27/05/2018 18:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - “70 năm thi đua yêu nước (1948-2018)” là tựa đề cuốn sách do Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương biên soạn và xuất bản.
Đây là viêc làm thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (1948-2018).
Cuốn sách “70 năm thi đua yêu nước (1948-2018)” tập hợp khoảng 300 bức ảnh được chọn lọc từ nhiều nguồn, cùng với một số tư liệu và bài viết mang tính tổng kết những bài học kinh nghiệm qua các phong trào thi đua yêu nước từ Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ nhất (tháng 5/1952) đến Đại hội Thi đua Toàn quốc lần thứ IX (tháng 12/2015).
Cuốn sách gồm 5 phần chính, gồm: "Thi đua yêu nước trong kháng chiến, kiến quốc" (1945-1954); "Thi đua yêu nước trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước" (1955-1975); "Thi đua yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa" (1976-1985); "Thi đua yêu nước trong 15 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới" (1986- 2000); "Thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới giai đoạn 2001- 2018".
Sau chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, để động viên mọi lực lượng phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Thường vụ Trung ương đã ra chỉ thị Phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị vạch rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công” và thi đua ái quốc là “vì nước, vì nòi”.
Do đó, ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Người muốn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua ái quốc là diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là làm việc gì cũng phải thi đua, thi đua gắn liền với mỗi con người, gắn liền với công việc hàng ngày “công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”. Người đã nâng thi đua lên một tầm tư tưởng cao: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Kể từ đó, ngày 11/6 hàng năm trở thành “Ngày thi đua yêu nước”.
Người nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua ái quốc được phát động và lan rộng khắp vùng miền, cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước thi đua hăng say lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống giặc đói; thi đua học tập, xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm…
Chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1945), diện tích trồng màu ở Bắc Bộ đã tăng lên 3 lần. Năm 1946 sản lượng lúa đã vượt năm 1944 là 38,8%. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng trong phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”. Nhờ đó, nạn đói được chặn đứng, chiến dịch cứu đói đã đạt được thắng lợi to lớn. Về cơ bản đến cuối năm 1946, nền nông nghiệp được phục hồi, sản lượng lương thực tăng lên và nạn đói được đẩy lùi. Phong trào thi đua diệt giặc dốt sôi nổi ngay từ ngày phát động và ngày càng phát triển rộng rãi trong nhân dân. Nhiều xã, huyện, tỉnh đã thanh toán xong nạn mù chữ.
Ngày 20/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 207-SL cử ông Hoàng Đạo Thuý làm Tổng Bí thư Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương. Tiếp đó, ngày 12/2/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20-SL quyết định Tổng động viên để thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Được nhân dân tích cực hưởng ứng, cuộc tổng động viên kết hợp và hòa nhập với phong trào thi đua ái quốc đã phát triển sôi nổi và mạnh mẽ chưa từng thấy. Chỉ tính riêng Liên khu IV trở ra đã có trên 500.000 thanh niên ghi tên tòng quân, hàng mấy chục vạn đồng bào hăng hái lên đường đi dân công phục vụ tiền tuyến. Nhân dân quyên góp tiền, của, thóc gạo cho kháng chiến...
Năm 1952, Chính phủ đã tổ chức Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu (Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ I), họp từ ngày 1 - 6/5/1952 tại chiến khu Việt Bắc, với sự tham gia của 154 đại biểu. Đại hội đã tuyên dương 7 Anh hùng tiêu biểu cho công - nông - binh và lao động trí óc là: La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Hoàng Hanh, Ngô Gia Khảm, Cù Chính Lan, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Quốc Trị; đồng thời tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho 23 chiến sĩ xuất sắc…
Có thể khằng định rằng các phong trào thi đua trong kháng chiến, kiến quốc đã góp phần to lớn cho cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân (1953 - 1954), làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Từ nền tảng thi đua này, nhân dân cả nước tiếp tục thực hiện phong trào thi đua khôi phục và phát triển kinh tế; phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước đến phong trào vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Các phong trào thi đua phát triển liên tục góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bước sang thời kỳ đổi mới, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến trong cả nước. Thi đua yêu nước thực sự đã đem lại nhiều thành tựu rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế…
Cùng với việc xuất bản cuốn sách “70 năm thi đua yêu nước (1948-2018)”, Thông tấn xã Việt Nam còn phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương tổ chức triển lãm ảnh “70 năm thi đua yêu nước”. Triển lãm sẽ khai mạc ngày 28/5 tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội.
TTXVN/Báo Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất