PGS-TS Đoàn Lê Giang: 'Đã nhìn thấy một vị thế mới về Việt Nam học trên thế giới'

31/07/2019 14:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong 2 ngày 26 và 27/7/2019, hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 4 với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam học trong thế giới ngày nay do khoa Việt Nam học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM tổ chức với sự góp mặt đông đảo của các nhà nghiên cứu Việt Nam học trong nước và quốc tế. Hội thảo đặt ra được nhiều vấn đề thú vị, mới mẻ, cho thấy một vị thế mới về nghiên cứu Việt Nam học trên thế giới.

Tài liệu Tiếng Việt công nghệ 'nóng' tại phiên họp Thường vụ Quốc hội

Tài liệu Tiếng Việt công nghệ 'nóng' tại phiên họp Thường vụ Quốc hội

Bày tỏ quan điểm về cải cách tiếng Việt và tài liệu tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tỏ ra bất ngờ về phương pháp dạy tiếng Việt đã được thực nghiệm giảng dậy suốt 40 năm qua.

Hội thảo nhận hơn 150 báo cáo, nội dung chủ yếu tập trung vào bốn lĩnh vực chính: Việt Nam học quốc tế, Việt ngữ học và phương pháp giảng dạy tiếng Việt, Văn hóa - văn học Việt Nam; Lịch sử - xã hội Việt Nam.

PGS-TS Đoàn Lê Giang (Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) là Trưởng ban nội dung của hội thảo, chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN):

* Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề thú vị, nhưng theo cái nhìn của riêng ông, nổi bật nhất là vấn đề gì?

- Nổi bật nhất là tình hình nghiên cứu Việt Nam trên thế giới. Trong báo cáo đề dẫn, tôi có trình bày sơ lược quá trình 400 năm nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài.

Những ghi chép về mảnh đất Việt Nam có thể thấy sớm nhất trong Sử ký của Tư Mã Thiên, vào thời Tây Hán, thế kỷ 1 trước Công nguyên. Sau một chút đó là các ghi chép trong các bộ sử như Hán thư, Hậu Hán thư, Ngụy thư, Tam Quốc chí… Thế nhưng “thế giới” bấy giờ chỉ là “khu vực văn hóa chữ Hán”, cũng gọi là khu vực văn hóa Đông Á mà Việt Nam mới bước chân vào. Và vì vậy Việt Nam chưa thực sự được biết đến trên thế giới rộng lớn - thế giới năm châu.

Chú thích ảnh
PGS-TS Đoàn Lê Giang báo cáo đề dẫn tại hội thảo

Cho đến khi công cuộc toàn cầu hóa bắt đầu, việc phát hiện ra con đường từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương qua eo biển Malacca của các nước phương Tây vào thế kỷ 16 khiến cho việc giao thương giữa các nước châu Âu và vùng Viễn Đông trở nên nhộn nhịp. Mảnh đất Việt Nam đã bắt đầu được biết đến trong các ghi chép trong các du ký của các giáo sĩ thừa sai, các thương nhân, các nhà thám hiểm.

Sớm nhất là cuốn Thập kỷ châu Á, những hành động mà người Bồ Đào Nha đã thực hiện trong cuộc chinh phục và khám phá vùng biển và vùng đất phía đông của nhà ngôn ngữ học người Bồ Đào Nha João de Barros (1496-1570), xuất bản lần đầu ở Lisbon 1563 có ghi chép về Côn Đảo của Việt Nam.

Phải đến Xứ Đàng Trong năm 1621 của Cristophoro Borri (1583-1632) thì mới có ghi chép chuyên về Việt Nam của một người châu Âu. Tập sách được xuất bản lần đầu bằng tiếng Ý năm 1631. Có thể coi Borri là nhà “Việt Nam học” nước ngoài đầu tiên - theo nghĩa chưa chặt chẽ lắm của từ này. Từ bấy đến nay lịch sử ngành Việt Nam học thế giới đã gần tròn 400 năm.

Ở nhóm vấn đề “Việt Nam học quốc tế”, các tham luận tập trung vào việc trình bày tình hình, phương pháp, thành tựu Việt Nam học ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc…

* Còn những vấn đề khác như giảng dạy tiếng Việt trên thế giới?

- Vị trí tiếng Việt, giảng dạy tiếng Việt trên thế giới cũng có những phát hiện thú vị. Trong tham luận Lịch sử giảng dạy và học tập tiếng Việt tại Nhật Bản vào thế kỷ 18-20, GS Shimizu đến từ Đại học Osaka (Nhật Bản) cho biết những thông tin thú vị như tiếng Việt được biết đến và ghi lại ở Nhật từ rất sớm: Giữa thế kỷ 18 qua 2 bộ phiêu lưu ký có hành trình đến Việt Nam là An Nam quốc phiêu lưu vật ngữ và Nam Biều ký.

Sách dạy tiếng Việt của Nhật Bản cũng có từ rất sớm. Bộ sách sớm nhất là Hội thoại tiếng An Nam của Nakagawa Taichi (NXB Sanseidou, 1941) và Hội thoại tiếng An Nam của Andou Nobukazu và Takahashi Tsuneo (NXB Keisetsushoin, 1941). Sau đó là các giáo trình tiếng Việt như là Nhập môn tiếng An Nam, phần ngữ pháp (1942), phần hội thoại (1942) và phần đọc bài (Indosina-kenkyukai [Hội Nghiên cứu Đông Dương] xuất bản, 1942). Học giả Kin Eiken thì đã soạn thảo Từ điển hội thoại Nhật-Pháp-An Nam (NXB Okakurashobou, 1942). Sách Việt Nam văn phạm của Trần Trọng Kim đã được sang tiếng Nhật từ 1944 (Hisamochi Yoshitake dịch, Hakusuisha xuất bản, Tokyo).

Chú thích ảnh
Hai tập kỷ yếu của hội thảo Việt Nam học vừa diễn ra

* Nhìn tổng quan, hội thảo vừa rồi đã đạt được những gì?

- Việt Nam là một đất nước có vị trí quan trọng ở Đông Nam Á, hay rộng ra là ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Việt Nam là một dân tộc có nền văn hóa phong phú, sâu sắc, người Việt Nam cần cù, thông minh, hiếu học, có ý chí và nghị lực phi thường. Việt Nam là tâm điểm cho phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa ở thế kỷ 20 và gần đây trở thành tâm điểm cho sự Đổi mới thành công. Vì vậy ngành Việt Nam học trong quá khứ đã ra đời từ sớm và hiện nay, càng ngày càng trở nên thu hút các học giả quốc tế.

Bên cạnh các quốc gia có ngành Việt Nam học mạnh, giàu truyền thống như Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga… thì vài chục năm nay Hàn Quốc, Hoa Kỳ nổi lên như những quốc gia có sự phát triển phi mã về Việt Nam học. Nếu như các nhà Việt Nam học Hàn Quốc chú trọng ở tư liệu và các mối giao lưu khu vực, thì các nhà Việt Nam học Hoa Kỳ lại chú trọng ở ngôn ngữ, văn hóa truyền thống, lịch sử cổ đại và hiện đại. Không những thế, Hoa Kỳ còn dẫn đầu về việc đổi mới cách nhìn và phương pháp luận nghiên cứu về Việt Nam học. Nên có thể nói: Đã nhìn thấy một vị thế mới về Việt Nam học trên thế giới

* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị này.

Tại hội thảo, tham luận của PGS-TS Nohira Munehiro (Đại học Ngoại ngữ Tokyo) vẽ lại con đường đi sứ của Nguyễn Du, khác với cách hình dung của các học giả tiền bối như Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Hoàn…, đã gây sự chú ý đặc biệt.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm