50 năm Thống nhất đất nước: Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế

24/04/2025 14:43 GMT+7 | Tin tức 24h

"Năm 2025 đánh dấu 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), một cột mốc rất quan trọng trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, đồng thời mở ra một hành trình đầy nỗ lực của đất nước và con người Việt Nam". 

Đây là nhận định của Giáo sư Chu Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Việt Nam tại Đại học Quốc gia Australia, Phó Chủ tịch Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia, Giáo sư Chu Hoàng Long cho rằng từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nghèo nàn bậc nhất thế giới, Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế là một quốc gia năng động, có tiếng nói và có trách nhiệm trên trường quốc tế. Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trên cả bình diện vị thế quốc gia – từ kinh tế, xã hội, văn hóa, quan hệ đối ngoại – lẫn trên bình diện phát triển cá nhân, nơi mỗi người dân ngày càng có cơ hội phát triển đời sống, thể chất, trí tuệ, tinh thần, tư duy và kỹ năng nghề nghiệp.

50 năm Thống nhất đất nước: Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế - Ảnh 1.

Giáo sư Chu Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Việt Nam tại Đại học Quốc gia Australia, Phó Chủ tịch Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia. Ảnh: TTXVN phát

Theo Giáo sư Chu Hoàng Long, có nhiều yếu tố làm nên tiềm lực và vị thế của Việt Nam ngày nay, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới và hội nhập sâu rộng gần đây. Tuy nhiên, hai yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên sự tăng tốc rõ rệt của đất nước trong thời gian qua là nền chính trị ổn định cùng đường lối đối ngoại linh hoạt, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển, đồng thời nâng cao vai trò và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế; và tiềm lực con người – một dân tộc cần cù, thông minh, chịu khó học hỏi, có tinh thần vượt khó và đoàn kết – chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển bền vững và khẳng định vị thế trong tương lai.

Giáo sư Chu Hoàng Long cho rằng, tinh thần đoàn kết dân tộc chính là sức mạnh cốt lõi dẫn đến chiến thắng lịch sử 30/4/1975 và cũng là chìa khóa để Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong suốt 50 năm xây dựng và phát triển đất nước sau ngày thống nhất. Đất nước thống nhất là minh chứng rõ nét cho thấy sức mạnh gắn kết nội tại của dân tộc Việt Nam đã vượt trội so với những mong muốn chia cắt từ bên ngoài. Đoàn kết dân tộc còn tạo nên sức mạnh to lớn hàn gắn vết thương chiến tranh, giúp người dân Việt Nam – không phân biệt vùng miền, quê quán – cùng nhau bắt tay vào công cuộc khôi phục và tái thiết đất nước. Tinh thần ấy còn được thể hiện rõ qua sự chung sức, đồng lòng, thích nghi trong từng giai đoạn, để đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu kinh tế – xã hội ngày nay.

Theo quan sát của Giáo sư Chu Hoàng Long, trong suốt 50 năm qua, tinh thần đoàn kết dân tộc không hề phai mờ mà ngày càng được khơi dậy mạnh mẽ, linh hoạt và sâu sắc hơn trong từng chặng đường phát triển của đất nước. Đó là một giá trị cốt lõi hiện diện trong mỗi con người Việt Nam, không phân biệt nơi cư trú, nghề nghiệp hay tầng lớp xã hội. Đây chính là yếu tố quyết định, mang tính xuyên suốt trong hành trình lịch sử của dân tộc, giúp đất nước không chỉ đứng dậy sau chiến tranh, vượt qua, khó khăn, thiên tai, đại dịch… mà còn từng bước khẳng định được vị thế vững chắc trong một thế giới nhiều biến động và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Giáo sư Chu Hoàng Long nhận định yếu tố cốt lõi từ sự nghiệp đấu tranh và thống nhất đất nước có thể được vận dụng hữu hiệu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số hiện nay.

Thứ nhất, đó là khát vọng làm chủ tương lai. Nếu 50 năm trước, khát vọng đó là giành lại non sông liền một dải, thống nhất đất nước, thì ngày nay, khát vọng đó là làm chủ vận mệnh kinh tế – công nghệ, đưa Việt Nam vươn lên thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Từ khát vọng lịch sử, người dân Việt Nam có thể khơi dậy và nuôi dưỡng tinh thần quốc gia đổi mới sáng tạo, dám nghĩ lớn, hành động nhanh, hướng tới tương lai. Khát vọng đó chính là động lực để xây dựng một hệ sinh thái số toàn diện, từ chính phủ số, doanh nghiệp số đến công dân số, nơi mọi người dân đều có cơ hội đóng góp và thụ hưởng thành quả của phát triển.

Thứ hai, đó là bản sắc văn hóa – nền tảng đã góp phần làm nên sức mạnh đại đoàn kết trong công cuộc thống nhất đất nước. Thống nhất lãnh thổ cũng là sự khẳng định rõ ràng tính toàn vẹn của ngôn ngữ, truyền thống, giá trị tinh thần và ý chí dân tộc. Trong thời đại số, khi ranh giới vật lý mờ dần và văn hóa toàn cầu len lỏi mạnh mẽ, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa không chỉ là gìn giữ cội nguồn, mà còn là một lợi thế cạnh tranh. Bản sắc đó sẽ giúp Việt Nam định vị mình trên bản đồ thế giới một cách rõ ràng, khác biệt, vừa hội nhập, vừa không hòa tan. Văn hóa cũng chính là nguồn lực mềm để xây dựng niềm tin số, đạo đức số và những chuẩn mực phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

50 năm Thống nhất đất nước: Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế - Ảnh 2.

Tiết mục đàn tranh của một em nhỏ tại sự kiện Tết Quê hương trong trái tim bà con kiều bào Australia. Ảnh: Thanh Tú - PV TTXVN tại Australia

Thứ ba, đó là tầm nhìn chiến lược và sự linh hoạt của lãnh đạo đất nước, đặc biệt trong việc phát triển và sử dụng tri thức. Trong chiến tranh, chiến thắng không chỉ đến từ lòng dũng cảm mà còn từ tư duy chiến lược, khả năng thích nghi và tận dụng thời cơ. Những phẩm chất ấy càng trở nên thiết yếu trong điều hành quốc gia hiện đại, nơi dữ liệu, công nghệ và tư duy phân tích trở thành yếu tố sống còn. Việt Nam cần tiếp tục phát huy tư duy đổi mới, linh hoạt và tầm nhìn dài hạn để ứng phó hiệu quả với những thách thức mới như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, cạnh tranh địa chính trị số và đặc biệt là nguy cơ tụt hậu nếu không kịp thời thích nghi với những chuyển biến công nghệ nhanh chóng.

Giáo sư Chu Hoàng Long khẳng định chiến thắng lịch sử 30/4/1975 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đồng thời để lại nhiều bài học sâu sắc, có giá trị đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới hiện nay.

Trước hết, bài học lớn nhất chính là sự kết nối và đoàn kết dân tộc. Đó là sự kết nối chặt chẽ giữa lãnh đạo và nhân dân, giữa hậu phương và tiền tuyến, giữa các tầng lớp, thành phần trong xã hội, vượt lên trên mọi khác biệt để cùng hướng đến một mục tiêu chung. Trong thời đại toàn cầu hóa, tinh thần ấy càng cần được phát huy để quy tụ và phát triển sức mạnh toàn dân trong hiện thực hóa khát vọng hùng cường, gìn giữ chủ quyền, khẳng định bản sắc, và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ hai là khả năng khơi dậy và phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc. Chiến thắng 30/4 là minh chứng cho thấy nội lực – bao gồm con người, bản sắc văn hóa, truyền thống yêu nước và trí tuệ dân tộc Việt Nam – chính là nền tảng vững chắc giúp đất nước vượt qua mọi thử thách. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, khi một biến động ở bất kỳ khu vực nào cũng có thể lan rộng và ảnh hưởng đến toàn cầu, tinh thần tự lực, tự cường và khát vọng làm chủ vận mệnh lại càng trở nên cấp thiết. Đầu tư vào con người, phát triển giáo dục, khơi thông tiềm năng sáng tạo và thúc đẩy đổi mới chính là con đường để Việt Nam khai phóng nội lực và tạo ra những bước đột phá trong hành trình phát triển bền vững.

Thứ ba là tư duy chiến lược, sự linh hoạt trong hành động và khả năng tận dụng thời cơ để hiện thực hóa những mục tiêu tổng thể, lâu dài. Trong chiến tranh, chúng ta luôn kiên định với chiến lược tổng thể, đồng thời linh hoạt, sáng tạo trong từng chiến thuật cụ thể. Đó chính là bí quyết để biến thách thức thành thắng lợi. Những phẩm chất ấy tiếp tục là kim chỉ nam cho Việt Nam ngày nay, đặc biệt trong việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược đối ngoại, phát triển kinh tế, khoa học – công nghệ, và ứng phó với các biến động toàn cầu. Việc giữ vững tầm nhìn dài hạn, đồng thời chủ động thích ứng với thực tiễn đang thay đổi nhanh chóng sẽ là chìa khóa để đất nước vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Thanh Tú/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm