Viết sách về liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm

04/09/2009 14:43 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhà văn Wayne Karlin (sinh năm 1945 tại New York) vừa đến thăm VN và làm việc với NXB Thông tấn để giới thiệu Wandering Souls (tạm dịch là Linh hồn phiêu linh) cuốn sách của ông được mua bản quyền và dịch ra tiếng Việt. Đây là câu chuyện về liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm (quê Thái Bình) bị lính Mỹ Homer Steedy bắn chết; về việc những kỷ vật của anh được giữ và sau đó được trả lại như thế nào... Câu chuyện cũng đã được đạo diễn Minh Chuyên dựng trong phim tài liệu Linh hồn Việt cộng gây xúc động năm 2008.

Là một nhà văn cựu chiến binh, từng tham chiến tại VN, Wayne Karlin đã khẳng định thành quả nghệ thuật của mình qua nhiều tiểu thuyết gây xôn xao dư luận. Năm 2003 tiểu thuyết lịch sử Xứ sở ao ước (The wished-for country) của ông đoạt giải thưởng trị giá 20.000 USD của Hội đồng Nghệ thuật quốc gia Mỹ. 10 năm qua, Wayne Karlin đã nhiều lần trở lại VN và bỏ công thu thập rất nhiều tác phẩm văn học VN giới thiệu với độc giả Mỹ. Ông hiện là giáo sư văn học tại Trường ĐH Maryland.

TT&VH trò chuyện cùng Wayne Karlin.

Linh hồn phiêu linh và Linh hồn Việt cộng

* Được biết, cuốn sách Wandering Souls sắp xuất bản ở Mỹ. Vì lý do gì ông viết cuốn sách này? Và mối quan tâm của ông với 2 nhân vật có thực trong cuốn sách?

- Tôi viết cuốn sách này với tình cảm chân thành và trung thực. Tất cả những chi tiết, những sự kiện chiến tranh cũng như cuộc đời của anh Đảm và Homer đã được tôi tiếp cận từ rất nhiều nguồn khác nhau. Tôi rất tin tưởng vào 2 dịch giả và sẵn sàng làm việc với họ để từng từ được dịch một cách hoàn chỉnh.


Nhà văn Mỹ Wayne Karlin

Những gì tôi viết trong cuốn sách là những điều tôi đã được nghe thấy và sưu tầm. Cuốn sách này là tất cả danh dự của tôi và tôi tin nó đem lại sự an lòng cho 2 linh hồn: anh Hoàng Ngọc Đảm đã được trở về với quê hương, và từ nay Homer cũng sẽ sống những ngày còn lại trong sự thanh thản. Đây là một hình mẫu để mọi người đạt được, đó là sự hòa bình sau chiến tranh.

* Ông có biết về bộ phim Linh hồn Việt cộng mà đạo diễn Minh Chuyên đã làm?

- Khi chúng tôi cùng đi với Minh Chuyên, có một đôi chỗ, anh ấy muốn chúng tôi “diễn” theo ý anh ấy, chúng tôi từ chối. Tôi, Dong Reese và Homer đều từ chối... Chúng tôi không muốn “diễn” cái gì ở đây cả! Với tôi, câu chuyện thật đã đủ kịch tính lắm rồi. Khi xem phim của Minh Chuyên, tôi thấy rằng đạo diễn đã đẩy kịch tính lên hơi cao quá!

* Ông viết cuốn sách này trong bối cảnh như thế nào và viết trong bao lâu?

- Hơn một năm hoặc là cả 40 năm. Đầu tiên tôi không có ý định viết nó. Nhưng khi về VN cùng với Homer và nghe tất cả những câu chuyện, được chứng kiến một phần của sự thật, tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó để hàn gắn cuộc chiến tranh này. Tôi nghĩ, chúng ta phải đào sâu những gì đang còn chôn chặt và nhìn vào nó để tìm ra tất cả những ý nghĩa, chứ không phải cứ cố chôn đi. Đây cũng là một phần sự kết hợp giữa công việc của chính tôi và là cái kết của cuộc chiến tranh này cho bản thân tôi và cho Homer.

Việc Homer làm là việc nước Mỹ phải làm


 Homer trong chuyến sang Việt Nam
trở về vạt đồi năm xưa

* Công chúng VN hiện nay cũng muốn quan tâm tới Homer, hiện nay ông ấy sống ra sao?


- Homer đã về hưu, sống trong một ngôi nhà nhỏ. Homer cũng lớn tuổi rồi nên có vấn đề về sức khỏe. Cuộc sống không nghèo lắm nhưng cũng không khá giả gì cả. Trong rất nhiều năm, Homer bị ám ảnh. Anh cố gắng kể câu chuyện này ra với mọi người, nhưng không ai muốn nghe cả, thậm chí mọi người còn nhìn anh như một kẻ kỳ cục. Vì thế anh tự co mình trong suốt một thời gian dài. Sau đó, anh còn tham gia những trò thể thao rất mạo hiểm để tự giết mình.

Cách đây 10 năm, anh mới gặp một người phụ nữ mà sau đó trở thành vợ. Cô ấy là con gái của một viên tướng trong chiến tranh thế giới thứ 2. Cô đã thực hiện một dự án để cố gắng chữa trị cho chồng. Cô bắt anh phải nhớ lại và viết ra những hồi ức của mình. Khi đó, mẹ anh có kể lại một chi tiết quan trọng là anh đã từng nhờ bà giữ hộ 2 cuốn nhật ký của một người lính Việt cộng bị anh bắn chết. 2 cuốn nhật ký đó mẹ anh vẫn giữ trên gác xép.

Homer đã nhớ lại tất cả những hồi ức về lần chạm trán với anh Đảm. Anh đã thực sự an lòng khi tìm lại được gia đình của người lính Việt cộng đã chết. Việc anh ấy làm không phải là việc của từng cá nhân phải làm mà cả nước Mỹ phải làm. Với tôi đây là một điều có ý nghĩa, khiến tôi viết cuốn sách này.

    Ông Vũ Quốc Khánh - Giám đốc NXB Thông tấn, cho biết: Hiện nay Wandering Souls (Những linh hồn phiêu linh) đã dịch được 4 chương. Đây là một cuốn sách hay, có những tình tiết hấp dẫn. Cuốn sách sẽ được NXB Thông tấn xuất bản vào dịp 30/4 năm 2010 - nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* Trong chiến tranh với VN, điều gì khiến ông và Homer nhập ngũ?


- Chúng tôi đều là những người tình nguyện nhập ngũ để tham chiến. Lúc ấy chúng tôi mới 20 tuổi, có cả lý do về kinh tế vì chúng tôi đều là những người lao động, và chúng tôi tin vào những gì chúng tôi làm là đúng, Nhưng khi bước chân vào cuộc chiến, lòng tin của chúng tôi thay đổi và khi trở về tôi thấy rằng chúng tôi đã sai! Nhưng về Mỹ, khác với Homer, ngay lập tức tôi tham gia Hội Cựu binh chống chiến tranh, về tâm lý, tôi thanh thản hơn Homer. Nhưng càng cố thanh thản, tôi lại càng cố tìm hiểu ra những lý do tại sao những người khác vẫn chưa được thanh thản.

* Ông nghĩ thế nào khi NXB Thông tấn mua bản quyền cuốn sách này?

- Tôi nghĩ đây là một NXB rất “nhạy’’ trong vấn đề chọn lọc sách. Những gì viết trong cuốn sách này không phải là một câu chuyện đơn giản, không phải là một cái kết vui, mà rất rắc rối, cũng như sự phức tạp của chiến tranh. Vì thế mục đích của tôi là làm thế nào để mọi người hiểu nó. Đây là một câu chuyên lịch sử của 2 cá nhân và một phần là phản ứng của tôi khi cùng Homer đến VN. Tôi phát hiện ra rằng thời thơ ấu của 2 con người này rất tương đồng với nhau và trong chiến tranh, sự thật là khi giết một ai đó là giết một phần của tâm linh mình. Khi Homer nhìn vào mắt của Đảm, tự nhiên sẽ nhìn thấy mình trong đôi mắt ấy.

Tôi không có cảm xúc gì với cựu Trung úy William Calley

* Mới đây, cựu Trung úy William Calley - người gây ra vụ thảm sát Mỹ Lai đã lên tiếng xin lỗi VN. Cũng là một người lính Mỹ, ông bình luận gì về lời xin lỗi này?

- Bây giờ đã đến lúc mọi người phải lên tiếng xin lỗi. Nhưng hai sự kiện này khác hẳn nhau, Homer chỉ là một chiến binh, còn William Calley đã dùng vũ khí đi tàn sát dân thường. Nếu không có một sự trừng phạt đích đáng, thì không tôn trọng 504 con người vô tội. Nhưng William Calley có phải chịu gì đâu, anh ta lại được trở về nhà và trở nên giàu có. Tôi không thể có cảm xúc gì về William Calley. Tôi thấy anh ta chẳng khác gì tướng McNamara khi 30 năm sau mới viết trong hồi ký và bảo đó là sự nhầm lẫn lớn! Tại sao đến giờ ông ta mới mở miệng ra nói câu đó trong khi tất cả các bạn của tôi đã bị giết!

* Xin cảm ơn ông!

Hoa Chanh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm