Những vết hằn của điêu khắc gia Khổng Đỗ Tuyền

05/02/2017 11:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Những vết hằn đang diễn ra tại À Gallery (46 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM), kéo dài đến hết ngày 13/2/2017, tuy là cuộc trưng bày cá nhân lần thứ hai của Khổng Đỗ Tuyền, nhưng lại đánh dấu một hành trình sáng tạo bền bỉ, thú vị của điêu khắc gia này.

“Sự tác động từ bên ngoài vào mỗi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống luôn tạo ra những biến thể và làm thay đổi những trạng thái nguyên bản vốn có của chúng. Những thay đổi đó đôi khi “trông thấy” nhưng có những thay đổi vi tế tới mức tưởng như không tồn tại. Dù vậy dấu vết của những tác động vẫn luôn tồn tại. Chỉ khi nhìn sâu vào hành trình của mỗi sự vật hiện tượng đó, ta sẽ cảm nhận được sự sống và những vận động ở bên trong nó - sự vận động đó để thích nghi, để thay đổi hay vươn lên rồi thoát ra khỏi sự tác động. Những vết hằn là sự nhìn và cảm nhận của tôi về cuộc sống” - Khổng Đỗ Tuyền cho biết.


Điêu khắc gia Khổng Đỗ Tuyền

Khi nghĩ đến điêu khắc, người xem dễ hình dung những hình khối có tỷ lệ như người thật, hoặc đồ sộ, Khổng Đỗ Tuyền cũng có những tác phẩm như vậy, ví dụ như Kết nối ở Flamingo (Đại Lải, Vĩnh Phúc). Nhưng triển lãm Những vết hằn thì khác, nó như chủ đích đi vào không gian nội thất, nên chỉ bao gồm những tác phẩm kích thước nhỏ, đôi khi chỉ cao chừng 15-20cm.

Về mặt tư duy, tác phẩm điêu khắc lớn cần chiếm lĩnh và hòa cùng không gian, hoặc làm thay đổi, hoặc bù đắp những khiếm khuyết của không gian đã có. Có thể nói không gian cũng là một phần của tác phẩm lớn, đó là chất liệu, cấu trúc hình khối và không gian của chính tác phẩm.

Còn tác phẩm kích thước nhỏ thì về không gian vẫn cần, nhưng không quá phụ thuộc, mà yếu tố không gian cụ thể từ cấu trúc hình khối của tác phẩm sẽ quyết định. Có thể nói tác phẩm nhỏ cần một không gian sạch, càng ít đồ đạc xung quanh càng tốt.

Thế nhưng, điểm chung trong tác phẩm của Khổng Đỗ Tuyền là cảm giác như muốn bung phá, như muốn bùng nổ một nguồn năng lượng bị dồn nén. “Khổng Đỗ Tuyền là một khuôn mặt nổi bật và lạ, nghệ thuật của anh khó phân tích bởi tính riêng tư và kiệm lời. Một cách tự nhiên và với tài năng (tôi không nói là bản năng), anh chọn hình thức điêu khắc khắc khổ, loại bỏ hết sự rườm rà, hoa mỹ.


Tác phẩm "Vết hằn 1.3" (gang đúc, 38cm x 50cm x 18cm, 2016)

Hầu hết tác phẩm của anh được thực hiện theo lối nén khối, gây cảm giác vật chất bị dồn chặt tới mức muốn phá ra và thoát khỏi hình dạng của mình. Khối điêu khắc vì vậy chứa được một năng lượng bên trong, sự tĩnh tại chứa khả năng bùng nổ. Với nghệ thuật điều đó giống như đi ngược: kim loại đi ngược về quặng, ngôn ngữ đi ngược về im lặng, lời đi ngược về ý” (trích bài viết của họa sĩ Lý Trực Sơn).

Chính Khổng Đỗ Tuyền thì cho rằng: “Khi nhìn mọi sự vật hiện tượng bên ngoài tôi thường liên tưởng về sự chuyển động ở phía trong - cái bản chất phía sau của chúng - nên mỗi người thường nhìn một cách. Tác phẩm như là một chứng tích, là sự khắc họa và lưu giữ lại những gì ta cảm nhận từ cuộc sống, được chuyển ra hình khối. Còn cái mà đã tạo thành hiện trạng bên ngoài, nhiều người nhìn có cảm tưởng cố định, bền vững, nhưng thực ra là kết quả cắt cúp từ một cảm giác và khoảnh khắc nào đó”.

Triển lãm giới thiệu 17 tác phẩm mới, kéo dài đến hết ngày 13/2/2017.

Khổng Đỗ Tuyền sinh năm 1974 tại Vĩnh Phúc, hiện sống và làm việc tại Hà Nội, hiện là giảng viên Khoa Điêu khắc của Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2005, anh tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành điêu khắc, năm 2012 bảo vệ thạc sĩ nghệ thuật tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Từ năm 2003 đến nay anh đã tham gia khoảng 30 triển lãm chung và trại lưu trú sáng tác về điêu khắc. Năm 2015, triển lãm điêu khắc cá nhân Chuyển động ngầm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tạo được dư luận rất tích cực.

Trong nhiều giải thưởng đã nhận, tiêu biểu có Huy chương Bạc tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (năm 2005), giải C khu vực I của Hội Mỹ thuật Việt Nam (năm 2007 và 2008), giải A khu vực I của Hội Mỹ thuật Việt Nam (năm 2015).


Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm