Hội thảo quốc tế khẳng định thành tựu của đất nước sau 50 năm thống nhất

26/04/2025 17:25 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 26/4, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Tài chính - Marketing tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Kinh tế - xã hội Việt Nam sau 50 năm xây dựng, phát triển (1975 - 2025): Vấn đề lý luận và thực tiễn". 

Các nhà khoa học đã thảo luận, đánh giá một cách có hệ thống và khoa học về thành tựu, vấn đề còn tồn tại, bài học trong quá trình phát triển đất nước; đề xuất các định hướng nhằm tiếp tục bảo đảm đất nước phát triển bền vững.

Nhiều thành tựu quan trọng

Khái quát về thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội trong 50 năm qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing nhận định, Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt, từ kinh tế, xã hội đến khoa học - công nghệ và chính trị - đối ngoại. Về kinh tế, nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực; không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Đời sống người dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện; có bước tiến đáng kể trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức như tăng trưởng chưa bền vững, chênh lệch giàu nghèo, áp lực từ biến đổi khí hậu...

Hội thảo quốc tế khẳng định thành tựu của đất nước sau 50 năm thống nhất - Ảnh 1.

Phiên thảo luận tại hội thảo

Từ đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt đề xuất một số giải pháp vĩ mô góp phần đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ như: chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trọng tâm của quá trình này là đẩy mạnh chuyển đổi số, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và dịch vụ; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh; thúc đẩy nông nghiệp thông minh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Tiến sĩ Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam nhìn nhận, gần 40 năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã giải quyết ngày càng tốt mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện có kết quả chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dần được hình thành; giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Bên cạnh thành tự còn có nhiều bất cập mà nhiều nhà kinh tế đã chỉ ra, trong đó mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường chưa được giải quyết hợp lý. Tốc độ tăng trưởng cao nhưng chất lượng tăng trưởng và hiệu quả thấp; quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội còn có những bất cập.

Hội thảo quốc tế khẳng định thành tựu của đất nước sau 50 năm thống nhất - Ảnh 2.

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại hội thảo

Tiến sĩ Phùng Ngọc Bảo cho rằng, Thành phố đã có nhiều đóng góp vào quá trình hình thành và hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 1982, Nghị quyết số 01-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định "Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta", được xem là chìa khóa để Thành phố vững bước tiến vào thời kỳ đổi mới; là cơ sở để thực hiện những cơ chế mang tính thí điểm, đột phá, góp phần hình thành một số chính sách chung của cả nước, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, nổi bật là Thành phố sớm thừa nhận tồn tại nhiều loại hình doanh nghiệp; mạnh dạn thí điểm các chế định vận hành của thị trường; đi đầu trong nghiên cứu và thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp để hướng kinh tế vào xuất khẩu, thực hiện chính sách kinh tế mở; sáng tạo, chủ động trong huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển; triển khai thực hiện các mô hình điều hành kinh tế vĩ mô và cải cách hành chính. Các định chế mà Thành phố Hồ Chí Minh triển khai trước kia, đã được Đảng nhìn nhận tính hợp lý, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, theo Tiến sĩ Phùng Ngọc Bảo, Thành phố Hồ Chí Minh cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để đóng góp vào sự phát triển chung, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, Thành phố tăng cường cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ và năng suất lao động cao; tiếp tục phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế; duy trì phát triển các ngành công nghiệp then chốt, ưu tiên các ngành và sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động; đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ trọng điểm có lợi thế so sánh và giá trị gia tăng cao…

Hội thảo quốc tế khẳng định thành tựu của đất nước sau 50 năm thống nhất - Ảnh 3.

NGƯT. PGS. TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo

Phát huy nhân tố con người

Nghiên cứu về sự phát triển nhận thức của Đảng về bảo đảm an ninh con người, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Trọng Thà, Trường Đại học An ninh nhân dân phân tích, nhận thức, tư duy của Đảng về bảo đảm an ninh con người đã được hình thành từ sớm trên nền tảng tư tưởng "lấy dân làm gốc", thể hiện rõ ở mục tiêu cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, nhất là sự nghiệp giải phóng xã hội, giải phóng con người, xây dựng chủ nghĩa xã hội mà trong đó sự phát triển thật sự vì con người.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Trọng Thà, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng qua 50 năm, quan điểm của Đảng về bảo đảm an ninh con người ngày càng được khẳng định rõ. Vấn đề an ninh con người và bảo đảm an ninh con người luôn được Đảng ta đề cập, kiểm nghiệm thông qua thực tiễn tình hình trong nước, quốc tế, với tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau". Bảo đảm an ninh con người cũng là nội dung quan trọng trong chính sách và pháp luật của Việt Nam. Có thể khẳng định, bảo đảm an ninh con người không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt mà là định hướng lâu dài; không chỉ là bảo đảm cho quản lý phát triển xã hội mà còn là nội dung quan trọng của an ninh quốc gia.

Hội thảo quốc tế khẳng định thành tựu của đất nước sau 50 năm thống nhất - Ảnh 4.

Hội thảo thu hút hơn 400 đại biểu tham dự

Bài tham luận về tư duy đổi mới của Đảng về phát huy nhân tố con người qua 50 năm thống nhất đất nước của Giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Khánh, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tiến sĩ Phạm Thị Thúy Vân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn có nhận thức đúng đắn, ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn về nhân tố con người, xem đây là động lực và mục tiêu trung tâm của sự phát triển. Tư duy đổi mới này được thể hiện nhất quán trong các chủ trương, chính sách lớn, từ đổi mới tư duy về giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đến xây dựng môi trường xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trên cả bình diện lý luận và thực tiễn, sau 50 năm thống nhất đất nước, con người đã thực sự vừa là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là khâu đột phá chiến lược quan trọng bậc nhất của xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chiến lược của Đảng về con người và phát huy nhân tố con người đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Thu Hoài/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm