Thần ái tình ẩn kín trong tranh thiếu nữ

25/01/2022 18:03 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong năm 2021, các chuyên gia nghệ thuật đã tiến hành phục chế một số tác phẩm nghệ thuật của các danh họa bậc thầy như danh họa Hà Lan Jan Vermeer và bậc thầy trường phái ấn tượng Pháp Pierre Auguste Renoir. Đáng kinh ngạc là trong quá trình phục chế, các chuyên gia đã tìm thấy những bức tranh ẩn giấu đằng sau những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng.

Bày tranh triệu đô của danh họa Hà Lan Rembrandt

Bày tranh triệu đô của danh họa Hà Lan Rembrandt

Đó là "The Unconscious Patient" (Sense of Smell), bức tranh có niên đại từ thế kỷ 19, từng bị coi là tác phẩm của một nghệ sĩ vô danh ở châu Âu và từng có giá ước tính là 500-800 USD khi được đấu giá ở New Jersey hồi năm ngoái.

Vậy, làm thế nào để các nhà phục chế nghệ thuật phát hiện được những chi tiết này?

Phát hiện thần ái tình trong tranh của Vermeer

Các chuyên gia của Bộ sưu tập nghệ thuật bang Dresden (Đức) đã vô cùng kinh ngạc khi nghiên cứu kỹ lưỡng bức Girl Reading A Letter At An Open Window (Cô gái đọc thư bên cửa sổ mở) được danh họa Vermeer - nổi tiếng với các tác phẩm về đời sống hiện thực - hoàn thành vào khoảng năm 1657 - 1659. Bằng thiết bị kỹ thuật hiện đại, các chuyên gia phát hiện ra dưới lớp màu nền của bức tranh có ẩn hiện hình vẽ thần ái tình Cupid trẻ trung. Vermeer đã vẽ vị thần ái tình này trên bức tường phía sau cô gái, người có vẻ như đang ngây thơ đọc sách. Sau 2 năm làm việc cẩn trọng và tỉ mỉ, các nhà phục chế đã làm lộ được bản vẽ gốc của Vermeer và bức tranh này đang được trưng bày trước công chúng.

Cùng với các danh họa Hà Lan Rembrandt và Rubens, họa sĩ Vermeer (1632 - 1675) được coi là 1 trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của thời kỳ Baroque. Bức tranh Girl Reading A Letter At An Open Window của ông được coi là 1 trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Thời kỳ hoàng kim Hà Lan (Dutch Golden Age) vào giữa năm 1600 và 1700, trong thời kỳ đó Hà Lan phát triển thịnh vượng về mặt chính trị, thương mại và văn hóa.

Chú thích ảnh
Bức tranh “Girl Reading A Letter At An Open Window” của Vermeer trước và sau khi được phục chế

Chỉ với 37 bức tranh, di sản nghệ thuật của Vermeer khá nhỏ, tuy nhiên đã góp phần tạo nên sự phấn khích cho người yêu hội họa trên toàn thế giới với phát hiện ở Dresden. Bảo tàng hiện đang tôn vinh họa sĩ với triển lãm Johannes Vermeer. On Reflection.

Maria Galen, chuyên gia về nghệ thuật hiện đại đồng thời là chủ phòng tranh ở thành phố Greven, miền Tây nước Đức, cho biết: “Việc khám phá các phần của bức tranh đã được vẽ không phải lúc nào cũng mang lại ý nghĩa đặc biệt như trường hợp của Vermeer”. Còn theo Uta Neidhardt, nhà bảo tồn nghệ thuật cấp cao tại Bảo tàng Dresden: “Vermeer đã 4 lần sử dụng thần ái tình trong các sáng tác, và bức tranh này của ông được xem như “tranh trong tranh”.

Việc nghiên cứu và tiến hành các thử nghiệm tiên tiến trong phòng thí nghiệm đã giúp các chuyên gia xác nhận một cách rõ ràng rằng: Vị thần ái tình trong tranh của Vermeer, được tô bằng tông màu nâu và đất son, che phủ bởi một bàn tay khác và cũng che đi lời nói si tình mà Vermeer ban đầu muốn đưa ra.

Trong một thời gian dài, Girl Reading A Letter At An Open Window của Vermeer được cho là bức tranh đại diện cho nội tâm của một tâm hồn trong sáng. Bức tường trống trong tranh với hình bóng thanh tú của cô gái càng làm nổi bật vẻ tĩnh lặng đáng chiêm nghiệm của tác phẩm. Bây giờ, sau 200 năm, bức tranh giờ đây kể một câu chuyện hoàn toàn khác: Đằng sau cô gái là một thanh niên khỏa thân. Cửa sổ đang mở, tấm rèm phía trước thần Cupid được kéo sang một bên, phía dưới là bát hoa quả với những quả táo sáng bóng và những trái đào mỏng manh, mờ ảo - có thể thể hiện sự căng thẳng giữa vẻ bình lặng bên ngoài và sự náo động bên trong, hoặc thậm chí là khao khát được yêu. Bí mật ban đầu của Vermeer dường như đã được tiết lộ.

Chú thích ảnh
Các nhà phục chế đang nghiên cứu bức “The Blinding Of Samson” của Rembrandt

Tìm kiếm bức tranh hoàn hảo

Điều phức tạp của vấn đề này: Thực tế, các bức tranh có thể được vẽ lại theo nhiều cách khác nhau nhất. Hiện, bảo tàng Wallraf-Richartz của Cologne (Đức) đang tổ chức cuộc triển lãm mang tên Revealed! Painting techniques from Martini to Monet (tạm dịch: Tiết lộ! Kỹ thuật vẽ tranh từ Martini đến Monet). Và, một phần của triển lãm đề cập đến những can thiệp nghệ thuật như vậy.

Iris Schaefer, trưởng bộ phận phục chế nghệ thuật tại bảo tàng, cho biết: “Các họa sĩ luôn tìm kiếm những bức tranh hoàn hảo. Chỉ có một số bức tranh, không có pentimenti”.

Theo thuật ngữ chuyên môn, “pentimenti” (hoặc “pentimento”) là sự hiện diện của các hình ảnh đã được tô lên. Điều này bao gồm chỉnh sửa, thay đổi họa tiết và màu sắc, và thậm chí cả những can thiệp nghệ thuật sâu hơn.

Nhưng điều gì thúc đẩy các nghệ sĩ thay đổi tác phẩm của mình? “Có nhiều lý do cho điều đó” - Schaefer nói - “Đôi khi các nghệ sĩ đã nghi ngờ về giá trị của bản thân mình. Thông thường, chúng bắt đầu từ những khủng hoảng trong cuộc sống thực tế. Sau đó những lời chỉ trích từ những người quan sát, người kinh doanh nghệ thuật hoặc người mua đã dẫn tới chuyện này”.

Nhưng có phải “pentimenti” hoặc những thay đổi sau đó trong bức tranh còn được thực hiện với mục đích điều chỉnh tác phẩm nghệ thuật theo những lý tưởng sáng tạo mới? Theo Schaefer, không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt được 2 yếu tố này.

Thông thường, để khám phá bí mật của những bức tranh cũ, các nhà phục chế ngày nay sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận. Họ ưu tiên chú ý tới các nét vẽ có cảm giác bị vẽ quá tay khi quan sát bằng mắt thường. Tiếp đó là sự can thiệp của công nghệ: Kính hiển vi hiện đại cho phép tạo ra góc nhìn 3D với độ phóng đại lên đến 90 lần, trong khi các tia hồng ngoại và tia cực tím có thể khám phá các độ sâu khác nhau của bề mặt bức tranh hoặc phần chữ ký.

Chú thích ảnh
Sử dụng tia X, các chuyên gia làm lộ được bức tranh hoàn toàn khác trong “A Couple” của Renoir

Trong bức tranh sơn dầu A Couple được Renoir vẽ năm 1868, việc sử dụng các tia chiếu đã giúp các chuyên gia thấy một hình ảnh hoàn toàn khác với chân dung người đàn ông và người phụ nữ đứng cùng nhau tại một công viên được nhìn thấy trên bức tranh. Theo đó, hình ảnh mới là 2 người phụ nữ ngồi đối diện nhau.

Các chuyên gia còn có những phát hiện đáng kinh ngạc hơn nữa khi họ áp dụng phương pháp phân tích huỳnh quang tia X vĩ mô, hoặc MA-XRF, một phương pháp hiện đại có thể phân tích thành phần của màu sắc và hiểu được quá trình vẽ tranh.

Kể từ mùa Xuân năm 2021, một trong những bức tranh chính trong Bảo tàng Frankfurt Stadel - The Blinding Of Samson của Rembrandt - đã được đặt dưới máy quét (scanner) chuyên dụng để nghiên cứu. Thực tế, nhiều tác phẩm của bậc thầy hội họa này cũng được tiếp cận không chỉ từ quan điểm của lịch sử nghệ thuật mà còn từ những ứng dụng công nghệ mới nhất, như trường hợp của dự án nghiên cứu và phục chế khổng lồ có tên “Operation Night Watch” được Bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam thực hiện. Cần nhắc lại, vào thời Rembrandt,chủ nhân bức tranh The Night Watch nổi tiếng của ông đã cắt tranh bằng kéo để có thể đưa nó qua cửa. Và, quá trình phục chế cho phép các chuyên gia tái tạo lại những phần còn thiếu của tác phẩm.

Nhà phục chế nghệ thuật Schaefer rất ngưỡng mộ các bảo tàng ở Amsterdam (Hà Lan), Frankfurt (Đức), London (Anh) và Washington (Mỹ), những nơi có nguồn tài chính cho những thiết bị có giá hàng triệu USD. “Thật không thể tin được, công nghệ và khoa học phục chế đã giúp chúng ta hiểu thêm được rất nhiều về các kiệt tác hội họa” - Schaefer nói.

Trong những thế kỷ trước, bằng tài năng thiên phú, các họa sĩ vẫn thường khôi phục các tác phẩm tưởng như bỏ đi của mình. Họ cũng được thuê để “cải thiện” các tác phẩm nghệ thuật của người khác. Ngay cả trong thế kỷ 19, việc vẽ chồng lên và sửa lại các tác phẩm nghệ thuật bị hư hỏng cũng là điều rất phổ biến - dù theo Schaefer, các nghệ sĩ thời đó không hài lòng với việc này.

Phục chế luôn có những quy tắc nghiêm ngặt

Trong lịch sử hội họa, khoảng năm 1900, nghề phục chế tác phẩm mỹ thuật mới ra đời. Tại Đức hiện nay, một thợ phục chế cần phải có bằng đại học, đồng thời bắt buộc phải hiểu biết về lịch sử nghệ thuật và công nghệ. Schaefer nói: “Nghề nghiệp của chúng tôi gắn liền với những quy tắc đặc thù. Có những quy tắc nghiêm ngặt liên quan đến việc can thiệp vào các đối tượng văn hóa và nghệ thuật. Tính toàn vẹn của tác phẩm nghệ thuật luôn được ưu tiên cao nhất”.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm