Phó Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL nói về bạo lực ở lễ hội: Điều chỉnh, chứ không nên xóa bỏ

10/03/2015 08:35 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nên xóa bỏ hay duy trì các nghi thức truyền thống tiềm ẩn khả năng gây ra bạo lực trong lễ hội? Đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi  liên tục chứng kiến cảnh ẩu đả, giẫm đạp nhau trong các màn cướp hoa tre tại Hội Gióng, cướp phết tại Phú Thọ hay cướp lộc tại đền Trần.

Mới nhất, vào đầu tháng 3 vừa qua, Văn phòng Chính Phủ cũng đã có chỉ đạo, yêu cầu ngành quản lý văn hóa nghiên cứu thảo luận và tìm ra các yếu tố tiêu cực, không còn phù hợp trong lễ hội truyền thống để từng bước loại bỏ.

Bộ VH,TT&DL: Thận trọng

"Việc nghiên cứu sẽ được tiến hành trong thời gian tới. Từ kết quả thảo luận, địa phương và giới khoa học sẽ đề xuất lên Bộ VH, TT&DL và Chính Phủ về hình thức ứng xử với những nghi thức không còn phù hợp" - ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL cho biết - "Tuy nhiên, quan điểm chung của chúng tôi vẫn là tìm phương án khắc phục và điều chỉnh trong khâu tổ chức, để các nghi thức này được diễn ra một cách ngăn nắp, trật tự".

Sự thực, các màn ẩu đả giẫm đạp tại Hội Gióng Sóc Sơn hay cướp lộc Lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định) được nhắc tới trong thời gian qua đều có một kịch bản chung: Lượng người tham dự quá đông và cùng háo hức giành những vật khước được cho là mang lại may mắn. Và, dù lên án tình trạng "ăn thua" này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng rất thận trọng khi nhắc tới việc thay đổi các nghi thức gắn với tục "cướp lộc"- vốn đã được cộng đồng bản địa thành kính duy trì trong hàng trăm năm qua.

"Các nghi thức này đáp ứng được nhu cầu văn hóa, nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận người dân nên cần được xem xét thận trọng"- ông Phúc nói- "Thậm chí, nghi thức cướp hoa tre và cướp trầu cau còn được ghi trong các trang từ 114- 120 của hồ sơ trình UNESCO công nhận Hội Gióng là Di sản Văn hóa Thế giới. Việc tự ý thay đổi một nghi thức cấu thành Di sản Thế giới là điều không dễ chút nào".

"Rất nhiều lễ hội trên toàn quốc đều có hình thức tranh lộc lấy may như vậy. Điển hình, ngoài Hội Gióng Sóc Sơn, Hội Gióng Phù Đổng hàng năm cũng có màn đưa cờ lệnh và chiếu Thánh ra sân cho du khách tranh xé thành từng mảnh lấy may" – PGS Nguyễn Văn Huy (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia), cho biết thêm. " Bởi vậy, ta nên đặt vấn đề về trách nhiệm trong khâu tổ chức của địa phương, chứ không nên xóa bỏ một nghi thức phổ biến ở hàng trăm lễ hội".


Lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định) - 2015 hỗn loạn vì cảnh “cướp lộc”

Không để lễ hội “quá tải”

Thực tế, không chỉ với câu chuyện "bạo lực" của năm 2015, hầu hết sự lộn xộn trong một số lễ hội truyền thống vài năm nay đều được phân tích từ một nguyên nhân chính: sự quá tải về không gian và cả về khả năng quản lý của địa phương khi khách thập phương dồn về. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với lịch sử hình thành, khi các lễ hội đó vốn chỉ phục vụ cộng đồng bản địa, và luôn được vận hành với tâm thế thành kính.

"Nhiều du khách tới lễ hội của địa phương khác với tâm lý hiếu kỳ, a dua và thiếu đi sự tôn trọng cần có. Ngoài ra, cũng phải kể tới việc các nghi thức thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn tại đến Trần khi xưa, vua Trần là người đóng ấn rồi ban cho quan, cho dân, chứ không phải thực hiện theo cách bây giờ" – ông Phúc nói - "Bởi vậy, việc thiếu tôn kính, ào ạt lộn xộn để tranh cướp lộc là dễ hiểu".

Ông Phúc cho rằng việc giữ trật tự trong các màn "tranh lộc" tại các lễ hội truyền thống hoàn toàn có thể thực hiện với hình thức giảm bớt số lượng người được phép tham dự nghi thức này. "Tại An Giang, lễ hội bà chúa Sứ cũng từng điều chỉnh, chỉ cho phép 600 khách tham dự nghi thức tắm và thay xiêm y cho tượng Bà và cảnh lộn xộn giảm đi đáng kể. Theo tôi, để giữ trật tự, Hội Gióng có thể nghiên cứu, chỉ phát vài trăm giấy mời cho các đại biểu tham gia lễ trước và nghi thức tranh hoa tre- thay vì để diễn ra ồ ạt theo kiểu hàng vạn người cùng được tham gia" – ông Phúc nói thêm.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm