'Như tôi đã sống' - Đêm thơ nhạc xúc động khắc họa chân dung một Anh hùng lao động

30/01/2018 18:47 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn)- Tối 27 - 28/1/2018, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội đã diễn ra đêm nhạc Như tôi đã sống để tôn vinh Đại tá, Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp. Đêm nhạc với hơn 20 ca khúc, gồm những sáng tác thơ, nhạc của ông và của các nhạc sĩ, nhà thơ nổi tiếng với nguồn cảm hứng từ chính cuộc đời đầy thăng trầm của ông. Đêm nhạc nằm trong series chương trình tôn vinh tác giả, tác phẩm của chuỗi “Vàng son một thuở”.

Suốt gần 3 tiếng đồng hồ diễn ra, đêm nhạc khiến người xem đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với câu chuyện đời thăng trầm, hiển hách như một cuốn phim sống động, không ít lần người xem cay cay khoé mắt trước những ca khúc về người lính, về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương sâu sắc của Đại tá, Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp.

Đó là chân dung của một người con của quê hương Nghi Trường, Nghi Lộc, một quân nhân thành đạt, anh hùng lao động, một doanh nhân dũng cảm trên thương trường. Nhưng, không chỉ dừng lại ở chỗ khắc họa chân dung của một con người với những thăng trầm, người xem còn thấy được cả một giai đoạn lịch sử của đất nước bi tráng, hào hùng thời chiến, phát triển thịnh vượng thời bình được tái hiện.

Đêm thơ nhạc Như tôi đã sống hấp dẫn ngay từ những hình ảnh đầu tiên với cách dàn dựng theo format một vở nhạc kịch, chia thành 4 chương, khắc họa rõ nét từng thời kỳ, từng giai đoạn trong cuộc đời người anh hùng Nguyễn Đăng Giáp. Khán giả bị lôi cuốn vào câu chuyện kể cuộc đời với bao biến cố, thăng trầm của nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp từ khi sinh ra, lớn lên, đi bộ đội rồi trở lại thời bình, vượt qua những sóng gió trên thương trường để trở thành doanh nhân thành đạt. Lần đầu tiên có một đêm thơ nhạc vinh danh tác giả được đầu tư theo lối nhạc kịch, với phần biên đạo tài hoa của biên đạo múa Trần Ly Ly với hơn 100 diễn viên múa tài năng lại có sức hấp dẫn mạnh mẽ đến vậy. Một mạch cảm xúc xuyên suốt cuốn lấy sự chú ý của khán giả, giống như những thước phim đắt giá cứ liên tục đưa người xem đi qua những cung bậc cảm xúc, từ những hồi ức tuổi thơ đẹp đẽ, hồn nhiên, đến sự ấm áp bảo bọc của cha mẹ, gia đình, trọn vẹn trong sự bảo bọc của quê hương, lối xóm những năm tháng khó khăn, bom đạn, đến những năm tháng ở chiến trường khốc liệt, mất mát, đau thương, nhưng ấm tình đồng đội, và rồi bước tiếp những bước thăng trầm của thời bình, nơi mà đối diện với bao khó khăn của phát triển nhưng vẫn luôn đầy đặn, ấm tình người lính. Chữ “Tình” ấy của người lính là cả cái tình lãng mạn, những khoảng lặng, ưu tư trước cuộc đời…

Chú thích ảnh
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp

Trong đó, chương 1 lấy chủ đề Quê hương tuổi thơ kể lại câu chuyện một cậu bé sinh ra nơi xứ Nghệ với cảnh sắc quê hương đẹp đến nao lòng. Bài múa Nhớ về nguồn cội (nhạc Doãn Tiến, lời thơ Nguyễn Đăng Giáp), các ca khúc Ơi quê mẹ ân tình, Nghi Trường khúc hát yêu thương (Nhóm Cỏ Lạ)… thể hiện tình yêu quê hương tha thiết của người con Nghi Trường đối với mảnh đất địa linh nhân kiệt. Niềm tự hào về quê hương được hiển hiện rất rõ qua hình ảnh quê hương được khắc hoạ.

Đặc biệt là ca khúc Đền Diên Cờ (nhạc Doãn Tiến, thơ Mai Hồng Niên) tái hiện những lễ hội đậm chất dân gian mang nhiều ý nghĩa tâm linh, phần thể hiện của ca sĩ trở về từ Mỹ, Bảo Khánh, khiến khán giả cảm nhận được không khí hào sảng và tráng lệ của bản sắc quê hương.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Bảo Khánh thể hiện ca khúc "Mẹ tôi"

Chương 2 với chủ đề Gia đình và chiến trận tái hiện hai mảng màu đối lập của cuộc đời đại tá, nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp. Những năm tháng bình yên, tràn ngập yêu thương của tình yêu gia đình đẹp như một bức tranh được thể hiện qua các ca khúc Năm tháng tuổi thơ tôi, Mẹ tôi (Bảo Khánh), Cha tôi (Tùng Dương), Chuyện cha con (Quang Linh), Bên ngoại mẹ tôi (Thanh Thanh Hiền)… Ở nơi những khúc ca gia đình ấy, hình ảnh gia đình, truyền thống gia đình được hiện lên rõ nét. Khán giả cảm thấy thú vị với những sáng tác thể hiện tinh thần hiếu học, truyền thống gia đình đầy tự hào. Câu chuyện về cố nội của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp là Nguyễn Đăng Lương, bạn đồng môn với cụ Nguyễn Sinh Sắc thân phụ của Bác Hồ cũng đã được hiện lên rõ nét qua màn vũ kịch ấn tượng, truyền lại cho thế hệ sau tinh thần hiếu học, trượng nghĩa, vì nước vì dân.

Chú thích ảnh
Các khúc "Em tôi" của Quang Linh làm khán giả xúc động

Để rồi sau những Trang đời đẹp nhất, là sự đối lập khi chiến tranh ập đến, tàn khốc với cảnh chia lìa, bi thương. Những chàng trai phải lên đường ra trận, kéo theo đó là cảnh biệt ly, những cô gái chia tay người yêu, mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng… không hẹn ngày gặp lại. Chiến tranh rồi hòa bình lập lại, nhưng nỗi đau chưa thể nguôi ngoai khi miền quê yên bình đón nhận hài cốt những người con hi sinh trong chiến trận. Mắt của nhiều khán giả đã cay xè trước những ca khúc như “Em tôi”. “Em tôi” là ca khúc Đại tá Nguyễn Đăng Giáp viết về sự hy sinh của người em trai của mình, đã để lại trong ông nỗi đau, khoảng trống vô tận. Nhưng, vượt lên câu chuyện riêng tư, ca khúc cũng như màn kịch vũ vẽ nên bức tranh bi tráng mà tràn đầy tình yêu thương, hào hùng về những người lính trẻ đã ngã xuống, đồng đội khi ôm lấy thi thể “EM” trong vòng tay giữa chiến trường khốc liệt. Không tiếng súng đạn, không những bi ai, từng lời hát của “Em tôi” ngời lên vẻ đẹp tuổi thanh xuân nơi chiến trận, nỗi xót xa đau đớn trước mất mát chiến tranh đã thấm vào mạch cảm xúc của người nghe.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Không còn cảnh chiến tranh tàn khốc và chia ly, từ chương 3 kể chuyện người lính trở lại thời bình, họ vẫn phải chiến đấu nhưng là trên… Thương trường. Người lính trong ca khúc Hành trình 9 năm (Minh Vương) đã biến những công trường từ cảnh hoang sơ, thành những công trình hoành tráng. Hay trong Khúc ca 10 năm - là xây dựng Công ty 36, và những công trình mà Công ty 36 đã thực hiện trên khắp các nẻo đường đất nước. Những ca khúc như Bản tình ca binh đoàn lính thợ (Nhóm Dòng thời gian), Bài ca người anh hùng xứ Nghệ (Nhóm Belcanto), Hành trình xích thố (Lê Anh Dũng)… đã khắc họa chân dung người anh hùng thời bình như một tượng đài đã trải qua biết bao nhiêu sóng gió thương trường, rời chiến trường khốc liệt bước vào thương trường khốc liệt không thua kém, nhưng đã vượt qua bao sóng gió để thành công và viết nên một trang sử tươi đẹp, huy hoàng cùng sự phát triển của đất nước.

Và sau cùng, chương 4 chủ đề Cảm xúc mùa thu là những suy nghĩ, chiêm nghiệm trước cuộc đời của người đại tá, doanh nhân và cũng là nghệ sĩ. Giữa những bộn bề cuộc sống, những sóng gió của cuộc đời, của thương trường, thì chính âm nhạc, những vần thơ đã giúp ông cân bằng cảm xúc cho mình. Các ca khúc Khát vọng và tình yêu Hà Nội (Thái Thùy Linh), Nốt lặng mùa thu (Lê Anh Dũng), Nốt lặng còn lại (Khánh Linh), Tình khúc mùa thu (Khánh Linh – Tùng Dương), Nắng ấm giữa mùa đông Hà Nội (Tùng Dương)… thể hiện chút tâm tư, những khoảng lặng trong cuộc đời người hùng. Những xúc cảm ấy cũng cho thấy một tình yêu quê hương đất nước trọn vẹn đối với Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Lê Anh Dũng

Đêm nhạc Như tôi đã sống là những sáng tác, ca từ đầy ý nghĩa, thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước của người con xứ Nghệ, ghi lại những biến cố dữ dội, hào hùng trong cuộc đời một con người. Âm nhạc được thực hiện bởi những nhạc sĩ gạo cội, tài hoa của Hà thành như Thanh Phương, Lưu Hà An, Minh Đạo… góp phần vinh danh thành công người nghệ sĩ là anh hùng trong thời chiến, doanh nhân thành đạt trong thời bình - Nguyễn Đăng Giáp. Đạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Nam đã xây dựng một sân khấu tráng lệ mà tinh tế đơn giản để tôn vinh câu chuyện kịch vũ một cách nổi bật nhất, giúp thu hút khán giả vào từng câu chuyện, từng lời thơ, tiếng nhạc.

Chủ nhiệm chuỗi chương trình “Vàng son một thuở”, nữ ca sĩ Ngọc Châm, đồng thời cũng là tác giả văn học của chương trình cho biết, với tôn chỉ tôn vinh tác giả tác phẩm của chuỗi chương trình, chị đã rất bất ngờ khi thấy chân dung thơ nhạc của Anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp. Cũng giống vai trò người hùng thầm lặng đã biến từ một cơ sở nhỏ của một công ty trở thành công ty xây dựng lớn nhất hiện nay của đất nước, thơ nhạc của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp như một dòng suối chảy âm thầm nhưng mãnh liệt ghi lại câu chuyện con người, đất nước quê hương như những trang sử sống vô cùng quý giá. Và chính điều đó khiến Ngọc Châm đã dành nhiều tháng tìm hiểu trong hàng trăm các tác phẩm thơ, nhạc của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp để chọn ra 20 tác phẩm xuất sắc nhất thực hiện chương trình “Như tôi đã sống”.

Ca sĩ Ngọc Châm cho biết, tôn vinh, khắc hoạ chân dung một nhân vật đặc biệt như Anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cũng là một trong những hướng đi mới trong năm 2018 của “Vàng son một thuở”, chương trình muốn hướng đến vinh danh những chân dung đặc biệt trong thơ nhạc, mở ra một hướng tiếp cận mới đến khán giả để khán giả có thể thấy được đủ đầy hơn những sắc màu nghệ thuật trong đời sống hôm nay.

Chú thích ảnh
Tiết mục song ca của ca sĩ Tùng Dương và Khánh Linh

Ca sĩ Tùng Dương bày tỏ sự tự hào khi được tham gia chương trình hát tôn vinh đại tá - nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp: “Ông là người có công với đất nước cách mạng trong chiến tranh và là doanh nhân - nghệ sĩ tài hoa trong thời bình. Ông sáng tác những vần thơ để rồi được các nhạc sĩ phổ nhạc chủ đề chiến tranh, quê hương đất nước đã khơi dậy trong lớp nghệ sĩ sau này, sống trong thời bình cảm nhận được ở những người anh hùng tinh thần hào sảng, tha thiết của quê hương đất nước. Ông thắp lên ngọn lửa giúp cho giới trẻ, thế hệ hôm nay một niềm tin mãnh liệt, tình yêu quê hương đất nước. Tùng Dương rất ấn tượng khi chương trình được dàn dựng công phu, mới lạ theo lối nhạc kịch, và phần nhạc được các nhạc sĩ tài hoa Hà thành thực hiện nên chất lượng và ý nghĩa.”.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Tùng Dương với "Cha tôi"

“Chương trình khá là khác biệt so với các tác giả khác, bởi như là tổng kết cuộc đời với những biến cố, thăng trầm. Ấn tượng với tôi là chương trình được dàn dựng công phu, từ cách chọn lựa bài hát, hình ảnh đều rất kỹ càng, từ sân khấu, đến trang phục của diễn viên đều đầu tư chỉn chu tới từng chi tiết. Tôi hiểu thêm về vị đại tá có tâm hồn đẹp, tâm hồn nghệ sĩ, hy vọng khán giả xem sẽ cảm thấy thích chương trình này” - nữ ca sĩ Khánh Linh tâm sự.

Ca sĩ Bảo Khánh đã bay từ Mỹ về để biểu diễn trong chương trình, anh nói, anh rất bất ngờ khi chương trình được dàn dựng công phu mà ngay cả ở Mỹ anh cũng hiếm thấy, đặc biệt đến thế khiến anh thấy thăng hoa hơn khi biểu diễn. Bảo Khánh được giao hát 02 ca khúc về quê hương và mẹ, anh đã cảm nhận sâu sắc được tình yêu quê hương, yêu miền Trung nắng gió sâu nặng của tác giả, tình yêu lớn lao của người con Nguyễn Đăng Giáp dành cho mẹ, cho gia đình. Bảo Khánh đã khiến cả khán phòng lặng đi khi hát “Mẹ tôi”, với những điệu da diết, thương yêu sâu thẳm.

Chú thích ảnh
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp nhận hoa chúc mừng của người thân

Sau đêm nhạc, Anh hùng lao động, đại tá, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đăng Giáp xúc động bày tỏ: “Cuộc đời ai cũng có tuổi thơ và lớn lên, riêng tôi có tuổi thơ đặc biệt đói khổ và cơ cực như tôi viết trong bài Năm tháng tuổi thơ tôi. Nhưng cũng chính vì như vậy con người ta lại trưởng thành, như tôi đã nói: Tình khúc một đời binh đao chiến trận - Nay trả lại cho đời nốt nhạc vần thơ. Chiến tranh cướp đi của chúng ta quyền được sống, được cống hiến, giống như câu hát Đời người thích hoa hồng - Vì kẻ thù buộc ta ôm cây súng. Đó là những thông điệp tôi muốn gửi gắm trong đêm nhạc”.

“Trong cuộc sống vốn rất bề bộn, mỗi khi truyền hình báo chí đến hỏi tôi nếu được điều ước tôi ước điều gì, tôi nói… ước một ngày có 36 tiếng. Nói vui vậy, dù cuộc sống bận rộn nhưng tôi dành những khoảng lặng cho thơ, hay những khi cảm xúc tôi trào dâng. Trên đời này có hai thứ không bao giờ quay trở lại đó là thời gian và cảm xúc. Cuộc sống cần có thơ và nhạc để cân bằng với công việc, khi là nghệ sĩ, lúc là doanh nhân.

Chú thích ảnh
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cùng các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình

Phía sau tôi là hàng chục nghìn người, tôi phải lo lương hàng nghìn tỷ mỗi năm, nhưng với tôi, phàm doanh nghiệp thì phải có văn hóa doanh nghiệp, có thơ, có nhạc thì mới cân bằng được cuộc sống, có tư duy sáng tạo trong công việc. Hơn nữa cuộc đời con người phục vụ chuyên môn công việc đến 60 tuổi thì về hưu, nhưng còn cầm kỳ thi họa thì sống với ta tới khi về thế giới bên kia” - Đại tá - Nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp chia sẻ. Và, đó cũng là câu chuyện “Như tôi đã sống”, như một người Anh hùng lao động đã sống hết mình, hết mình vì đất nước, quê hương, gia đình, vì đồng đội, vì người lao động và vì những cảm xúc mãnh liệt yêu đời, yêu người trong từng tế bào của người Quân nhân ấy. Những xúc cảm trong đêm nhạc không chỉ cho thấy người Quân nhân ấy đã sống như thế nào, mà quan trọng nhất như Tùng Dương nói, đã truyền lửa cho người xem, cho thế hệ trẻ niềm tự hào, tình yêu nước sâu sắc và sự phấn đấu không ngừng như thế hệ cha anh.

Thông tin về Anh hùng lao động, Đại tá - Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đăng Giáp

Anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp sinh ngày 16/06/1954 tại Nghi Trường, Nghi Lộc, Nghệ An. Gia đình có 8 anh em thì cả 8 đều vào bộ đội, Nguyễn Đăng Giáp là anh cả. Một người em của ông đã hy sinh trong chiến tranh. Nay cả 7 anh em đều thành đạt.

Tốt nghiệp cấp III năm 1971, ông có giấy gọi vào Trường Đại học Mỏ địa chất. Háo hức vào bộ đội, cấp trên thoạt đầu muốn cho ông đi học làm quân y nhưng ông cứ nhất quyết xin đi học lái xe, bởi ông mê những câu thơ của Phạm Tiến Duật về "Tiểu đội xe không kính", về "Gửi em cô thanh niên xung phong", về "Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến, bâng khuâng ngồi dậy nhớ lưng đèo…". Công việc lái xe nơi chiến trường đã giúp ông trưởng thành trên những cung đường Trường Sơn, xuyên suốt vùng Nam Lào, Campuchia, miền Đông Nam Bộ… trải qua đủ mọi tình huống đối mặt với đạn bom, chết chóc… Có lẽ cũng chính vì tinh thần lãng mạn đặc biệt này từ thời trẻ, tình yêu thơ nhạc luôn trong trái tim, nên ở bất cứ thời điểm nào, chàng trai Nguyễn Đăng Giáp cũng đầy nhiệt huyết và cũng đầy mơ mộng. 

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, đang muốn cởi áo lính về nhà đi học tiếp thì ông lại được điều đi thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Lào, cũng vẫn là lái xe nhưng lái xe ca quân sự. Nguyễn Đăng Giáp bảo: “Chuyện cuộc đời tôi dài lắm vì tôi đã đảm đương khá nhiều công việc khác nhau”.

Vừa làm, vừa học, ông chọn ngành Luật để theo ở cấp đại học. Rời vô lăng với bằng cử nhân Luật trong túi, ông lại được phân công làm trợ lý xe máy rồi được cử làm Trưởng trạm khách TO2 của Binh đoàn 11. Sau đó, năm 1996, ông được phân công làm Phó Giám đốc Xí nghiệp 37 kiêm Đội trưởng Đội 18 thuộc Công ty 665 của Binh đoàn 11… Ông nhận chức Giám đốc Xí nghiệp 36, Binh đoàn 11, vào ngày 23/9/2003 khi Xí nghiệp mày đang trên bờ vực phá sản với khoản lỗ và nợ 34 tỷ đồng.

Sau đó, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã cùng những người lính thời bình đưa Xí nghiệp 36 trở thành một Tổng công ty Đầu tư xây lắp thương mại phát triển với tốc độ phi mã, uy tín hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng hiện nay.

Anh hùng lao động, Đại tá - Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đăng Giáp hiện là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư xây lắp và Thương mại 36, Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm