Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ thúc đẩy tiềm năng sáng tạo nghệ thuật thứ 7

18/09/2019 18:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), trình Chính phủ trong năm 2019. Một trong những vấn đề được quan tâm lấy ý kiến đóng góp lần này là thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh để thúc đẩy tiềm năng sáng tạo nghệ thuật thứ 7, đóng góp vào việc phát triển điện ảnh Việt Nam.

Điều hành Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cần giỏi cả nghệ thuật lẫn tư duy kinh tế

Điều hành Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cần giỏi cả nghệ thuật lẫn tư duy kinh tế

Thứ trưởng Vương Duy Biên kỳ vọng, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ sớm được thành lập để hỗ trợ sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà. Ông đặc biệt nhấn mạnh: người đứng đầu, điều hành Quỹ phải là người vừa giỏi về nghệ thuật và biết làm kinh tế.

Nguyên Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh cho biết: Sản xuất phim là một lĩnh vực yêu cầu đầu tư kinh phí lớn, nhưng việc thu hồi vốn để tái đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro, đặc biệt là với các phim nghệ thuật. Vì vậy, cần có quy định để hỗ trợ, khuyến khích, chia sẻ khó khăn với nhà sản xuất.

Hơn nữa, phim do Nhà nước đặt hàng chỉ thực hiện với các nhóm đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị (khoản 4, Điều 5, Luật Điện ảnh hiện hành) mà chưa quan tâm đến sản xuất phim nghệ thuật, phim giải trí. Theo đó, các phim nghệ thuật, giải trí tạo nên sự phong phú, đa dạng của điện ảnh dân tộc không nằm trong diện được đặt hàng từ ngân sách. Do đó, để khuyến khích đầu tư sản xuất các loại phim này, cần thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh để đầu tư, khuyến khích sản xuất nhằm tạo nên sự đa dạng, phong phú và bản sắc của phim Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông Đỗ Duy Anh khẳng định: Việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển của điện ảnh thế giới.

Theo thông tin từ Cục Điện ảnh, hầu hết các quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines… đều thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh hoặc tổ chức tài chính nhằm thu hút nguồn vốn thực hiện các dự án điện ảnh.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điện ảnh Pháp (CNC), hiện nay trên toàn thế giới có hơn 200 quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh hoặc tổ chức tài chính, hàng năm hỗ trợ, tài trợ cho hàng ngàn dự án sản xuất phim. Hoạt động này nhằm chủ yếu là duy trì, bảo vệ và phát triển công nghiệp điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bàn sắc văn hóa  dân tộc mỗi quốc gia.

Nguồn thu để duy trì và phát huy hiệu quả các quỹ hỗ trợ điện ảnh ở cấp độ quốc gia của các nước trên thế giới đều được thể chế hóa trong luật. Nguồn thu chủ yếu cho quỹ này được trích từ các tỷ lệ % tiền vé xem phim tại các rạp, từ quảng cáo trên truyền hình, chiếu phim trên internet...

Ở Việt Nam, trong quá trình soạn thảo đề án xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, vấn đề xác định nguồn thu ổn định để quỹ tồn tại, phát huy được hiệu quả đang gặp nhiều khó khăn về quy định pháp lý.

Cụ thể, có 4 nguồn thu cho quỹ được xác định trong đề án. Đầu tiên là ngân sách nhà nước chỉ cấp 1 lần với điều kiện phải thực hiện nguyên tắc bảo tồn vốn. Nguồn thứ 2 là thu từ phát hành, phổ biến phim đặt hàng sản xuất từ ngân sách, sau khi trừ chi phí phát hành, các chi phí khác. Nhưng thực tế, nguồn thu này hầu như không có hoặc rất hạn chế. Nguồn thứ 3, là từ các khoản đóng góp tự nguyện, tài trợ, viện trợ hợp pháp. Đây cũng là nguồn không ổn định, khó thực hiện.

Nguồn thứ 4 là trích tỷ lệ từ doanh thu chiếu phim tại các rạp. Nếu thực hiện được thì đây sẽ là một khoản thu lớn, ổn định đảm bảo để quỹ phát triển hiệu quả. Nhưng Luật Điện ảnh hiện hành không quy định việc trích tỷ lệ phần trăm doanh thu chiếu phim vào nguồn thu của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nên chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện…

Do đó, trong lần sửa đổi này, Cục Điện ảnh đề xuất cần bổ sung vào Luật Điện ảnh 3 nguồn thu: Phần trăm doanh thu chiếu phim tại các rạp và thu từ phát hành, phổ biến phim được sản xuất có sử dụng ngân sách; nguồn từ thu phí thẩm định, phân loại phim, cấp phép hợp tác, liên doanh sản xuất, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Ngoài ra, Cục Điện ảnh cho rằng cần nghiên cứu đưa vào Luật Điện ảnh sửa đổi cơ chế để thu từ việc kinh doanh phát hành phim trên mạng của các nhà phát hành phim đặt máy chủ tại Việt Nam, nước ngoài. Đây chính là nguồn thu tiềm năng cho quỹ để phát triển nền điện ảnh nước nhà…

Thanh Giang/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm