Những ngày cuối cùng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (Kỳ cuối)

28/08/2008 08:26 GMT+7 | Văn hoá

Kì cuối: Đi vào huyền thoại

(TT&VH) - Một bạn văn của Lưu Quang Vũ kể lại: thập kỷ 70, trước khi đến với sân khấu, Vũ đã có một chuỗi ngày buồn tủi khi tìm nghề kiếm sống, tìm đường đi trong cuộc đời và tự tìm kiếm năng lực sáng tác của mình. Quãng thời gian khó khăn ấy, anh và Vũ đã nghĩ tới chuyện bỏ ra nước ngoài. Để rồi, sau khi suy nghĩ, đêm cuối cùng trước khi xuống tàu, Vũ lắc đầu: chúng ta không thể bỏ đi. Chúng ta không thể rời tổ quốc trong những năm khó khăn thế này. Hãy ở lại đi! Hãy tiếp tục viết để tự chứng minh: chúng ta là những người tử tế trong số những người tử tế...

Nếu có thật, câu chuyện ấy càng làm độc giả hiểu và thương Lưu Quang Vũ. Nhưng, rất có thể, đó chỉ là một trong những "huyền thoại" mà những người quá yêu Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ dựng lên....

* Bí ẩn của định mệnh!

Nói về tai nạn thương tâm xảy ra với gia đình Lưu Quang Vũ, người ta thường nhắc tới hai từ: định mệnh. Định mệnh khiến tai nạn xảy ra. Định mệnh khiến họ đi xuống Hải Phòng bằng chiếc xe com măng ca - loại xe chỉ có 2 băng ghế đặt dọc thân xe. Định mệnh khiến gần tới cầu Phú Lương, Vũ chuyển lên ngồi ghế trước trong khi mẹ con nhà thơ Xuân Quỳnh ngồi một bên băng ghế. Để rồi, cách tai nạn diễn ra đã dồn hết tai họa lên đầu gia đình anh...
 
Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Nhưng, cũng từ hai chữ "định mệnh", các bạn của Vũ trong ngành sân khấu đã nhớ ra: anh đặt tên cho kịch bản đầu tiên của mình là "Sống mãi tuổi 17". Và vở cuối cùng, còn đang viết dở khi tai nạn xảy ra, có tên "Chim sâm cầm đã chết". Mở ra nghề viết kịch bằng "sống" và khép lại bằng "chết", có phải "một lời là một vận vào"?

Rồi, trong nhật ký của mình, năm 17 tuổi, Lưu Quang Vũ có viết: "Rất có thể sẽ có một điều vô lý nào đó tới cắt đứt cuộc đời ta. Cái chết, ta không sợ nó, nhưng nếu chết bây giờ thì uổng quá... Độ 20 năm nữa, khi ta đã trả nợ xong, khi có thể coi là đã làm được chút gì đó cho đời, ta sẽ chẳng ân hận gì khi nhắm mắt. Đấy là chỉ tiêu của ta, có ngắn ngủi không? Chỉ 20 năm thôi mà...". Đúng, Vũ chỉ có gần 20 năm lóe sáng trên đỉnh cao, kể từ khi anh bắt đầu viết "Sống mãi tuổi 17" vào năm 1979 cho tới năm 1988, khi xảy ra tai nạn

Thương tiếc người bạn văn của mình, nhà văn Ma Văn Kháng đã viết truyện ngắn "Người đánh giậm đồng chiêm". Đó là chuyện về chàng trai đánh giậm tình cờ gặp Vũ, khi chuyến xe định mệnh tạm dừng lại trên đường. Người nông dân bình thường ấy được nghe Vũ tâm sự về ý nghĩa của cuộc sống và nghệ thuật. Rồi, 5 phút sau, tai nạn xảy ra. Đau đớn, anh chạy tới túm cổ người lái xe gây tai nạn: Khốn nạn! Mày vừa giết một thiên tài!

Dường như, sự ra đi đột ngột của Vũ đã khiến cho những người yêu quý anh đau đớn và muốn tin rằng đó là một sự sắp đặt của định mệnh

* Đi vào huyền thoại

"Trước ngày ấy, bố tôi rất vui vẻ và chẳng nghĩ gì giống với điều người ta vẫn nói" - Nhà báo Lưu Minh Vũ kể lại. "Những tin đồn về chuyện nọ chuyện kia, tôi có nghe nhưng chẳng hề tin. Chỉ một điều có thật thôi, đó là chuyện người ta trách bố tôi cả nể. Những năm cuối đời bố, ông được các đoàn kịch trên toàn quốc đều cố sức "đặt hàng". Lôi kéo có, năn nỉ có, trách mắng có, bố cả nể nên thường nhận lời. Rồi công việc chồng chéo, không giao kịch bản đúng hẹn, bố thường treo biển đi vắng và "nấp" trong nhà để viết, trong khi anh em sân khấu đang "truy lùng" ngoài kia...
 
Xuân Quỳnh (trái) và chị gái Đông Mai khi còn nhỏ

"Vậy còn má Quỳnh của anh, trong những ngày cuối cùng ấy? "Năm đó, má tôi nằm viện nhiều vì bệnh tim. Má là người nhân ái, đa cảm và cả nghĩ. Trước bệnh tình của mình, má lo lắm, nên có nhiều ý nghĩ bi quan. Vậy thôi. Thật ra, bố thương má lắm. Những gì người ta đồn về chuyện tình cảm của bố, theo như tôi biết thì không có. Bao nhiều tình cảm có trên đời, ông dồn cả vào thơ rồi".

Bây giờ, nếu để chọn nhà thơ nữ được người yêu thích và quen thuộc gần gũi nhất, hẳn rất nhiều người sẽ chọn Xuân Quỳnh. Còn trên bản đồ địa lý cả nước, hiếm một tỉnh có các đơn vị nghệ thuật nào chưa từng dàn dựng một vài vở của Lưu Quang Vũ hoặc chèo, hoặc kịch, hoặc dân ca, cải lương. Và cứ mỗi kì hội diễn, trước sự khủng hoảng của một nền sân khấu, bạn nghề lại thường ca điệp khúc: nhớ Lưu Quang Vũ, tiếc Lưu Quang Vũ...

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm