Sự ngây thơ bền bỉ của Hoàng Phượng Vỹ

05/09/2022 19:15 GMT+7 | Văn hoá

Vậy là sau Tuổi thơ (năm 2005) tại Hà Nội, đến nay Hoàng Phượng Vỹ mới làm triển lãm cá nhân lần tiếp theo. Triển lãm Miên Thu, bày 48 tác phẩm, vừa khai mạc tối 4/9 tại HAKIO-Let’s Art (38 Trần Cao Vân, TP.HCM). “Tôi vẫn ngây thơ bền bỉ như một niềm đam mê suốt những năm qua. Đi kèm đó là nỗi nhớ thẳm sâu về cha mình” - Hoàng Phượng Vỹ chia sẻ.

Nghệ thuật vì người khó khăn vùng dịch: Hội họa tiếp tục xông xáo

Nghệ thuật vì người khó khăn vùng dịch: Hội họa tiếp tục xông xáo

Tối 19/7/2021, trên trang cá nhân, Xèo Chu, họa sĩ nhí vừa đoạt giải Dế Mèn 2021, đã đấu giá 4 bức tranh được 650 triệu đồng để hỗ trợ y bác sĩ và bệnh nhân Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Nhà sưu tập Trang Hạnh (chủ phòng tranh HAKIO-Let’s Art) chia sẻ lý do tổ chức triển lãm cho Hoàng Phượng Vỹ lần này. Chị nói: “Những mảng màu tươi luôn được anh điểm xuyết thêm những chi tiết đượm màu thời gian hoặc ngược lại, như nhắc nhở chúng ta rằng đó chỉ là ký ức yêu thương của một người trưởng thành về quãng thời gian tuyệt đẹp đã qua. Chính sự đơn giản trong tranh của Hoàng Phượng Vỹ đi cùng cách phối màu đó đã đẩy xúc cảm thời “hoang sơ chưa vướng bụi trần” trong mỗi chúng ta trở thành miên man nỗi nhớ. Lần triển lãm cá nhân này anh đã đưa thời khắc Tết Trung Thu vào tranh để khơi lại nỗi nhớ không thể thiếu đó trong mỗi chúng ta. Vì vậy, Miên Thu là sự khắc khoải về những hồi ức tuyệt đẹp đã qua, nhưng mong nó sẽ còn lưu lại dư âm mãi mãi”.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ

Ngây thơ là một chọn lựa

Mấy chục năm qua, Hoàng Phượng Vỹ gây ấn tượng trên con đường hội họa của mình bằng bút pháp theo lối naïve art (tạm dịch: nghệ thuật ngây thơ). Điều này thì khỏi cần nhắc lại, vì ai biết đến Hoàng Phượng Vỹ thì cũng đã thấy khá rõ rồi. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Hoàng Phượng Vỹ có thể có được/ hoặc giữ được sự ngây thơ một cách bền bỉ đến như vậy?

Hoàng Phượng Vỹ sinh năm 1962 tại Hà Nội, nếu ở cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” mà anh mới bắt đầu trở nên ngây thơ, thì không khó giải thích. Trong khi anh ngây thơ ngay từ tuổi trưởng thành, trong lúc đi qua những năm tháng khó khăn nhất của đất nước sau 1975. Quả là lạ.

Về đời tư, anh là con trai của nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925-1993), một tấm gương của tự học và uyên bác. Hoàng Phượng Vỹ được thừa hưởng nhiều tố chất từ cha, nên từ trẻ đã ham đọc, thích làm thơ, thích gặp gỡ, trò chuyện riêng với các văn nghệ sĩ, trí thức. Khi ngà ngà say, khi tương đối “bất cẩn” với lý trí, Hoàng Phượng Vỹ có thể thao thao thất tuyệt từ văn hóa, chính trị cho đến lý thuyết, quan niệm nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca. Cho nên, không thể nói Hoàng Phượng Vỹ ngây thơ vì chỉ biết ngây thơ mà thôi. Ngây thơ với Hoàng Phượng Vỹ là một chọn lựa.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Đi hội” (sơn dầu, 100cm x 120cm, 2021)

Từ một học sinh toán lý hóa, rồi chuyển qua học kiến trúc, rồi tự dưng chỉ chuyên tâm làm thơ và vẽ tranh, quả là khó để gia đình được yên tâm. Hoàng Trung Thông không cấm, nhưng cũng không hề thích các con của mình nối nghiệp văn hóa - nghệ thuật, vì sợ sẽ khổ thân và khổ tâm. Có lẽ do trực tiếp chứng kiến những nhọc nhằn và lo lắng của cha, nên Hoàng Phượng Vỹ chọn lối vẽ ngây thơ. Ngây thơ vừa để giấu bớt cái tôi của mình, để bớt đi sự lo lắng của cha, vừa để có dịp đứng bên lề mà nhìn ngắm, mà gửi gắm được những ý riêng.

Cây bút chuyên mảng mỹ thuật, nhà phê bình Đăng Tiêu nhận định: “Tranh của Vỹ cũng trong trẻo và ngây thơ như vậy. Màu sắc rực rỡ, thậm chí nhiều khi Vỹ phối màu đụng nhau chan chát, nhưng nhịp điệu mà chúng tạo ra lại mạnh mẽ, sắc nét, dặt dìu và giàu chất cảm. Như thể ở đó phát ra một âm thanh, và đó là thứ âm thanh dịu ngọt tinh tế mà vẫn hiện đại khiến người ta phải ngỡ ngàng. Nhân vật trong tranh Hoàng Phượng Vỹ thường là phụ nữ và trẻ em. Đôi khi, không có ranh giới tuổi tác để xác định được họ. Bởi Vỹ vẽ phụ nữ cũng ngây ngô như trẻ thơ”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Người cha” (sơn dầu, 80cm x 80cm, 2021), vẽ nhà thơ Hoàng Trung Thông

Nỗi nhớ thẳm sâu về cha

Chia sẻ thêm về lý do làm Miên Thu, Hoàng Phượng Vỹ nói: “Cha tôi tuổi Dần, sinh ra tôi cũng tuổi Dần, năm nay năm Dần, nên sự trùng hợp này càng làm cho nỗi nhớ cứ ứa trào khôn nguôi”. Theo lý thuyết của Bruno Bettelheim (1903-1990), sự yêu kính nếu đẩy đến tận cùng vừa làm nên sức mạnh to lớn, vừa làm nên sự mặc cảm. Hoàng Phượng Vỹ yêu kính cha mình đến tận cùng, điều này dẫn đến tâm lý bản thân luôn muốn là đứa con nhỏ bé, ngây thơ của cha, nên không muốn làm gì vượt thoát sự ngây thơ đó. Thậm chí không muốn tỏ ra giỏi hơn cha, dù chỉ là ở một khía cạnh hẹp nào đó, như vẽ tranh chẳng hạn.

Khảo sát những chủ đề, những ký hiệu trong tranh của Hoàng Phượng Vỹ có thể thấy điều này: Anh luôn vẽ những ký ức, những hình ảnh, những câu chuyện gắn liền với tuổi thơ, thời rất gần gũi với cha và gia đình.

Trong bài Thơ cho con (năm 1967) của Hoàng Trung Thông, có đoạn: “… Sóng lúa nhấp nhô, đồng ngô xào xạc/ Đầm sen trong vắt thẳng tắp bờ đê/ Những bước chân trâu chậm rãi nặng nề/ Hàng vải nhãn quả sum sê tay với tới/ Con đã sống những đêm Hè gió thổi/ Ngắm ông trăng chạy giữa hai hàng cau/ Những đêm Đông sương thẩm mái đầu/ Ổ rơm quây tròn con với mẹ”. Ở trong một gia đình mà tình thương yêu dạt dào như vậy, có mặc cảm, có thua sút người thân một chút, cũng không sao. Chưa nói, sự mặc cảm lại làm nên những tác phẩm ý vị, có nét riêng, thì còn gì phải băn khoăn.

Chú thích ảnh
Triển lãm tái hiện không khí Trung Thu, nên trẻ em rất thích

Ở mảng tranh chân dung, khi vẽ cha mình, Hoàng Phượng Vỹ thường gửi gắm vào đó những ký hiệu và ý niệm làm nên bản thể nhân vật, hơn là đặc tả. Nhưng tài tình ở chỗ, dù chỉ vẽ khơi gợi như vậy, vẫn dễ dàng nhận ra Hoàng Trung Thông, đặc biệt ở khía cạnh tâm sự và nỗi lòng của ông lúc về già. Hoàng Phượng Vỹ dù đi con đường khác với cha của mình, ngay trong thơ ca cũng khác, nhưng anh vẫn đau đáu chia sớt những nỗi niềm khó nói ra của cha, nên vẽ cha với tất cả nỗi nhớ và sự yêu thương sâu thẳm.

Một không khí Trung Thu

Nói về lý do triển lãm tái hiện không khí Trung Thu, Hoàng Phượng Vỹ chia sẻ: “Cha tôi là thi nhân. Yêu mùa Thu! Yêu trăng Thu! Nên tôi muốn nhân dịp này dâng tặng cha một triển lãm cá nhân, sau nhiều năm chỉ âm thầm vẽ. Bao yêu thương và nỗi niềm tôi chỉ biết gửi cả vào tranh. Tôi mong cha sẽ hài lòng và tôi mong cuộc sống của chúng ta sẽ luôn như những ngày hội Trung Thu, đoàn viên, yên vui, ấm áp miên viễn”.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm