của tôi đề cập đến bình diện rộng của xã hội, luôn gắn với thời cuộc, nhưng chẳng chú tâm dự báo gì, tôi chỉ luôn tìm cách lý giải hiện thực, cái gì có lý ắt nó phải đúng.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn từng nói: 

- Năm 2011: "Trong các tác phẩm của mình, tôi viết rất nhiều đến những "chính sách", không phải do đơn đặt hàng, mà do tôi thích đụng đến nó. Tôi thích đưa các vấn đề kinh tế, chính trị vào tác phẩm, đơn giản vì đó cũng là một thứ tự do. Và, vì chưa bao giờ những vấn đề chính trị, kinh tế lại chi phối vào tình cảm, đạo đức, niềm tin, sự nghiệp của con người, gia đình, xã hội như hơn hai chục năm qua ở đất nước ta. Nhìn thẳng vào hiện thực nghiệt ngã và sôi động này, để trình bày và mổ xẻ, tôi coi là trách nhiệm của nhà văn".

- Năm 2003: "Hiện thực cuộc sống thường đòi hỏi nhà văn phải có dũng khí. Hầu như mọi tác phẩm của tôi đều đụng chạm đến những vấn đề xã hội gai góc. Các nhà báo nêu lên sự kiện. Nhưng nhà văn mới là người mổ xẻ ở góc độ sâu kín nhất, thậm chí phải bóc đi cái vỏ thiện cảm hòa hoãn. Tôi viết kịch bản phim cũng với tinh thần này. Với Lưới trời, tôi phân tích tận gốc rễ vấn đề của các vụ án kinh tế lớn. Sự thật thì nhiều người biết, nhưng không phải ai cũng dám nói ra, dám xây dựng một nhân vật như Hai Phán".


Bài 2: Èo uột văn học thời sự

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm