Từ phiên đấu giá chiều nay của nhà Aguttes, Pháp: Trọn vẹn dành cho tranh Việt

07/06/2021 14:54 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà đấu giá Aguttes (Pháp) thường dành 2 phiên mỗi năm cho các tác phẩm đến từ Á châu, với tên gọi Họa sĩ châu Á, tác phẩm quan trọng. Nhưng lần này, họ dành trọn vẹn một phiên cho riêng tranh Việt, diễn ra từ lúc 14h30 ngày 7/6 tại trung tâm đấu giá danh tiếng Drouot, Paris. Đây là một tín hiệu cho thấy thị trường tranh Việt ngày càng có sức hút và có chỗ đứng vững chắc hơn.

Từ phiên đấu giá trực tuyến của nhà Sotheby’s Hong Kong: Đáng lý Lê Phổ phải ở địa vị số 1!

Từ phiên đấu giá trực tuyến của nhà Sotheby’s Hong Kong: Đáng lý Lê Phổ phải ở địa vị số 1!

Phiên đấu "Modern Art Online: From Zao Wou-Ki to Le Pho" (Trực tuyến nghệ thuật hiện đại: Từ Triệu Vô Cực đến Lê Phổ) của Sotheby’s Hong Kong (Trung Quốc) diễn ra từ ngày 1 đến 8/6/2021.

Phiên đấu diễn ra tại Hôtel des Ventes de Drouot (164 bis, avenue Charles-de-Gaulle 92200 Neuilly-sur-Seine, Pháp), gồm 23 lô hàng, tập trung vào các tên tuổi thành danh, thời kỳ đầu của mỹ thuật hiện Việt Nam. Nhà Aguttes cũng mang trở lại sàn đấu các tên tuổi lớn như Nguyễn Gia Trí (1908-1993), Tú Duyên (1915-2012), Trần Phúc Duyên (1923-1993)…

Những điểm nhấn của phiên

Bức tứ bình Paysage Aux Jonques (tạm dịch: Phong cảnh Thác Bờ, sơn mài, 104cm x 197,6cm, 1943) của Phạm Hậu dẫn đầu về giá ước định của phiên này, từ 150.000 đến 250.000 euro. Theo thông tin riêng từ nhà báo Hoàng Anh (tạp chí Mỹ thuật) thì “ở trong nước chắc chắn sẽ có khoảng 5-7 người đấu bức này”. Và chị đưa ra dự đoán: “… sẽ đạt mức giá xấp xỉ từ 600.000 - 800.000 USD, nhưng mức mơ ước là 1 triệu USD, sau thuế phí và quy đổi từ euro”.

Chú thích ảnh
Bức “Phong cảnh Thác Bờ” của Phạm Hậu dẫn đầu về giá ước định của phiên đấu

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định: “Danh tiếng của Phạm Hậu trên thị trường tranh hiện nay không cần bàn cãi nữa, nhất là từ khi tranh sơn mài lên ngôi tại các sàn đấu giá quốc tế. Phạm Hậu đã nổi tiếng trong việc đưa sơn mài lên tranh, cũng như việc áp dụng vào các vật dụng thường dùng như bình phong, giường tủ, khay hộp... với lằn ranh giữa mỹ thuật và mỹ nghệ thật khó phân biệt. Ông sớm thành công từ những triển lãm trong nước cũng như tại Paris, nhất là từ khi ông đoạt Huy chương Vàng tại Salon 1935 do Hội Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ tổ chức”.

Ngô Kim Khôi nói thêm: “Đây chưa phải là sáng tác đẹp nhất của Phạm Hậu, nhưng nó nổi bật trong phiên đấu giá này vì tính hương xa (exotisme) và cả kích thước lớn một cách lý tưởng. Liệu nhà Aguttes có thể đưa Phong cảnh Thác Bờ vượt ngưỡng cửa 1 triệu USD không, hãy chờ xem vào chiều hôm nay”.

Bức tứ bình Nine Carps In The Water (tạm dịch: Cửu ngư quần hội) của Phạm Hậu từng được Sotheby’s Hong Kong bán hơn 1,1 triệu USD vào năm 2019. Cho nên, với hơn 10 người cùng đấu bức Phong cảnh Thác Bờ, chuyện “phá ngưỡng giá” là có thể xảy ra.

Điểm nhấn thứ hai là bức Nu Aux Lotus (Khỏa thân bên hoa sen, sơn dầu trên toan, 68cm x 109cm, 1938) của Alix Aymé. “Đây là tác phẩm chạm vào sợi dây rung cảm của tôi nhiều nhất trong phiên đấu này. Nó dường như toát ra một bầu không khí nhiệt đới, người xem bỗng nhiên chới với trong buổi trưa Hè oi ả và bình lặng, thấp thoáng ngọn gió phất tấm màn thưa, rón rén vào vuốt ve những đóa sen và cùng lúc chạm xuống làn da phơi bày như chờ đợi chút sự vuốt ve của làn hơi mát” - Ngô Kim Khôi chia sẻ.

Chú thích ảnh
Bức “Khỏa thân bên hoa sen” của Alix Aymé là một điểm nhấn về câu chuyện nghệ thuật

Phong cách vẽ khỏa thân của bức này phảng phất cảm hứng, bố cục từ bức Olympia của Manet và bức Te Tamari No Atua của Gauguin. Họ thảnh thơi và đầy sức sống, nên thành biểu tượng của sinh sôi, sự bất tử. Alix Aymé đã thổi được phong vị và hồn cốt của người Việt vào bố cục khá mẫu mực này. “Bức tranh này có thể sẽ được một nhà sưu tập tư nhân ở trong nước - nơi đã sở hữu vài bức khỏa thân của Alix Aymé - đấu đến cùng, vì họ đã có được sự tham vấn chuyên môn đầy đủ” - Hoàng Anh cho biết. Với giá ước định từ 100.000 đến 150.000 euro, bức này cũng đang có hy vọng trở thành một điểm nhấn về giá của họa sĩ Alix Aymé. Bà là giảng viên có công rất lớn với Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nói chung và tranh sơn mài nói riêng.

Bức Le Retour Du Jeune Diplômé (tạm dịch: Vinh quy bái tổ, thủ ấn họa, 42,5cm x 77cm) của Tú Duyên cũng là một câu chuyện tươi đẹp, đầy tính hương xa, dễ gây trí tò mò. Đây cũng là một trong vài chủ đề quen thuộc và thành công của Tú Duyên, một họa sĩ chuyên tâm sáng tạo, đang tạo được sự chú ý gần đây tại các sàn đấu giá quốc tế. Với giá ước định có tính kích cầu thị trường, từ 2.000 đến 3.500 euro, thấp hơn các giao dịch ở thị trường trong nước.

Chú thích ảnh
Bức “Vinh quy bái tổ” của Tú Duyên là một ví dụ về tính hương xa của tranh Việt

Tranh đắt có phải luôn luôn đẹp?

“Trên thị trường nghệ thuật, chúng ta phải đề cập đến giá cả, đó là điều đương nhiên. Giá tranh đắt không hẳn là tranh đẹp, nhưng giá trị vật chất của tranh nói lên vị trí quan trọng của xu hướng trên thị trường. Sự tích cực của tranh giá cao luôn khơi dậy óc tò mò của nhiều thành phần, ngay cả với những người không chuyên môn về tranh, làm họ chú ý nhiều hơn đến thị trường tranh Việt. Cùng với các con số “khủng” - nếu nói trên 1 triệu USD là giá khủng - các nhà sưu tập quốc tế sẽ có cái nhìn khác hơn với tranh Việt, ấy hiển nhiên là điều tích cực” - nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nói.

Còn với nhà báo Hoàng Anh thì: “Một số bức đáng chú ý khác tại Aguttes lần này có thể “hên xui” về giá đấu, bởi phiên đấu trước tại Christie’s Hong Kong thì giá khá vừa phải. Nhiều người cho rằng do dịch bệnh làm kinh tế kém hơn trước, nên các nhà sưu tập sẽ rón rén hơn, làm cho giá tranh vừa phải. Trên thực tế thì có lẽ không hẳn như vậy, bởi giới siêu giàu thì thường giàu rất sâu và đã giàu từ lâu, nên một vài trăm ngàn USD không phải là vấn đề lớn. Vấn đề chính vẫn là độ đẹp, độ quý và đặc biệt là độ hiếm của lô hàng, thêm yếu tố gây xúc động nữa là đắt giá lập tức”.

Hoàng Anh nói thêm: “Nhưng dù vì lý do và mục đích gì đi chăng nữa, việc người Việt yêu tranh Việt, bỏ rất nhiều tiền để mua tranh thì vẫn rất đáng trân trọng. Bởi vì chính họ trực tiếp đẩy trị giá - về mặt thương mại - cho nghệ thuật Việt Nam lên những tầm cao mới, điều mà đáng ra chúng ta đã phải được đạt từ khá lâu, nếu xét về tương quan nghệ thuật trong khu vực”.

Hơn nữa, chính các giao dịch sẽ trực tiếp và gián tiếp mang lại sự yên tâm hơn trong sáng tạo của những họa sĩ đương thời. Như quy luật “nước lên thì thuyền lên”, sự thu hút từ tác phẩm của các bậc thầy sẽ kích cầu giới sưu tập chú ý thêm đến tác phẩm đương đại.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm