Sự tan rã của mô hình nhóm nhạc

17/07/2016 07:22 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30/7 tới đây sẽ diễn ra live show đầu tiên và cũng là cuối cùng nhóm nhạc 365 bởi sau đó họ sẽ chính thức tan rã. Đáng nói hơn, sự tan rã này lại không đến từ những bất đồng hay hục hặc giữa các thành viên hoặc giữa ban nhạc và “bà bầu” Ngô Thanh Vân mà là nằm trong kế hoạch đã được dự trù trước.

Sau 5 năm thành lập và khi thành công đang bắt đầu đậm nét thì nhóm nhạc này lại quyết định đi theo con đường solo của mỗi thành viên.

Lấy ngắn nuôi dài?

Nếu xem tuổi thọ của một nhóm nhạc thường trung bình là 5 năm thì nhóm 365 vừa kết thúc một “nhiệm kỳ” khá thành công. Tuy nhiên, sau một chuỗi khá dài xây dựng thương hiệu với nhiều vất vả và khó khăn, thì họ chỉ mới bắt đầu “hái quả” gần đây.

Có thể nói 365 là nhóm nhạc khá thành công hiện nay và khá hiếm hoi khi trụ lại được ở một thị trường đầy bất ổn như V-Pop khi suốt một thời gian dài đã chứng kiến sự ra đi của rất nhiều mô hình nhóm nhạc.


Nhóm 365 sau 5 năm hoạt động đã quyết định tan rã và đi theo mô hình solo của từng thành viên

Nhóm này đã đạt được một số thành tựu đáng kể khi nhận được khá nhiều giải thưởng từ các giải lớn như Mai Vàng, Làn Sóng Xanh, Yan V-Pop… là gương mặt đại diện của nhiều nhãn hàng lớn nổi tiếng suốt nhiều năm và là một trong những nhóm nhạc có lượng fan khủng nhất showbiz.

365 được xây dựng như một hình mẫu theo chuẩn K-Pop, sáng ngoại hình, âm nhạc chỉn chu, có phong cách và ngoan ngoãn. Có một thời gian dài, cánh báo chí rất ngạc nhiên mỗi khi tiếp xúc với nhóm này, bao giờ nhóm cũng được mở đầu bằng câu chào “We are Three Sixty Five” (Chúng tôi là 365). “Bà bầu” Ngô Thanh Vân nói rằng 365 được huấn luyện chuyên nghiệp đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Và để được chuyên nghiệp như vậy, số tiền bỏ vào đầu tư một mô hình như 365 là không hề nhỏ và chắc rằng, trong 5 năm đầu tiên hòa được vốn là một điều không dễ và để xây dựng thương hiệu, nhóm 365 cũng được tách ra để xây dựng cho từng cá nhân. Mỗi thành viên trong nhóm này được phép hoạt động thêm ở nhiều lĩnh vực diễn viên, VJ, MC, viết sách, lồng tiếng phim…

Cá biệt như Isaac được cho phép tham gia vào chương trình The Remix mùa đầu tiên và gây bùng nổ.

Đó chính là những dấu hiệu đầu tiên cho công chúng thấy “hậu” của 365 sẽ ra sao.

Sự thành công của 365 thật ra chính là sự mở đầu cho những dự án solo sau này khi mà mỗi thành viên của nhóm đều đã có “name” và được thị trường đón nhận.

Và điều đó cũng giải thích tại sao tại thị trường V-Pop, 365 gần như là một nhóm nhạc duy nhất tồn tại được trong vòng xoáy bất ổn.

V-Pop có còn khát nhóm?

Nhưng cho dù 365 tan rã vì nguyên nhân nào thì V-Pop lại tiếp tục chứng kiến vấn nạn “chảy máu” mô hình nhóm nhạc.

Điểm lại hiện nay, tính ở thị trường chính thống, thì gần như không còn một nhóm nhạc nào gây được sự chú ý. MTV đã qua thời của mình, OPlus vẫn còn đang trên đường xây dựng thương hiệu, Lime vẫn còn quá mới mẻ… Những nhóm nhạc đang thi thố trên chương trình X-Factor như The Wings, Dolphins, SGirls… mới chỉ gây chú ý ở dạng tiềm năng.

Nhóm nhạc 365 tuyên bố sẽ 'đường ai nấy đi'

Nhóm nhạc 365 tuyên bố sẽ 'đường ai nấy đi'

VAA, công ty đại diện của nhóm nhạc 365 vừa chính thức công bố thông tin nhóm nhạc này sẽ tạm dừng các hoạt động chung và sau ngày 30/7 sẽ chính thức tan rã.


Đã qua rồi thời của những boysband, girlsband khi mà thị trường băng đĩa vẫn còn là mỏ vàng của V-Pop và sự đa dạng của nhiều mô hình âm nhạc đã giúp cho công chúng nhiều sự lựa chọn.

Bây giờ, khi mà băng đĩa đã bão hòa, một nghệ sĩ chỉ có thể sống được bằng… event. Một bầu show cho biết nếu phải chọn nghệ sĩ cho một đêm diễn event thì họ sẽ chọn ca sĩ hơn là nhóm nhạc bởi chi phí để trả cho nhóm bao giờ cũng cao hơn, “mà hiệu quả thì chưa chắc hơn”.

Trong cơn lốc của những buổi diễn event, các nhóm nhạc rất khó chen chân. Để mời một nhóm nhạc danh tiếng ra Hà Nội biểu diễn, nhà sản xuất sẽ phải chịu chi phí gấp 4 đến 5 lần cho một ngôi sao đơn lẻ. “Làm bài toán kinh phí cũng đã thấy mệt rồi, từ tiền vé máy bay, chi phí khách sạn, ăn ở, biểu diễn thì nhà tổ chức cũng đã phải bỏ ra khá nhiều” - một nhà tổ chức cho biết.

Ca sĩ Thiên Vương nhóm MTV chia sẻ: “Có lẽ trên thị trường âm nhạc (Việt Nam và cả thế giới) không có chỗ đứng cho nhóm nhạc. Một nhóm nhạc muốn đầu tư ra ngô ra khoai không phải dễ, từ việc đầu tư về trang phục cho đến việc chi phí đi lại cũng gấp 3 gấp 4 ca sĩ solo, cho đến bài hát phải hòa âm bè bối ra sao cho thật xuất sắc nhất (rất tốn thời gian)... Nhưng ngược lại chỉ nhận cát-sê bằng ca sĩ solo hạng B hoặc kém hơn nữa. Thiệt thòi lắm”.

Quỹ đạo bay của mô hình nhóm nhạc hiện nay không còn như xưa bởi họ luôn phải trả lời những câu hỏi như: Tiền đâu? Phân khúc khán giả? Đầu ra? Trong khi 20 năm trước họ chỉ cần trả lời một câu hỏi: Chơi nhạc gì?

Và đó là lí do vì sao những nhóm có thương hiệu của V-Pop đều lần lượt rã đám, từ V-Music cho đến 365, từ Quái vật tí hon cho đến The Men…

V-Pop từng có một thời sôi nổi với ước mơ trở thành một nền công nghệ “tạo nhóm” nhưng trong khoảng 10  năm trở lại đây, ước mơ đó ngày càng lụi tàn.  

Sự tan rã của 365 dù về mặt chuyên môn không phải là một sự kiện quá to tát, nhưng xét về yếu tố thị trường nó đã chỉ ra một điều rằng V-Pop đang phát triển thiếu cân xứng. Sự bất cân ấy không phải đến từ chính những nhóm nhạc mà từ sự điều tiết của cung cầu và những bất ổn nằm trong.

Khi mà live show ngày càng thụt giảm, lượng băng đĩa gần như bão hòa thì việc “mất tích” của một mô hình cũng chẳng có gì là quá ngạc nhiên…

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm