Từ 'cây đa đình Chèm' tới ký ức đô thị

31/03/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ việc chặt hạ cây đa tại đình Chèm (Hà Nội) đã mở ra một câu chuyện lớn hơn: Chúng ta đã - và nên - đối xử thế nào với những cây xanh lâu năm và đang là một phần lịch sử của thành phố?

Hà Nội kiểm tra việc tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm

Hà Nội kiểm tra việc tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm

Chiều 25/3, Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội do Thanh tra Sở chủ trì đã tiến hành kiểm tra việc tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm.

Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, về vấn đề này. Ông nói:

- Trước hết, cần khẳng định, việc chặt hạ cây đa này là vô cùng đáng tiếc. Thật ra, tôi tin ở đây không có chuyện tư lợi. Thế nhưng, nếu được thảo luận đầy đủ và có sự hỗ trợ từ giới chuyên môn, nhiều lựa chọn tốt hơn hoàn toàn có thể áp dụng.

Chú thích ảnh
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Chẳng hạn, đó có thể là các giải pháp kĩ thuật hiện đại để bảo tồn, tôn tạo những kiến trúc của đình mà không cần phải chặt cây. Hoặc, cây có thể được đánh chuyển tới một vị trí phù hợp quanh đó. Thậm chí, trong trường hợp bất khả kháng, chúng ta chặt cây nhưng cũng cần đưa ra những giải pháp thay thế, bổ sung hệ thống cây xanh quanh đình...

* Như thế, với trường hợp cây đa đình Chèm, có thể thấy rõ: cây xanh không chỉ có giá trị điều hòa sinh thái, mà còn gắn bó rất chặt với lịch sử đô thị như một “di sản” đặc biệt. Ông sẽ nói gì về câu chuyện này?

- Về cơ bản, cây xanh là một phần gắn với không gian truyền thống của các di tích Việt Nam và tạo nên sự hài hòa đặc trưng. Thêm vào đó, giá trị của nó còn được nhân lên theo thời gian. Như với cây đa đình Chèm, tuổi thọ của nó là 24 năm, nghĩa là xấp xỉ 1/4 thế kỷ nên cũng không hề ngắn để tạo nên sự quen thuộc, gần gũi với cộng đồng.

Chú thích ảnh
Cây đa đình Chèm sau khi bị chặt bỏ. Nguồn: Báo Nhân dân

Trong đời sống đô thị, chúng ta cũng không thiếu những cây xanh lâu năm và trở thành một phần lịch sử thành phố như thế. Chẳng hạn, riêng với cây đa, nhiều người vẫn nhắc tới “cây đa nhà bò” trên phố Lò Đúc, như một chỉ giới của khu vực ven Hà Nội khi xưa, hoặc tới cây đa cổ thụ trong khuôn viên báo Nhân Dân trên phố Hàng Trống. Thậm chí, gần nhà tôi khi nhỏ có cây đa Ngõ Gạch rất nổi tiếng, vốn đã được nhiều họa sĩ tạo hình khi vẽ về phố cổ Hà Nội.

Chú thích ảnh
Cây đa cổ thụ trong khuôn viên báo Nhân dân (phố Hàng Trống, Hà Nội)

Đó là những cây xanh còn hiện hữu. Còn lại, chúng ta cũng đã có vô vàn những cây xanh gắn với lịch sử đô thị nhưng không còn lưu giữ được.

Chú thích ảnh
Cây đa Ngõ Gạch, Hà Nội

* Ông có thể đưa ra một ví dụ cho những trường hợp này?

- Tôi từng nghĩ tới việc vào thời điểm thích hợp sẽ đề nghị thành phố Hà Nội cho trồng một cây dừa tại Hồ Gươm để nhớ về những cây dừa từng có nơi đây. Ít người biết, khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bây giờ từng có tên gọi Bãi Dừa, vốn là nơi để thực dân Pháp hành quyết tội nhân. Rồi, quãng đường dọc Thủy Tạ từng có những cây dừa mọc ven hồ, phía dưới là quán bán nước dừa cho du khách.

Riêng cây dừa mọc tại khu vực Hồ Gươm đối diện báo Hà Nội mới bây giờ còn gắn với một câu chuyện đặc biệt. Đó là giai đoạn sau 1954, khi một cộng đồng người miền Nam tập kết hình thành tại Hà Nội. Và, thể loại “tranh Bờ Hồ” vẽ trên bìa xanh bằng bột màu khi đó cũng rất nổi tiếng với hình ảnh Hồ Gươm, phía xa là những nam thanh nữ tú quấn khăn rằn, tựa vào cây dừa hoặc nhìn về nó như một cách bày tỏ tấm lòng hướng về miền Nam của mình...

Chú thích ảnh
Phía Nam Hồ Gươm khi xưa từng có cây dừa khá

* Những năm qua, chúng ta rõ ràng chưa có sự đầu tư cần thiết để bảo vệ những cây xanh gắn với “ký ức đô thị” như vậy. Theo ông, điều này bắt nguồn từ lý do nào?

- Có nhiều lý do về kinh phí, điều kiện xã hội... nhưng trước hết, tôi muốn nói tới câu chuyện về ý thức và sự hiểu biết. Chẳng hạn, cũng ở Hồ Gươm, chúng ta từng có một cây gạo cổ thụ rất đẹp gần đền Ngọc Sơn. Khi cây gạo ấy chết đi, một cây gạo khác đã được trồng thay, nhưng đến giờ vẫn rất nhỏ. Và sự nuối tiếc sẽ càng cao, khi mọi người nghe tới một câu chuyện chưa được kiểm chứng, rằng cây gạo cổ thụ này hỏng một phần cũng vì khi ấy nhiều người - hoặc công khai, hoặc lén lút - chặt, lột vỏ cây mang về, với tin đồn truyền miệng rằng sẽ chữa được một loại bệnh nan y nào đó.

Rồi, khu vực trước am thờ Mỵ Châu tại di tích Cổ Loa cũng từng có một cây đa cổ thụ đẹp vô cùng, với lớp rễ như một chiếc vòm bao lấy am. Vậy nhưng cây đa ấy chết, cũng theo một câu chuyện chưa được kiểm chứng, rằng khi trùng tu am bằng gỗ lim, lớp mùn gỗ sau khi gia công được tiện thể vun vào gốc cây - trong khi mùn gỗ lim rất độc với cây trồng và cần được xử lý riêng.

Chú thích ảnh
Cây đa cổ thụ tại Cổ Loa trong quá khứ

Tất nhiên, với đặc thù sinh học của mình, có những cây xanh chỉ phù hợp với đô thị ở một giai đoạn phát triển nào đó hoặc phải mất đi khi đi hết vòng đời của nó. Chẳng hạn, những cây xà cừ 40 - 50 năm tuổi rất đẹp với lớp tán sum xuê, nhưng bộ rễ nông của nó không còn phù hợp để phát triển vào đô thị, đặc biệt là trong mùa bão. Hoặc, phố Lò Đúc gần nhà tôi có hàng cây sao cổ thụ rất đẹp, nhưng theo thời gian, tôi cũng không hiểu chúng ta có thể cố giữ nó tới bao giờ, nhất là với tình trạng thường xuyên đào đường, lát lại vỉa hè như hiện nay.

* Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì, theo ông?

- Trước hết, đó là sự đồng bộ về quy chuẩn. Lẽ ra, chúng ta cần sớm chuẩn hóa xem mỗi khu vực hoặc cụm kiến trúc trong đô thị phù hợp với những loại cây gì, trồng tại vị trí nào, cần sự phù hợp về hạ tẩng ra sao. Và bên cạnh sự đồng nhất ấy, những kiến thức cần thiết nên được phổ biến rộng rãi cho cộng đồng, để tránh tình trạng xuất hiện một số loại cây không phù hợp về thổ nhưỡng, cảnh quan và cả văn hóa - chẳng hạn như việc một số loại cây ngoại lai đã xuất hiện ở một vài di tích.

Chú thích ảnh
Cây đa nhà bò rất nổi tiếng, đã trở thành một cột mốc địa lý trong tâm trí  người dân Hà Nội

Cũng phải nói thêm, người dân luôn có ý thức tránh tiêu cực rất cao trong những vấn đề liên quan tới cây xanh - đặc biệt là những cây đẹp, gần gũi về mặt tâm lý và tạo sự hụt hẫng khi mất đi. Bởi thế, việc chặt bỏ những cây cổ thụ, nếu có, luôn cần gắn liền với lời giải thích minh bạch và sòng phẳng - mà trường hợp cây đa đình Chèm là ví dụ điển hình.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

“Tôi hi vọng, trong một giai đoạn nào đó, Hà Nội không chỉ quy hoạch các loại cây xanh phù hợp với từng đường phố mà còn thể hiện hàm lượng văn hóa, lịch sử trong việc lựa chọn. Chẳng hạn, sẽ rất thú vị nếu một ngày nào đó chúng ta có con phố mang tên nhà thơ bí ẩn T.T. Kh, và những bụi hoa ti gôn được khuyến khích trồng trên phố để du khách nhớ về bài Hai sắc hoa ti gôn rất nổi tiếng của tác giả này” (Chia sẻ của nhà sử học Dương Trung Quốc).

Cúc Đường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm