Những ngày cuối cùng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (Kỳ 2)

25/08/2008 09:13 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày 31/8/1988, những lễ tưởng niệm vợ chồng Lưu Quang Vũ nối nhau được tổ chức tại các chi hội VHNT trên toàn quốc. Tại Hà Nội, gần như toàn bộ giới sân khấu thủ đô đều có mặt tại trụ sở 51 Trần Hưng Đạo. Và trong dòng người lặng lẽ đi theo thi hài của vợ chồng Vũ, có rất đông người chưa một lần gặp anh ngoài đời. Họ chỉ là những khán giả bình thường. Thậm chí, là những người làm cái nghề mà thời ấy người ta gọi bằng "phe vé"...
 
Kỳ 2: Ngày buồn nhất của sân khấu Việt Nam
 
* Ba ngày cuối cùng bên nhau
 
Nhà văn Ngô Thảo (nguyên Phó chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu VN) là người trực tiếp xuống Hải Dương và đưa gia đình Vũ về trong ngày 29/8/1988. Ông kể rằng khi ấy, mọi người chỉ biết Vũ có mặt trên chiếc xe gặp nạn. Chạy xuống Hải Dương, anh em trong Hội đều lo lắng: Xuân Quỳnh vốn bị bệnh tim, chị sẽ chịu đựng sao khi nghe tin này? Tới đầu cầu Phú Lương, Vũ đã được chuyển vào bệnh viện. Trên bờ ruộng chỉ còn lại hai chiếc quan tài bằng gỗ mộc, trong đó là thi hài của nữ nhà thơ và cháu Mí.
 
Cặp vợ chồng tài hoa Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh
(Ảnh do gia đình cung cấp)

Ông Thảo kể: gần nữa đêm, xe chở gia đình Vũ mới về tới Hà Nội. Vào bệnh viện Việt Đức, họ lách qua hàng trăm nghệ sĩ sân khấu đã biết tin từ chiều. Tiếng khóc, tiếng gào vỡ ra từ dòng người ken chặt phố Phủ Doãn. Trời hè oi bức, Thứ trưởng Đình Quang vội liên hệ với bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô - nơi duy nhất có nhà lạnh chứa thi hài khi ấy. Vũ, Quỳnh và cháu Mí được xe chuyển tiếp tới đây. Vợ chồng nhà thơ được chuyển vào ngăn trên. Phía dưới, Quỳnh Thơ được gửi nhờ vào ngăn của một nhà sư vừa tạ thế. Trong buổi tối hôm ấy, đạo diễn Hoàng Quân Tạo,Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, thuyết phục mọi người thay quan cho gia đình Vũ. Dù biết rằng đó là điều kiêng kỵ, giới sân khấu vẫn không đành lòng để họ nằm trong những chiếc quan bằng gỗ mộc như thế.

Ba ngày từ 29-31/8/1988 là quãng thời gian anh em, bè bạn chạy vạy, nhờ can thiệp để gia đình Vũ được táng chung tại khu A, Nghĩa trang Văn Điển. Những quy định về tiêu chuẩn khiến họ có nguy cơ phải xa nhau: nhà thơ Xuân Quỳnh là Ủy viên BCH Hội nhà văn nên đủ tiêu chuẩn vào khu A, trong khi Vũ chỉ là cán sự ba. Còn cháu Quỳnh Thơ, theo quy định, sẽ được đưa vào khu riêng dành cho các em nhỏ.

Đó cũng là ba ngày cuối cùng, gia đình nhỏ của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và cháu Mí ở cạnh nhau trên dương thế. Để rồi, sự tận tụy của bạn hữu đã giúp cho họ cùng được mãi ở cạnh nhau khi từ giã cuộc đời.

* Vành khăn chung

Sinh tử chia lìa, đó là điều không ai muốn nhưng không thể nào cưỡng lại. Tại 51, Trần Hưng Đạo, ngôi nhà lịch sử đã chúng kiến bao niềm vui và lo âu, nơi tạo nên những tài năng và cũng là nơi đau đớn tiễn biệt những tài năng, lại một lần nữa chúng ta phải vĩnh biệt nhà văn Lưu Quang Vũ, nhà thơ Xuân Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ. Lời mở đầu trong lễ truy điệu được bắt đầu như thế.

Rất nhiều người dân tại Hà Nội vẫn còn nhớ ngày hôm ấy. Họ kể rằng trời ngày ấy âm u và không có nắng, dù đang vào tiết hè. Yên ắng hơn mọi ngày, Hà Nội như ngập trong nỗi buồn. Tại trụ sở Hội sân khấu, hàng vạn người đến đưa viếng ùa nghẽn cả một dãy phố trước cửa nhà 51. Dòng người lặng lẽ chen vai nhau, xếp hàng hai, hàng bốn, hàng sáu... Rồi cả sân nhà chật không còn một khoảng trống nhỏ. Hàng trăm vòng hoa tang phải đội lên đầu. Gần như toàn bộ giới văn nghệ sĩ Hà Nội đều đổ về đây. 
Đám tang gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ

Và không chỉ có văn nghệ sĩ. Trong ký ức về ngày đau đớn của mình, nhà báo Lưu Minh Vũ vẫn nhớ được sự có mặt của những người mà thời ấy được gọi bằng cái tên "con phe". Họ là phe vé tại hầu hết các rạp hát trên địa bàn Hà Nội. Một thời gian dài, khi sân khấu khủng hoảng, những người buôn vé lậu gần như thất nghiệp. Để rồi, khi tự phát tới viếng gia đình Vũ, thắp hương cho anh, những người vẫn bị trí thức nhìn bằng con mắt e dè ấy quay sang ngậm ngùi chia buồn cùng gia đình: anh Vũ là ân nhân, là người cứu cuộc sống của gia đình chúng tôi.

Các bạn hữu của vợ chồng Quỳnh - Vũ kể rằng: theo phong tục, xe chở gia đình Vũ qua nhà riêng tại tập thể 96 phố Huế. Chính trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, nỗi đau chung không thể nén xuống và chợt vỡ tung ra. Một quãng đường phố Huế - Trần Nhân Tông tắc nghẹn với tiếng gào thét tiếc thương của cả vạn con người. Rất đông và rất đông, những người qua đường dừng lại, lặng lẽ ngả mũ, dắt xe đạp, hòa vào dòng người đi theo thi hài của gia đình Lưu Quang Vũ. Cũng như hàng trăm trường hợp có mặt tại đám tang, đa phần những người dân bình thường ấy chưa một lần gặp Quỳnh và Vũ ngoài đời. Họ chỉ là khán giả, là độc giả, và hòa vào dòng người khổng lồ ấy với gương mặt của người vừa mất đi một niềm an ủi lớn: niềm an ủi được Quỳnh và Vũ bênh vực, thông cảm và động viên trong một giai đoạn tưởng như khó khăn nhất với những gì đang diễn ra trong môi trường của cuộc sống quanh mình...

Với đoàn kịch Hải Phòng, nơi Vũ xuống làm việc và trở về bằng chuyến xe oan nghiệt vào ngày 29/8, các nghệ sĩ đất Cảng cũng có mặt trong cuộc tiễn đưa đau đớn ấy. Họ kể rằng: đi qua chân cầu Phú Lương, nơi xảy ra tai nạn, cả đoàn dừng lại thắp hương cho vợ chồng anh. Ven đường, một nấm mộ tượng trưng đã được người dân quanh đó lập nên để tỏ lòng thương tiếc Quỳnh và Vũ. Trên mộ, hoa và hương vẫn phủ đầy từ trước đó mấy ngày.
 

Tối nay VTV1 phát sóng phim về Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh

Nhân kỷ niệm 20 năm mất của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, nhiều hoạt động văn hóa- văn nghệ được tổ chức để tưởng nhớ. Sau khi ra mắt báo giới, bộ phim tài liệu 55 phút Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại (tên ban đầu là Ngọn lửa trong gương, biên kịch Đào Trọng Khánh - đạo diễn Nguyễn Thước và Bùi Tuấn) sẽ phát sóng (bản rút gọn, 30 phút) trên VTV1 vào 22h20 ngày 25-8 trong chương trình Phim tài liệu.

Mặc dù không có một hình ảnh động nào về cặp vợ chồng tài hoa bạc mệnh này ngoài những thước phim ghi cảnh đám tang của hai người do đạo diễn Nguyễn Thước thực hiện, nhưng bộ phim khắc họa sống động cuộc đời và số phận của hai tài năng nghệ thuật, hái trái tim nồng nàn tình yêu… qua tình cảm của bạn bè, người thân, đồng nghiệp… và những tác phẩm họ để lại. Giọng đọc truyền cảm của NSƯT Lê Chức cũng góp phần đáng kể nhen lên cảm xúc cho người xem khi bồi hồi sống lại với những ký ức, những kỷ niệm cách đây hơn hai mươi năm…

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, Đêm Lưu Quang Vũ tại Nhà hát Tuổi Trẻ vào 28-8 với các trích đoạn: Nàng Sita, Lời thề thứ chín, Điều không thể mất và Đôi dòng sữa mẹ do nhiều nhà hát dàn dựng. Hội Nhà văn VN và Hội Nghệ sĩ sân khấu VN phối hợp tổ chức Lễ tưởng niệm Lưu Quang Vũ vào sáng 29-8 tại trụ sở Hội Nhà văn VN- số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội .

H.Đông

Hoàng Nguyên

(Kỳ 3: Một cuộc sống khác trong 20 năm)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm