Vĩnh biệt tác giả Người vợ không bao giờ cưới

08/01/2010 09:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) -
Soạn giả Quy Sắc
Soạn giả cải lương nổi tiếng Quy Sắc vì tuổi cao sức yếu đã qua đời vào lúc 4h25 ngày 6/1 tại nhà riêng (C16 Cư xá Vĩnh Hội, phường 5, Q.4, TP.HCM), thọ 87 tuổi. Linh cữu được quàn tại tư gia. Lễ truy điệu sẽ diễn ra vào 5h30 ngày 10/1, an táng tại nghĩa trang chùa Phước Tường, An Thạnh, Thủ Dầu Một, Bình Dương


Được đánh giá là một trong những soạn giả bậc thầy của sân khấu cải lương, ông ra đi đã để lại nhiều tiếc thương cho giới nghệ sĩ và khán giả mộ điệu.

Soạn giả Quy Sắc tên thật là Nguyễn Phú Quý, sinh ngày 14/7/1924, tại Bình Dương, từng giảng dạy Việt văn tại nhiều trường tư thục trước khi chuyển sang làm soạn giả cải lương chuyên nghiệp. Do từng là gia sư của “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga (lúc này cô mới 13 tuổi) nên thầy Quý có điều kiện tìm hiểu về sân khấu cải lương và tự mày mò viết kịch bản.

Kịch bản đầu tay của ông là vở Nghiệp giáo (1956). Đến năm 1959, cái tên Quy Sắc trở nên nổi tiếng với sự thành công của vở Người vợ không bao giờ cưới, hay còn gọi là Sơn nữ Phà Ca, cùng hợp tác với soạn giả Kiên Giang. Vở diễn được đón nhận nồng nhiệt và giúp Thanh Nga đạt được giải Thanh Tâm khi chỉ mới 16 tuổi. Có một giai thoại vui là để đánh dấu sự thành công của Người vợ không bao giờ cưới, hai soạn giả Quy Sắc và Kiên Giang đã hứa làm sui với nhau. Tên hai người con của hai ông cũng được gọi theo hai nhân vật chính của vở diễn là Mộng Long (con trai soạn giả Quy Sắc) và Phà Ca (con gái soạn giả Kiên Giang). Tuy ý định làm thông gia không thành nhưng nó trở thành kỷ niệm đẹp của hai người và cũng ghi dấu ấn về sự xuất hiện một tên tuổi lớn của sân khấu cải lương.

Soạn giả Quy Sắc tiếp tục cho ra đời hàng loạt vở tuồng có giá trị cao như: Khi rừng mới sang Thu, Miền quan tái, loạt ba vở diễn dựa theo Truyện KiềuTrăng thề vườn Thúy, Má hồng phận Bạc, Từ - Kiều ly hận (rất thành công trên sân khấu Hùng Cường - Bạch Tuyết)... Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại khoảng 70 vở tuồng và nhiều bài ca cổ giá trị.

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm