Triển lãm thủ công mỹ nghệ vùng Tohoku, Nhật Bản: Vẻ đẹp tuyệt kỹ

02/11/2014 06:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tại Nhà trưng bày triển lãm thành phố (92 Lê Thánh Tôn, TP.HCM) đang diễn ra triển lãm Vẻ đẹp thủ công mỹ nghệ vùng Tohoku, Nhật Bản (tạm viết tắt: Vẻ đẹp Tohoku). Do tương đồng về văn hóa nên những hình ảnh trong triển lãm này ít tạo sự bất ngờ, nhưng xét về tay nghề và thẩm mỹ thì đúng là… đừng khen “phò mã tốt áo”.

Dân tộc Nhật đa văn hóa, giàu sáng tạo, tôn trọng sự dị biệt, nhưng về sâu xa thì lại chia sẻ với nhau nhiều khái niệm chủ đạo. Trong sách Linh hồn Nhật Bản (1996) Suzuki Setsuko đã chỉ ra vô số khái niệm then chốt như vậy. Ông nhận định: “Đặc trưng chủ đạo của mỹ học truyền thống Nhật Bản là xem trọng lối biểu hiện tượng trưng hơn là lối tả thực. Một đặc trưng khác của nghệ thuật chân chính là sự biểu hiện có chọn lọc những gì đẹp đẽ và loại bỏ những thô mạt và hạ phẩm như là chuyện đương nhiên”. Đây là điểm làm cho thủ công mỹ nghệ Nhật Bản khác với nhiều nước trong khu vực Đông Á và thế giới, vì sản phẩm của họ không chỉ có kỹ thuật chế tác bậc thầy, mà còn được tạo nên bằng một triết lý có tính nền tảng và xuyên suốt.

Đến với Vẻ đẹp Tohoku, nếu người xem từng ở miền quê, chúng ta sẽ thấy rất gần gũi, nào giỏ tre, âu gốm, chén gốm…, bên cạnh những hình ảnh đặc thù của Nhật như áo kimono, bình đựng rượu sakê, búp bê gỗ, bình phong… Nhưng nếu để ý kĩ thì sẽ thấy được vẻ đẹp và sự hợp lý trong từng chế tác - luôn tỏ ra ưu việt và nhã nhặn.


Sản phẩm Bình phong các công đoạn sản xuất giấy tại làng Ogawa (1960), giấy, vải sợi nhuộm, gỗ của Serizawa Keisuke


Còn từ phía tổ chức (Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM và Japan Foundation), triển lãm được thực hiện nhằm tưởng nhớ trận động đất và sóng thần tại Tohoku ngày 11/3/2011. Bởi trong 20 khái niệm mỹ học then chốt, người Nhật không bao giờ quên “bi cảm” (buồn vì cái đẹp mong manh), “vô thường” (có sinh ắt có tử), “wabi” (nhàn tịch, lìa xa khỏi thế tục)...

Người Nhật Bản cũng luôn sòng phẳng với sự kế thừa, nên triển lãm đã thể hiện được tính hiện đại và cổ đại, với hành trình xuyên suốt. Nếu chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, ví dụ như gốm Nhật tại một số vùng đã học hỏi kỹ thuật từ gốm Bát Tràng (Việt Nam) thì sẽ nói rõ ra. Chính quan niệm và tinh thần học hỏi như vậy mà nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Nhật Bản phát triển vượt bậc về kỹ thuật lẫn thẩm mỹ, phục vụ được toàn bộ nền văn minh nông nghiệp của họ. Điều này được chính nền công nghiệp và công nghệ hiện đại Nhật Bản kế thừa, nên trong các chế tác chính xác, hàng loạt vẫn phảng phất nhiều dấu ấn thủ công.

Và điều cuối cùng cũng xin nhắc lại, Nhật Bản thuộc số ít các quốc gia hiện đại nhất thế giới, thế nhưng vẫn gìn giữ được các quan niệm cùng kỹ thuật nền tảng bậc thầy, đây là bài học không dễ thuộc với vô số quốc gia đang đối diện với đời sống tiêu dùng đô thị, nơi việc sản xuất hàng loạt chiếu ưu thế.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm